Chỉ còn 24 tiếng nữa trận đấu U.23 Malaysia – U.23 Việt Nam diễn ra ở sân Shah Alam trong khuổn khổ bảng I vòng loại U.23 châu Á 2016.
Đến thời điểm này những ý kiến xung quanh việc HLV Miura xây dựng lối chơi ra sao, sử dụng nhóm cầu thủ HAGL như thế nào tạm thời gác qua để nhìn nhận chuyên môn của 2 đội bóng.
Đụng phải miếng đánh sở trường của người Mã
Trong thời gian qua với 5 trận mà tuyển U.23 VN thi đấu giao hữu, có thể thấy được HLV Miura đang rèn cho đội bóng lối chơi cơ bản theo cách “nhanh-mạnh-gọn” với miếng tấn công chủ yếu được thực hiện bằng các đường chuyền dài vượt tuyến tầm 20m trở lên.
Lối đá này được hình thành từ buổi những trận đấu tập huấn đầu tiên với HN T&T, U.23 Indonesia ở Hà Nội và sau đó với các đối thủ U.23 Uzbekistan, Đồng Nai và Thái Lan.
Chính vì vậy dù có cho rằng lối chơi này không thực sự hợp lý thì ông Miura hay tuyển U.23 VN cũng rất khó để thay đổi sang một lối đá khác, chẳng hạn như ban chuyền cự ly ngắn.
Vấn đề của tuyển U.23 VN chỉ còn nằm ở chỗ là những miếng phối hợp của cầu thủ ăn ý đến đâu mà thôi.
Theo HLV Miura phát biểu với phóng viên trên đất Malaysia, ông đã yên tâm hơn khi các cầu thủ đã phối hợp tốt hơn nhiều (trên thực tế các phóng viên lại chụp được những hình ảnh ông Miura thường xuyên cau có cầu thủ vì không hiểu ý của ông).
Tuyển U23 Malaysia cũng được xây dựng trên nền tảng lối đá phòng ngự, tấn công bằng bóng dài
Vậy với lối chơi bóng dài vượt tuyến cho tiền đạo giải quyết khâu ghi bàn tuyển U.23 VN có thể đọ nổi với U.23 Malaysia vốn là đội sở trường ở miếng đánh này?
Trong hơn 6 năm qua, tính từ thời điểm SEA Games 25 (2009) tại đất Lào thì bóng đá Malaysia đã định hình được lối chơi phòng ngự phản công rất lợi hại dưới bàn tay của HLV Rajagobal.
Lối đá này được cho phù hợp với cầu thủ Malaysia, vốn mạnh về thể lực thể hình song không giỏi về mặt kỹ thuật, độ lắt léo.
Với kiểu đá phản công bóng dài này, bóng đá Malaysia đã có thêm chức vô địch AFF Cup 2010 (HLV Rajagobal), HCV SEA Games 2011 (HLV Ong Kim Swee).
Thủ lơ mơ đừng mong có cửa thắng U.23 Malaysia
Ở AFF Cup 2014 vừa rồi, ĐTVN thất bại đau đớn tại sân Mỹ Đình trước Malaysia ở trận bán kết lượt về với tỷ số 2-4 cũng do dính đòn phản công bằng bóng dài này.
Trong 4 bàn thua của ĐTVN thì 3 bàn đầu đều đến từ những quả mà Malaysia phất dài từ dưới lên khiến hàng thủ ĐTVN liên tiếp mắc sai lầm. Bàn thua thứ 4 đến từ tình huống cố định từ quả phạt góc.
Như vậy xét ở khía cạnh lý thuyết thì U.23 VN rất khó bì được với U.23 Malaysia ở cách đá tấn công vượt tuyến bằng chuyền dài ở lý do đơn giản đây là “bài tủ” Malaysia trong khi U.23 VN chỉ mới rèn trong 1 tháng vừa qua.
Cơ hội để U.23 VN thắng đối phương sẽ quyết định ở 2 yếu tố: hàng thủ không mắc sai lầm và sự tỏa sáng của cá nhân.
Hàng thủ U.23 VN chắc chắn phải rút được kinh nghiệm từ thất bại của các đàn anh năm ngoái (Quế Ngọc Hải đá chính ở trận thua Malaysia tại Mỹ Đình) để không phạm bất cứ sai sót nào dẫn đến bàn thua.
Nếu để U.23 Malaysia ghi bàn trước U.23 VN rất khó kiếm điểm vì dễ rơi tiếp vào đòn phản công của đối phương.
Lối đá tấn công bóng dài dựa rất nhiều vào khả năng bùng nổ của một vài cá nhân, nhất là người chuyền bóng. Chỉ cần 1 quả chuyền chuẩn xác, tinh tế thì bàn thắng sẽ đến.
Ở trận thắng U.23 Indonesia tại Mỹ Đình, từ cú chuyền dài đến nửa sân của Đỗ Hùng Dũng tìm đến cái đầu của Hữu Dũng trong vòng cấm và chuyền nối tiếp vào cho Huy Toàn ghi bàn.
Trong trận thua Thái Lan 1-3 vừa qua, pha bóng hay nhất của tuyển U.23 VN là pha chuyền bóng từ phần sân nhà của Quế Ngọc Hải cho Văn Toàn bứt tốt qua hậu vệ đối phương, đối mặt thủ môn ở góc hẹp rồi chuyền ngược lại cho Công Phượng dứt điểm vọt xà.
Thông thường với lối đá tấn công bằng bóng dài những cơ hội ăn bàn tạo ra rất ít nên việc đòi hỏi độ chính xác trong những cú dứt điểm cuối cùng phải triệt để. Công Phượng, Văn Toàn, Thanh Bình hay Huy Toàn không rõ ai sẽ là người lập công?
Thời gian qua, rất nhiều người hài lòng với những gì mà ông Miura đang làm nhưng khi trận đấu diễn ra mọi khán giả đều ủng hộ, chờ đợi chiến thắng ở tuyển U.23 VN.