Vặn ngược đồng hồ quay lại hơn 1 năm rưỡi trước, khi Louis van Gaal đến với sân Old Trafford sau World Cup 2014, ông nhận được rất nhiều sự ủng hộ cũng như kì vọng của các CĐV Man United. Đấy cũng là điều dễ hiểu.
Với một bảng vàng thành tích đồ sộ khi dẫn dắt những đội bóng hàng đầu thế giới như Ajax, Barca, Bayern Munich rồi ĐT Hà Lan…, rõ ràng về đẳng cấp “Bông tulip thép” được xếp “chung mâm” với Sir Alex Ferguson.
Louis van Gaal được chờ đợi có thể giúp Man United hồi sinh từ đống đổ nát do David Moyes để lại. Thậm chí, Phó Chủ tịch kiêm GĐ điều hành CLB này là Ed Woodward còn chẳng ngại ngần dành cho HLV Van Gaal những lời có cánh ngay trong vài ba ngày đầu tiên làm việc cùng:
“Louis van Gaal khiến mọi người tại CLB bị ấn tượng mạnh mẽ. Ông ấy đã tạo ra một một động lực và bầu không khí vô cùng tích cực xung quanh đội bóng”.
Sự bảo thủ đang giết chết danh tiếng của Van Gaal.
Thế nhưng, ngày hôm qua cũng chính Ed Woodward đã phải tổ chức họp nóng với các cầu thủ Man United và truyền thông Anh tiết lộ rằng cuộc gặp ấy để nhằm quyết định sa thải vị chiến lược gia người Hà Lan.
Sở dĩ có sự thay đổi chóng mặt như vậy là do bản tính bảo thủ của Louis van Gaal. Ông bất chấp tất cả để chăm chăm theo đuổi lối chơi kiểm soát bóng mà mình ưa thích. Hệ quả là giờ Man United đang bị dè bỉu là một đội bóng chỉ biết chuyền bóng, không biết tấn công.
Ở trận thua 0-1 trước Southampton hồi cuối tuần qua, tiếng la ó dành cho Van Gaal đã vang lên khắp 4 phía khán đài của sân Old Trafford. Đấy đã là trận thứ 11 liên tiếp, Quỷ đỏ không thể ghi bàn trên sân nhà trong nửa đầu trận đấu.
Man United trở thành CLB kinh doanh "thuốc ngủ" với biệt hiệu "túi điểm Premier League".
Một con số khó tin, nhưng lại là sự thật. Man United đang bị Van Gaal biến thành đội bóng tẻ nhạt và buồn chán. Họ chơi thứ bóng đá thiếu ý tưởng, thiếu sáng tạo mà chỉ thừa những đường chuyền qua lại.
Có thể nói những ngày tại vị của Louis van Gaal tại Old Trafford đang đếm ngược (có nguồn tin còn cho biết HLV van Gaal đã đệ đơn xin từ chức).
Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện của vị HLV 64 tuổi này khá giống với tình cảnh của HLV Miura.
Khi mới đến Việt Nam, HLV Miura cũng đã nhận được rất nhiều tình cảm cùng sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Nhưng theo thời gian, cái tên Miura đang dần bị gắn với hình ảnh một người đàn ông bảo thủ bên ngoài đường piste.
Sự bảo thủ của HLV Miura khiến ông gặp khó khăn tại Việt Nam.
Ông thầy người Nhật bỏ ngoài tai mọi ý kiến đóng góp để kiên quyết bỏ rơi lứa cầu thủ đầu tiên của học viện HAGL Arsenal JMG, đồng thời áp dụng một phong cách chơi bóng thiên về thể lực, bóng dài hoàn toàn không phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
Và những gì diễn ra tại VCK U23 Châu Á vừa qua thực sự giống như giọt nước tràn ly. Khi trận đấu mà HLV Miura sử dụng bộ khung của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG lại là lần U23 Việt Nam chơi lột xác, khác hẳn bộ mặt thất vọng ở 2 cuộc chiến đầu tiên.
U23 Việt Nam 2-3 U23 UAE
Điều đó khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối: Nếu HLV Miura thay đổi sớm hơn thì có thể số phận của U23 Việt Nam ở giải đấu lần này đã khác.
Có lẽ chính Miura cũng phải cảm thấy tiếc. Nếu ông không quá bảo thủ, đề cao cái tôi cá nhân thì chẳng có chuyện gần như chắc chăn sẽ phải chia tay bóng đá Việt Nam trong tháng 4 tới.
U23 Việt Nam liên tiếp thất bại từ trận giao hữu với U23 Nhật Bản trên đất Qatar tới các cuộc chiến chính thức trước U23 Jordan, U23 Australia và U23 UAE.
Từ Van Gaal đến Miura cho thấy một sự thực là những thành công trong quá khứ không thể bảo đảm cho tương lại. Trong sự vận động liên tục của cuộc chơi, chẳng ai có thể mãi “ăn mày dĩ vãng”.
Nếu không thay đổi, vẫn chăm chăm giữ những tư duy cũ kĩ (ngay cả khi thực tế đã chứng minh nó không còn phù hợp) thì bất kể ai, cho dù là một người khổng lồ, một huyền thoại của bóng đá thế giới như Louis van Gaal cũng sẽ có lúc sụp đổ, thân bại danh liệt.
Đó đơn giản là quy luật tất yếu của cuộc sống mà thôi!