Cao thủ Hoa quyền và tuyệt kỹ Hồng gia

Đào Thanh Tuy |

Khi thực hiện loạt bài về những "thiên hạ đệ nhất" cao thủ, GĐ&XH cũng đã được bạn đọc giới thiệu danh tính hai võ sư mà "tiếng tăm của họ nổi cả trong làng võ và ngoài đời". Hai cao thủ ấy là Trưởng tràng Hoa quyền - võ sư Vũ Quang Tín; và Chủ nhiệm võ đường Hồng gia - võ sư Chu Há.

Người có khuôn mặt của một võ tướng

Vài năm trước, trên một tờ báo của ngành Công an có đăng câu chuyện về một võ sư dũng cảm, dùng võ thuật khống chế một tên côn đồ nguy hiểm khi hắn hung hãn dùng dao tấn công dân lành.

Bài báo viết: “Hôm ấy, khi ông đang ngồi trò chuyện với một người bạn ở trước của nhà, thì không biết từ đâu một tên du đãng bất ngờ xuất hiện.

Không biết có mối thù hận từ trước hay do nhầm lẫn mà tên này đã thình lình túm ngay tóc người bạn, giật ngược ra phía sau rồi như thú hoang, dùng dao nhắm vào cổ nạn nhân chém tới.

Trước diễn biến bất ngờ ấy, vị võ sư ngồi đối diện đã bật dậy và bằng một động tác võ thuật điêu luyện, ông đánh văng hung khí trên tay của tên sát nhân, đồng thời, nhanh chóng khống chế, bắt giữ kẻ manh động ấy”.

Người hùng năm đó chính là võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng môn phái Hoa quyền, đệ tử chân truyền của lão võ sư nổi tiếng Hoàng Thanh Vân (Chưởng môn đời thứ 2 của Hoa quyền).

Vũ Quang Tín (sinh năm 1952) mắt sắc, mày rậm, tóc búi củ hành, bộ râu thì vô cùng ấn tượng: Rậm và được tỉa tót công phu như để tôn khuôn mặt thêm phần... dữ dằn, chẳng khác nào một võ tướng thời Trung cổ.

Tuy thế, khi tiếp xúc lại thấy ông khác hẳn với “phong thái” bề ngoài: Gần gũi, thân thiện, thậm chí có phần e dè, khiêm tốn.

Thế nhưng, sự kín kẽ trong cách ăn nói ấy vẫn chẳng làm cuộc nói chuyện giữa tôi và ông trong căn gác nhỏ ở khu Thanh Nhàn - Hà Nội, vốn đông đúc dân cư, kém phần hấp dẫn.

Võ thuật, dường như với ông, đó là lẽ sống duy nhất của mình. Ông bảo: May mắn lớn nhất của đời mình là được bái võ sư Hoàng Thanh Vân làm sư phụ.

Cuộc bái sư kỳ lạ

Ông kể, nghe tiếng tăm của lão võ sư, chưa một lần giáp mặt nên ông cứ nghĩ, lão võ sư là một người to lớn, khuôn mặt thì tinh anh, phong thái thì vô cùng ung dung, thanh thoát, khác xa với những kẻ... “phàm trần”.

Thế nhưng, buổi đầu tiên diện kiến, thì thần tượng trong đầu ấy của ông đã... thay đổi hoàn toàn.

Lão võ sư Hoàng Thanh Vân là người nhỏ bé và trông bộ dạng thì rất... cù lần. Tuy thế, đã đến nơi thì ông vẫn ngỏ lời xin theo học.

Đồng ý nhận ông làm đệ tử, nhưng trong năm đầu tiên, về võ thuật, sư phụ Hoàng Thanh Vân tuyệt nhiên không đả động gì đến ông.

Tới võ đường, lão võ sư chỉ dạy ông cách thức bốc thuốc chữa bệnh và thực hành ngay việc đó - chữa bệnh cho mọi người quanh vùng.

Trong khi ấy, các sư huynh thì được lão võ sư tận tình chỉ bảo khiến ông rất đỗi tủi thân. Thi thoảng rảnh việc, thấy ông ngồi một mình tư lự, lão võ sư vời ông đến nhưng không phải để dạy võ công mà... đọc thơ cho ông nghe!

Buồn. Chán. Nản. Thấy biểu hiện ấy của ông, lão võ sư chỉ liếc mắt, rồi mủm mỉm cười.

Mãi hơn 1 năm sau, một sớm, đến võ đường, đang chực bốc thuốc chữa bệnh thì ông bất ngờ được lão võ sư gọi lại và bảo: “Con theo ta cũng đã lâu, ta biết, con là người kiên định! Đức ấy, học võ thì quý vô cùng. Từ nay ta sẽ đích thân dạy võ cho con!”.

Nghe sư phụ mình nói vậy, ông mừng vui khôn xiết.

Thế nhưng, nỗi niềm rạng rỡ ấy bỗng chốc hoá thành sự lo lắng khi sư phụ ông tiếp lời: “Ta để con vào lớp của các sư huynh của con. Con phải cố mà theo kịp họ. Nhược bằng không thì ta cũng chẳng biết phải giáo dưỡng con cách nào cho phải nữa?!”.

Nhắm mắt... vẫn nhìn thấy sự chuyển động của đối thủ

Bắt đầu từ hôm đó, ông đã có những tháng ngày theo đuổi nghiệp võ vô cùng khắc nghiệt. Các sư huynh ông đa phần là những người đã theo thầy rèn luyện được vài năm và ai cũng như hộ pháp.

Bởi thế, sau mỗi buổi tập, về nhà là ông thấy toàn thân mình đầy vết bầm dập bởi bị... dính đòn.

Hoa quyền có phần cơ bản là công phu rèn luyện thập hình gồm thủ, nhãn, thân, yêu, túc, thức, đảm, khí, kình, thần. Các môn sinh của môn phái chỉ được tiếp cận đến quyền thuật khi đã “chín” ở giai đoạn “đào tạo cơ bản”.

Giai đoạn này, môn sinh phải khổ luyện mất những 3 năm, thậm chí lâu hơn. Khi đã thông thạo thập hình, môn sinh mới được truyền thụ 18 bài Hoa quyền cùng các loại binh khí như kiếm, côn, đao, song ngư, lưỡng đầu thiết lĩnh, thiết phiến, song phủ, song chuỳ...

Thời gian thấm thoắt trôi, với sự lanh lẹ vốn có, khả năng hấp thụ công phu của ông đã khiến Hoàng sư phụ vô cùng mãn nguyện.

Võ sư Vũ Quang Tín bảo, người tập Hoa quyền được gọi là thành công chỉ khi phối hợp được đồng nhất Thân, Thủ, Bộ. Khi ấy, người luyện võ dường như rơi vào “trạng thái” tự do, có thể thích ứng linh hoạt từng tình huống chiến đấu cụ thể.

Và, mỗi hình thức thích ứng ấy đều là những đòn thế vô cùng lợi hại, có thể hạ gục đối phương ngay lần “tiếp xúc” đầu tiên.

Theo Hoàng sư phụ được hơn 20 năm, khi công phu đã đạt tới trình độ xuất kỳ bất ý (đòn đánh ra như ý muốn, có thể nhắm mắt, nghe được chuyển động của đối phương).

Năm 1993, hai thầy trò phải tạm chia tay. Hoàng sư phụ sang Nga dạy võ. Sống ở xứ lạnh lâu ngày thành quen, lão võ sư Hoàng Thanh Vân đã định cư luôn ở đó. 

Một đòn... “chết bảy”

Có lẽ, trong số các võ sư mà tôi đã gặp, thì võ sư Vũ Quang Tín là người phải “cọ xát” quyền thuật nhiều nhất trong hành trình lập nghiệp của mình. Điều này đã được võ lâm đồng đạo xác nhận.

Lần ấy, ông đến thăm một anh bạn cũng luyện võ ở trên phố Trần Quốc Toản. Bởi cuộc viếng thăm không báo trước nên khi vào nhà, ông bất ngờ khi thấy nhà bạn mình lố nhố kẻ đứng, người ngồi.

Thì ra, hôm đó, có một toán võ sĩ học công phu ở nước ngoài về, muốn vào so tài cao thấp cùng bạn ông.

Thấy một người đàn ông thấp bé xuất hiện, một gã trong đám bảo, ông nên ngồi vào góc giường, nếu không muốn vạ lây bởi sắp có đánh nhau to.

Điệu bộ hống hách của đám võ sĩ ấy khiến ông khó chịu, nhưng nghĩ chẳng phải chuyện của mình, ông đành... ngoan ngoãn ngồi vào nơi mà họ đã “tận tình” chỉ bảo.

Tuy cuộc đấu chưa diễn ra nhưng quan sát, thấy sắc mặt của bạn mình... không được tốt, ông đoán biết, bạn mình đã có phần e ngại.

Không tự tin thì khi thử tài chắc chắn chuốc lấy thất bại nên ông đã đứng dậy tham gia: “Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên trao đổi võ thuật thôi. Như vậy thì cũng đủ để rạch ròi cao thấp!”.

“Không đánh hết lực thì làm sao phân biệt được! Phải đánh thẳng tay!”. Một gã trong toán “khách mời” quả quyết và cả bọn đã đồng thanh hưởng ứng theo như muốn “ăn tươi nuốt sống” chủ nhà.

Trước tình thế ấy, với sự nao núng hiển hiện trên mặt bạn, nghĩ bạn mình không phải là đối thủ của toán người lực lưỡng trên, ông đã quyết định đứng ra tỉ thí thay bạn.

Trước quyết định của ông, toán người trên chỉ cười khẩy nhưng họ vẫn gật đầu chấp thuận. Có lẽ, họ đã nghĩ, tạng người như ông thì chẳng được mấy hiệp. Thế nhưng, phòng trường hợp “ngoạ hổ tàng long”, họ vẫn cử một người cao to nhất ra ứng đấu.

Chẳng cần nhiều, chỉ một lần vào đòn, kẻ kiêu ngạo đã bị người đàn ông thấp bé đánh bật ra góc sân, phải hồi lâu mới loay hoay gượng dậy.

Sau cú đòn ấy, gã ta đã chắp tay xin thua rồi đứng dạt ra phía sau. Vẫn đứng nguyên vị trí đó, ông ra hiệu cho người khác vào sới.

Thế nhưng, chứng kiến đòn đánh của ông “dành cho” đồng đội mình, toán người ấy đứng như trời trồng, không ai nhúc nhích chân tay “xung trận” nữa.

Chờ một hồi không thấy ai vào, ông mới chắp tay, từ tốn bảo: “Làng võ Việt Nam nhiều người tài giỏi hơn tôi gấp mấy trăm lần. Các cậu còn trẻ, học võ mà quên mất đạo thì thành tài sao được! Thôi, về học thêm đi. Khi nào thấy đủ, cứ tìm tôi mà thử!”.

Học võ của danh sư “bát quái thần côn”

Võ sư Chu Há không uống rượu, thế nhưng nhà ông lúc nào cũng đông đúc bạn bè, quây quần chén thù chén tạc, rồi say mê luận chuyện võ công.

Võ sư Chu Há sinh năm 1947, quê gốc ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Bởi mưu sinh, nên ngay từ khi còn bé, ông đã theo cha mẹ rời lên Hà Nội.

Cha ông là người mê võ nên ngay từ tấm bé, ông đã được cha mình truyền thụ những kỹ năng cơ bản của võ thuật.

Năm 1963, khi 16 tuổi, ông đã được người quen giới thiệu đến danh sư Tô Tử Quang, Sáng tổ môn phái Hồng gia quyền ở Việt Nam bái sư, học võ.

Thầy Tô Tử Quang khi ấy ở phố Nguyễn Công Trứ, không mở võ đường mà chỉ dạy võ cho những người thân thiết. Võ sư Chu Há là một người như thế.

Theo võ sư Chu Há, cụ Sú Tàu (tên thân mật của Tô sư phụ) là người Trung Quốc. Ông sinh năm 1910, ở huyện Long Châu, Quảng Tây trong một gia đình 8 đời theo nghiệp võ.

Ngay từ nhỏ, Tô sư phụ đã được cha mình là võ sư nổi tiếng Tô Cao Lân truyền dạy công phu Hồng gia quyền.

Có giai thoại rằng, năm lên 7 tuổi, Tô sư phụ đã được Hoàng Phi Hồng, cũng một danh sư của Hồng gia chỉ bảo thêm về quyền thuật.

Với năng khiếu bẩm sinh, năm 18 tuổi, trong một cuộc thi võ hàng năm ở Quảng Tây, ông đã giành giải nhì và được mệnh danh là “Thần đồng võ thuật”.

Sau khi thành danh ở Quảng Tây, như bao thanh niên khác, Tô Tử Quang tìm về Thượng Hải.

Chốn nhiễu nhương ấy, bằng khả năng công phu của mình, ông đã được một đại thương gia trọng dụng khi một lần, dùng công phu giải cứu cô con gái rượu của vị thương gia ấy thoát khỏi tay bọn bắt cóc, tống tiền.

Thế nhưng, bởi mến mộ tài năng, khí phách của chàng trai trẻ, cô tiểu thư ấy đã đem lòng yêu mến. Mối tình không hộ đối, môn đăng ấy đương nhiên vướng phải sự cấm đoán cay nghiệt từ phía nhà cô gái.

Vậy là, để mọi chuyện được yên bề, Tô sư phụ đành phải hi sinh tình yêu của mình. Ông lại tiếp tục lên đường phiêu bạt. Và Việt Nam là nơi dừng chân cuối cùng trong chặng đường giang hồ ấy.

Được biết, trong quãng thời gian ở Thượng Hải, Tô Tử Quang đã hai lần đoạt giải quán quân quyền thuật. Và, cũng chính ở đất này, ông đã được võ lâm giang hồ tôn sùng là “Bát quái thần côn” bởi khả năng siêu đẳng khi sử dụng binh khí này.

Công phu làm hài lòng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Theo võ sư Chu Há, Tô sư phụ đến Hà Nội từ năm 1954. Ông làm việc tại Nhà máy in Tiến bộ. Mãi đến năm 1963, ông mới chính thức phổ biến Hồng gia quyền cho mọi người.

Thế nhưng, việc truyền thụ ấy cũng chỉ ở phạm vi rất hẹp, đa phần môn đồ chỉ là những người gốc Hoa.

Cùng với võ sư Làm Ốn Và, Voòng Sìu Khoóng, Chu Há là một trong ba đại đệ tử của thầy Tô (những đệ tử này được Tô sư phụ đặt hiệu riêng là Và Cố, Khoóng Cố, Há Cố).

Là người có tư chất võ thuật nên theo Tô sư phụ được ít lâu, võ sư Chu Há đã lĩnh hội xuất sắc những kỹ năng công phu mà sư phụ mình truyền dạy.

Điều ấy đã được minh chứng bằng việc năm 1965, trong lễ hội Hoa Liên do Hoa kiều tổ chức ở Hà Nội, võ sư Chu Há đã vinh dự được Tô sư phụ chọn để biểu diễn quyền thuật cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác sĩ Trần Duy Hưng thưởng thức.

Sau buổi biểu diễn đó, võ đường của Tô sư phụ đã được Thủ tướng gửi gắm nhiều lời khen ngợi.

Tuyệt kỹ cho người thích… la cà quán xá

Năm 1982, Chu Há tham gia Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội và đứng ra thành lập võ đường riêng.

Võ sư Chu Há là người đam mê sáng tạo. Với võ thuật cũng vậy. Với những tinh hoa học được từ sư phụ mình, ông đã góp phần làm rạng danh Hồng gia quyền với nhiều bài võ do tự mình phóng tác.

Với các bài võ ấy thì các môn sinh của võ đường Chu Há đã giành được rất nhiều huy chương vàng ở các hội diễn, liên hoan võ thuật.

Đặc biệt, khi sáng tạo, võ sư Chu Há luôn hướng về những thứ “binh khí” gần gũi, giản đơn gắn liền với đời sống của con người.

Mễ, điếu cày, ba toong... là những thứ thường thấy trong những bài võ do ông ngẫu hứng sáng tạo. Nói về lối tư duy lạ lùng ấy của mình, ông cười bảo, quán nước trà lá thường là nơi dễ bị... ăn đòn nhất.

Bởi thế, với mễ để ngồi, điếu cày hút thuốc lào trong tay thì những người học bài võ này sẽ an tâm tuyệt đối khi... lê la quán nước!

Tên tuổi võ đường Hồng Gia cùng võ sư Chu Há ngày một nổi tiếng qua mỗi lần “võ lâm đại hội”. Điều đó đã được thể hiện qua các tấm huy chương mà môn sinh của võ đường giành được sau những kỳ ứng võ thi tài.

Sự nổi tiếng ấy không chỉ ở trong nước, mà nhiều môn sinh ở nước ngoài cũng vô cùng mến mộ ông.

Năm 1990, võ sư Chu Há được Sở Thể dục thể thao Hà Nội cử sang Nga, Tiệp Khắc (cũ) biểu diễn. Ông kể, ở những nước này, người dân rất đam mê quyền thuật phương Đông.

Bởi thế, mỗi đêm biểu diễn, có đến 7- 8 vạn khán giả tới xem, cổ vũ. Cũng tại chuyến biểu diễn ấy, ông đã được mời ở lại để dạy công phu cho những võ sinh mến mộ mình.

Vậy là, suốt một năm trời, ông miệt mài truyền bá Hồng gia quyền tại Nga. Có lần, việc gia đình, ông phải về nước. Thế nhưng, về chưa đầy tuần thì học trò ông đã điện thoại tới tấp vì thấy ông đi... lâu quá!

Theo võ sư Chu Há, hiện tại, ở Nga, những môn đệ năm nào của ông vẫn đang tiếp tục khuếch trương Hồng gia quyền và cũng thu hút được đông đảo môn sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại