Chuyện thứ Ba: Công Phượng, chiếc cúp và giấc mơ hạ bệ người Thái

Đức Phan |

Chức vô địch AFF Cup là mong muốn của mọi CĐV Việt Nam. Nhưng liệu nó có quan trọng hơn tương lai của cả nền bóng đá?

Hôm nay, ngày mùng 02 Tết, bóng đá sẽ là môn thể thao đầu tiên mở hàng cho thể thao trong năm mới, khi mà Hà Nội T&T sẽ thi đấu với Pohang Steelers ở vòng play-offs cuối cùng tranh vé dự vòng bảng AFC Champions League.

Tiếc rằng sự kiện ấy lại không nhận được sự quan tâm. Có rất ít người trông ngóng về trận đấu.

Đơn giản bởi ai cũng mặc định rằng đây là một sân chơi quá sức dành cho Hà Nội T&T nói riêng cũng như bóng đá Việt Nam nói chung.

Đấy là một thực tế cám cảnh với nền bóng đá quốc nội. Dù đã khoác lên mình cái mác chuyên nghiệp từ mùa bóng 2000-2001, tức là hơn 15 năm, nhưng việc vượt qua khỏi cái ao làng Đông Nam Á vẫn là một giấc mơ xa vời.

Thậm chí, ngay cả chuyện bước ra khỏi cái bóng của Thái Lan hiện cũng là việc chúng ta chưa thể làm được. Không những thế khoảng cách của bóng đá Việt Nam và Thái Lan còn dường như đang ngày một bị nới rộng.

Đội tuyển Việt Nam có thể hạ người Thái ở những trận đấu nhất định, ví dụ như Tiger Cup 1998 hay trận Chung kết AFF Cup 2008, nhưng những kết quả đó hoàn toàn chỉ mang tính thời điểm, chứ không phản ánh thực chất sự nhỉnh hơn của cả nền bóng đá.

Sau AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam lại trở về với hình ảnh yếu thế mỗi khi đụng người Thái.
Sau AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam lại trở về với hình ảnh yếu thế mỗi khi đụng người Thái.

Chắc chắn nếu có 1 điều ước cho năm mới, các quan chức VFF sẽ mơ về chức vô địch AFF Cup lần thứ 2 trong lịch sử để cứu vãn một nhiệm kì thất bát.

Song ngay cả khi điều ước ấy có linh nghiệm thì đấy cũng chỉ là một chiến thắng mang tính nhất thời nữa của bóng đá Việt Nam.

Chúng ta sẽ lại “một phút huy hoàng rồi vụt tắt” giống như tại AFF Cup 2008, chứ chưa đạt đến đẳng cấp luôn có cơ hội thắng người Thái ở mọi lần đối đầu.

Theo dõi các cuộc đối đầu giữa Thái Lan và Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018 có thể thấy rõ ràng họ chơi trên chân chúng ta.

Ngay cả đội U23 của họ cũng có những màn trình diễn bản lĩnh và xuất sắc hơn những đồng nghiệp Việt Nam.

Cần biết rằng mới đây cựu đội trưởng ĐT Thái Lan Datsakom Thonglao đã chẳng ngại ngần khẳng định các cầu thủ Việt Nam khó có cửa chơi ở Thai League.

Tiền vệ này còn thẳng thừng nói rằng: “Sự thật là thế và các bạn cũng không nên buồn lòng, thay vì đó hãy tiếp tục cố gắng”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao người Thái lại đi xa quá như vậy. Nhất là khi cách đây vài năm bóng đá Thái Lan còn lâm vào khủng hoảng.

Để trả lời này hãy nghe câu trả lời của Thonglao về việc tại sao anh này giã từ đội tuyển Thái Lan ở tuổi 30, khi vẫn đang chơi tốt và là đội trưởng CLB Muangthong (1 trong những đội bóng mạnh nhất Thai League):

“Thứ bóng đá mà các cầu thủ trẻ Thái Lan đang chơi ở một đẳng cấp khác. Họ chơi nhanh, ít chạm và rất khoa học, khiến những người như tôi muốn theo kịp cũng rất khó, chứ đừng nói hòa nhập”.

Vậy đấy, người Thái quả thật đã tạo ra một cuộc cách mạng về đào tạo trẻ, từ đó tạo ra một cuộc cách mạng lối chơi, cách vận hành đội bóng.

Sau thế hệ của Thonglao, người Thái không chỉ đào tạo ra những cá nhân xuất sắc như Chanathip Songkrasin.

Quan trọng hơn bên cạnh kỹ năng chơi bóng của từng cầu thủ, người Thái còn chú trọng đến đào tạo chiến thuật, tư duy chơi bóng tập thể...

Hệ quả là đội tuyển Thái hiện nay chơi thứ bóng đá mà ngay cả những người đàn anh quái kiệt của họ như Thonglao cũng cảm thấy choáng ngợp.

Cách làm của người Thái tương tự như bóng đá Đức.

Người Đức bước lên đỉnh thế giới không phải vì lứa cầu thủ hiện nay của họ xuất sắc hơn những người đàn anh, mà sự khác biệt nằm ở chỗ họ có một cuộc cách mạng trong triết lý chơi bóng và sự vận hành đội bóng rất khoa học.

Mỗi cầu thủ đều giống như một mắt xích trong một cỗ máy hoàn hảo. Họ hiểu phải di chuyển, phải chiếm lĩnh không gian, hỗ trợ nhau ra sao để tạo ra hiệu quả tối ưu.

Nhìn lại bóng đá Việt Nam, chúng ta chỉ có 1 đội bóng mang được dáng dấp hiện đại ấy là lứa Công Phượng.

Lứa U19 HAGL không còn duy trì được niềm cảm hứng như cách đây 2 năm.
Lứa U19 HAGL không còn duy trì được niềm cảm hứng như cách đây 2 năm.

Các em có phong cách chơi bóng đặc trưng và có thể chơi thứ bóng đá nhanh, ít chạm, rất khoa học như Thonglao mô tả. Còn lại các lò khác vẫn chỉ chú ý đào tạo đến kỹ năng xử lý của từng cá nhân là chủ yếu.

Chính điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khi lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG bị xé lẻ khi lên tuyển lối chơi của cả đội bóng lập tức bị chuệch choạc.

Đơn giản bởi các vệ tinh khác xung quanh không có tư duy tương ứng. Vì vậy, làm ảnh hưởng đến sự vận hành chung của cả hệ thống.

Thế nên, nếu có một điều ước cho năm mới dành cho bóng đá Việt Nam thì đấy không phải là gặt hái những chiến tích ở thì hiện tại, mà là sẽ có một cuộc cách mạng trong cách làm của cả nền bóng đá, để chúng ta lần đầu tiên thực sự xây được nhà từ móng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại