1. Về bàn thắng, ở V-League, Phượng vẫn xếp sau Quang Hải, Tăng Tuấn, Vũ Phong, Văn Thắng và Đình Tùng; còn tại SEA Games, Phượng thua Hồng Quân, Huy Toàn.
Các con số không thật sự ấn tượng với một cầu thủ được kỳ vọng lớn như Công Phượng, nhưng đó là sự khởi đầu tốt.
Nếu tiếp tục giữ được trạng thái cân bằng, Công Phượng hoàn toàn có thể phát triển thành một cầu thủ lớn, chứ không chỉ là một cầu thủ giỏi.
Tại SEA Games 28, U23 Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura tập hợp đủ những cầu thủ trẻ chất lượng bậc nhất, nhưng Công Phượng đã cho thấy sự khác biệt, đến dị biệt.
Không biết có sự đặc cách nào từ HLV Miura hay không (như trong màu áo U19 Việt Nam và HAGL chẳng hạn), nhưng Công Phượng là người duy nhất dám “chơi bóng” với đầy đủ đam mê và sự sáng tạo. Phượng khiến đối phương phải tôn trọng.
Cũng như bao trận đấu trước đó của HAGL, cuộc đối đầu với B.Bình Dương ở Thủ Dầu Một vòng 13 V-League 2015 mới đây, thực sự là thời điểm lý tưởng để người ta đưa ra một phép so sánh vai trò của Công Phượng và đàn anh Công Vinh.
Đối đầu với những đối thủ hàng đầu, Công Phượng vẫn rất tự tin cầm bóng và ngay cả khi HAGL thua 1-4 chung cuộc, về cá nhân, Phượng vẫn xứng đáng thang điểm cao.
Người ta tính rằng, cứ khoảng 10 năm, bóng đá Việt Nam lại sản sinh ra một đôi tiền đạo giỏi. Thời “thế hệ vàng” có Huỳnh Đức, Minh Chiến; sau đến lượt Văn Quyến, Công Vinh.
Tiếc là lúc này, thế hệ sinh năm 93 - 95, chỉ có mỗi Công Phượng. Quả đáng báo động!
2. Khi lứa U19 Học viện HAGL Arsenal JMG ra ràng và bắt đầu gây tiếng vang ở các giải đấu cấp khu vực, cũng như quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, Tuấn Anh và Xuân Trường, mới là những gương mặt “sáng nước” nhất, chứ không phải Công Phượng.
Thực tế, tiền vệ đội trưởng HAGL, Nguyễn Tuấn Anh, đã được bầu chọn là “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất” năm 2014, qua mặt cả Xuân Trường lẫn Công Phượng.
Ấn tượng lớn nhất về Tuấn Anh và Xuân Trường, bộ đôi tiền vệ trung tâm của HAGL, là sự khoan thai trong cách chơi bóng, những đường mở bóng có điểm rơi khá chuẩn xác và tất nhiên, cả những cú sút xa – sút phạt hàng rào.
Nhưng hạn chế, ai cũng có thể thấy bằng mắt thường, đấy là sức mạnh, tốc độ, những cú đi bóng lắt léo và khả năng dâng cao hỗ trợ tấn công tuyến 2. Ngoài ra, cả về độ lì lợm cần thiết nữa.
Về mặt sức mạnh, bằng với thời gian và sự tích luỹ, bất cứ cầu thủ nào cũng có thể cải thiện được.
Nhưng kỹ năng và tư duy chơi bóng của cả Tuấn Anh lẫn Xuân Trường, e là khó phát triển trong môi trường V-League, nơi đòi hỏi các tiền vệ phải đa năng hơn, chứ không chỉ mỗi nhiệm vụ phân phối bóng.
Bóng đá hiện đại thậm chí còn yêu cầu các tiền đạo phải làm nhiệm vụ phòng ngự, huống hồ gì các tiền vệ.
Với môn thể thao đề cao tính tập thể, luôn cần sự đồng bộ, nhưng không có nghĩa là thiếu ý thức vai trò cá nhân.
Trong số tất cả các cầu thủ xuất xưởng đợt đầu của HAGL Arsenal JMG, rõ ràng, Công Phượng là người thích ứng với môi trường bóng đá đỉnh cao nhanh nhất và có tiềm năng phát triển thành một cầu thủ lớn nhất.
Và để đảm bảo Phượng không vướng bệnh sao, các thầy của anh sẵn sàng lập cả hàng rào bảo vệ.
Mà tính ra, bảo vệ Phượng đâu chỉ là việc của mỗi các HLV!?