Công Phượng và chuyện bảo vệ những tài năng

Tuệ Chính |

Những ngày qua, các đoàn nhà báo “rầm rập” kéo về quê hương Công Phượng để tìm tuổi thật của anh, làm náo nhiệt cả vùng quê yên bình ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

Cũng từ đây, nhiều câu chuyện xung quanh Công Phượng từ khi anh tỏa sáng trong màu áo U19 Việt Nam được phát hiện, càng tô đậm thêm chân dung của một “tài năng vượt khó”, trở thành thần tượng của nhiều người.

Các nhà tuyển trạch, hãy đến những miền quê nghèo

Quê Công Phượng nghèo, nhà Công Phượng còn nghèo hơn, ấy thế mà trong hơn một năm qua, khách đến đây rất nhộn nhịp. Công Phượng cứ như thỏi nam châm thu hút dư luận, truyền thông... và người ta tìm đủ cách để khai thác mọi vấn đề xung quanh Công Phượng, khiến quê hương anh cũng tưng bừng theo.

Sức hút của Công Phượng cực lớn, nó làm thay đổi cả một vùng quê nghèo. Trước ngày Công Phượng trở thành niềm tự hào của quê hương, cả xã Mỹ Sơn chỉ có một sân bóng, còn bây giờ mỗi thôn đều có một sân. Những đứa trẻ ở đây xem Công Phượng là hình tượng để noi theo, vì thế “ước mơ vươn tới một ngôi sao” của chúng càng trở nên dào dạt.

Việc sân bóng ở xã Mỹ Sơn mọc lên “như nấm sau mưa” là minh chứng sống động cho thấy tầm ảnh hưởng của Công Phượng đối với sự phát triển của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng ở xã Mỹ Sơn.

Và xa hơn, tin chắc rằng, kể từ U19 xuất hiện, Công Phượng tỏa sáng, trẻ em nhiều vùng quê khác ở Nghệ An cũng được tiếp thêm cảm xúc để chiều chiều xách trái bóng ra các sân ruộng quần thảo.

Không chỉ sân bóng mọc lên nhiều, về quê Công Phượng ai cũng nhận là người thân của em khiến các nhà báo hết ngạc nhiên. Từ ông hiệu trưởng, đến cô giáo mầm non..., họ đều cho rằng mình có họ hàng với Công Phượng dù gần, dù xa. Công Phượng cứ như vầng hào quang tỏa sáng, ai ai cũng tự hào, cũng muốn có chút gì đó liên quan đến anh. Xét về điều này, quả thật chưa có cầu thủ nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam có thể làm được như thế.

Vậy vì sao, do đâu Công Phượng lại có được sức hút mạnh mẽ như thế? Câu trả lời ấy, trước hết xuất phát từ nhân cách, từ hình ảnh cậu bé nhà nghèo dám đeo đuổi ước mơ, vượt khó để có được như ngày hôm nay của Công Phượng. Sau nữa, đó chính là thứ cảm xúc mà Công Phượng tạo ra từ trái bóng trong chân anh, như hình ảnh Phạm Văn Quyến ngày nào.

Và nói như cựu tiền đạo Văn Sỹ Hùng: “U19 và Công Phượng đã khơi lại tình yêu bóng đá của thời đội tuyển Việt Nam thế hệ chúng tôi. Đó là thứ bóng đá cảm xúc, cống hiến, và chỉ có như thế mới lay động được bác nông dân bỏ dở buổi cày ngoài ruộng để về nhà bật tivi lên xem”.

Bảo vệ thần tượng vốn rất khó

Nhà báo Hữu Thọ từng nói rằng tìm người tài đã khó, bảo vệ người tài càng khó hơn bởi đa số người tài đều không phải giỏi trong việc tự bảo vệ mình. Quả thật, với bóng đá Việt Nam, việc quá nhiều tài năng bị thui chột đã nói lên khó khăn đó.

“Thần tượng được hiểu là một nhân vật cụ thể nào đó, có những thành công hoặc ưu điểm nhất định, tác động đến cuộc sống chúng ta nhiều hoặc rất nhiều theo hướng tích cực. Nhân vật đó có thể nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực hoặc có thể chỉ là những con người bình dị xung quanh cuộc sống của chúng ta”. Nếu hiểu theo nghĩa này, và trong phạm vi bóng đá, rõ ràng ở Việt Nam vẫn có không ít trường hợp.

Thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Sỹ Hùng của thập niên 1990... là thần tượng của hàng vạn trái tim yêu bóng đá Việt Nam. Mỗi trận đấu của họ là một bữa tiếc cảm xúc, sung sương, tự hào, buồn đau, tiếc nuối,... chính điều này đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao đứa trẻ có ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá trên dải đất hình chữ S này. Và cho đến bây giờ, thế hệ ấy dù đã đi vào dĩ vãng, nhưng mỗi lần nhắc lại, nhiều người vẫn cảm thấy xốn xang.

Sau thế hệ vàng thập niên 1990, Công Vinh, Văn Quyến được xem là 2 thần tượng của bóng đá Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21. Hai hình ảnh đối lập “Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện” trở thành đề tài làm tổn hao không ít giấy mực của làng báo. Dẫu thế, xét trên phương diện thần tượng, Văn Quyến vẫn xếp trên Công Vinh một bậc. Đáng tiếc là thần tượng được nhiều người mến mộ ấy lại dính vào vết nhơ trong sự nghiệp, và nó gần như đã phá nát hết những ký ức đẹp đẽ về “cậu bé thần đồng chăn trâu”...

Với bóng đá Việt Nam, nếu địa phương nào cũng xây dựng, bảo vệ được một số thần tượng thì quá trình tái cấu trúc nền bóng đá sẽ đỡ gian lao hơn nhiều. Giữa lúc bóng đá Việt Nam rối ren, đang khát thần tượng, sự xuất hiện của Công Phượng và U19 trở thành niềm hy vọng cho người hâm mộ. Công Phượng được thần tượng không chỉ vì khả năng chơi bóng cảm xúc, nhiều người còn cảm phục ý chí chiến đấu và khát vọng thoát ra cảnh đói nghèo của cậu bé vùng sâu, vùng xa.

Và từ hình ảnh của anh, có lẽ vẫn còn những đứa trẻ ôm trái bóng vào trong giấc ngủ, mơ giấc mơ một ngày lớn lên được như Công Phượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại