Chuyện bóng đá xưa và nay

Huy Thọ |

Đọc cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố III của tác giả Phạm Công Luận vừa phát hành, bỗng thấy được một câu chuyện hay liên quan đến bóng đá. Đó là bài “Lá đơn của một danh thủ”.

Bài viết kể về câu chuyện danh thủ Phạm Văn Lắm (đã qua đời) với lá đơn viết ngày 14-9-1971 gửi ông chủ tịch Tổng cuộc Túc cầu Việt Nam (tổ chức xã hội của bóng đá miền Nam trước 30-4-1975, như LĐBĐ Việt Nam hiện nay).

Nội dung lá đơn như sau: “Kính thưa ông Chủ tịch, tôi rất danh dự được sự chiếu cố của quý Tổng cuộc cho gọi tôi tập dượt trong kỳ chuẩn bị tuyển thủ quốc gia lần này.

Tôi xin thành thật cảm ơn quý Tổng cuộc đã chiếu cố đến tôi, nhưng vì đứng trước ý đồ trẻ trung hóa của quý Tổng cuộc đề ra, tôi tự thấy có bổn phận nhường chỗ cho cầu thủ khác...”.

Ngày 3-10-1971, “bầu” Ứng (ông Võ Văn Ứng - chủ tịch Tổng cuộc Túc cầu lúc ấy) đã có thư phúc đáp ông Lắm: “Tổng cuộc Túc cầu Việt Nam rất xúc động khi chấp nhận cho ông giã từ đội tuyển Việt Nam.

Sự vắng mặt của ông sẽ là một thiếu sót cho Hội tuyển Việt Nam và lưu lại nhiều mến thương cho các bạn đồng đội”. Đi kèm bài viết này là ảnh chụp hai lá thư của danh thủ Phạm Văn Lắm và “bầu” Ứng.

Kể từ ngày tập tễnh bước chân vào làng viết báo thể thao cách đây hơn 20 năm, một trong những đam mê của tôi là tìm đến những con người vang bóng một thời như Tam Lang, Tư Lê, Ngôn, Phạm Văn Rạng, Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Thế Anh, Cao Cường...(bóng đá), Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được (bóng bàn), Trương Kim Hùng (xe đạp)...

Qua những cuộc trò chuyện với họ, điều đọng lại lớn nhất cho tôi về những con người vang bóng một thời này là tinh thần thượng võ, là sự hào sảng đúng chất thể thao.

Tất cả con người vang bóng một thời ấy đều biết dừng đúng lúc. Như cố danh thủ Tam Lang từng kể vào năm 1974, khi thế hệ của ông chưa phải hết thời nhưng bắt đầu bước qua đỉnh cao nhất, tất cả đều vui vẻ rút lui để bóng đá trẻ hóa.

Nhờ vậy mới có một đội tuyển trẻ trung đoạt cúp quốc tế năm 1974 với thế hệ Hồ Thanh Cang, Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm (ba của Huỳnh Đức), Quốc Bảo (con của nhà bình luận bóng đá khét tiếng Huyền Vũ)...

Tương tự, ông Lắm khi viết lá đơn xin rút lui khỏi đội tuyển cũng chưa hẳn là già (năm ấy ông 28 tuổi), nhưng đã tự ý thức được việc mình cần đứng sang một bên, nhường chỗ cho lớp trẻ, không cản đường sự phát triển.

Bóng đá xưa là thế. Còn bây giờ sao mà buồn. Cầu thủ vào đội tuyển thì có nhiều người không hết mình, giữ chân để về chơi cho CLB và không đủ dũng khí để viết đơn xin rút.

HLV thì mắc bệnh “quân anh quân tôi”, ai biết điều thì cưng chiều, ai không hợp thì tìm cách loại. Nhưng oải nhất là đội ngũ quản lý. Người già cả yếu sức cũng quyết ôm ghế, kẻ bất tài cũng tìm mọi cách thu gom, vun vén...

Cùng là người Việt cả, nhưng sao xưa với nay có khoảng cách quá diệu vợi? Một câu hỏi tự đặt ra nhưng sao quá khó để trả lời...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại