Người hâm mộ bóng đá Anh có lẽ chẳng ai không biết đến cụm từ “kick and rush”. Nó từng là đặc trưng cho sự “phổi bò” của nền bóng đá nước này. Người Anh (hay đúng hơn là BTC Premier League) dĩ nhiên chẳng mấy hài lòng với điều này.
Thậm chí vào những năm 90 của thế kỷ trước, lúc giải đấu với tên gọi Premier League mới được khai sinh, giám đốc huấn luyện Charles Hughes của FA còn hằm hè truyền thông Châu Âu, đòi đưa họ ra tòa vì cụm từ “kick and rush” xuất hiện trên các mặt báo hay truyền hình.
Theo lý lẽ của Charles Hughes, nói như thế là hạ thấp chất lượng của giải đấu này. Premier League không nhàm chán và ngây thơ như thế. Buồn cười ở chỗ, chính Charles Hughes lại là người từng được nước Anh vinh danh vì đã phát triển chiến thuật chơi bóng dài lên một tầm cao mới.
Charles Hughes
Với việc tự ghìm chân nhau, Tottenham giờ kém Leicester 5 điểm, trong khi Arsenal thua CLB của tỷ phú người Thái Lan đến... 8 điểm sau 29 vòng đấu.
Nhưng điều đó nói lên gì? Rõ ràng những nhà điều hành giải đấu này đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu, từ rất sớm. Mà những gì Tottenham hay Arsenal vừa thể hiện, có thể khiến họ nở mày nở mặt.
Nhưng làm truyền thông tốt là một chuyện, phát triển bóng đá thật sự lại là một phạm trù hoàn toàn khác. Giải đấu này vẫn đang có nhiều đội chơi bóng theo những logic không ai có thể hiểu được.
Hãy thử tưởng tượng cảnh một CLB như Bayern Munich hay Barcelona có bàn thắng dẫn trước, trong thế được chơi hơn người. Họ sẽ làm gì? Bóp nghẹt đối thủ đến lúc vỡ trận, hoặc chơi cù cưa chờ tiếng còi kết thúc.
Nói chung là làm tất cả để chiến thắng trong đơn giản, ngoại trừ việc ngây thơ như Tottenham. Lao lên trong sự hưng phấn cực độ (nhờ siêu phẩm của Harry Kane?!), để rồi bị một (có thể còn hơn) nhát dao đâm chí mạng trong hoàn cảnh không ai ngờ tới.
Trận đấu giữa Tottenham và Arsenal mang đậm tính cống hiến, một điều rất phi logic khi cả 2 đang cạnh tranh trực tiếp cho chức vô địch cùng Leicester.
Thậm chí một CLB hạng trung của Serie A hay La Liga cũng sẽ không ngu ngốc như Arsenal.
Nhập cuộc tốt. Có bàn thắng dẫn trước, gây ức chế cho đối phương. Rồi sau đó dính hai thẻ vàng ngu ngốc. Xin nhắc lại là ngu ngốc. Bởi Coquelin có nhiều phương án hơn trong hai tình huống đó.
Đã hơn một lần chúng ta được nghe các nhận định về việc người Anh chơi bóng có phần ngây ngô và xem nhẹ chiến thuật.
Họ hồn nhiên quá. Hồn nhiên tới mức phi logic. Hồn nhiên đến mức một HLV ngoại bang như Pochettino cũng không kiềm được cơn say máu của các học trò. Arsene Wenger thì đã bị lai tạp từ lâu.
Ít người biết rằng cái tên Tottenham Hotspur được đặt dựa trên niềm cảm hứng từ một hiệp sĩ thời trung cổ có tên Harry Hotspur, người đã bị giết vì đứng lên chống lại triều đình của vua Henry IV.
Có lẽ vì thế mà họ chơi thứ bóng đá ngây thơ và luôn lao mình lên phía trước như vậy chăng? Còn Arsenal, có lẽ cũng không cần nói thêm nữa. Họ phi logic ngay từ trong máu.
NHM sướng, nhưng cách chơi của Spurs và Pháo thủ chẳng giúp gì về mặt chuyên môn cho nền bóng đá Đảo quốc Sương mù.
Nhưng cần nhớ rằng cả Tottenham và Arsenal đang là 2 trong 3 đội cạnh tranh trực tiếp cho chức vô địch mùa này. Chẳng có ai đang đua vô địch mà lại đá như thế cả. Ngoài các đội tại Premier League.
Tương lai của giải đấu này rồi sẽ như thế nào? Về mặt thương mại (bản quyền truyền hình...) tất nhiên là vô cùng sáng sủa, nhưng liệu nó có giúp ích gì cho nền bóng đá Anh, hay cụ thể hơn là cho ĐTQG nước này?
Có lẽ không nhiều lắm. Charles Hughes - người đã về hưu được vài năm, có lẽ cũng phải lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến sự ngây thơ và phi logic đó.
Tottenham 2-2 Arsenal (bản đẹp)