Khi Kim Keunha chuyển đến Seoul vào 8 năm trước, địa điểm yêu thích của anh là một nơi gần Cầu Mapo. Ngoài ra, anh còn bị thu hút bởi ánh đèn đầy màu sắc ở thủ đô, khắc hẳn với sự ảm đạm ở quê nhà là Andong – thành phố thuộc tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc. Đến Seoul, ước mơ của Keunha là trở thành một thợ xăm.
8 năm trôi qua, Cầu Mapo lại có một ý nghĩa khác với anh khi đây là địa điểm xảy ra nhiều vụ tự tử của những người tuyệt vọng vì không trả được nợ. Đối với Kim, địa điểm này như một lời nhắc nhở với anh về những ước mơ trắc trở, chưa thể thực hiện. Vấn đề lớn nhất với anh hiện nay là khoản nợ 40.000 USD trong thời gian sinh sống ở thủ đô.
Keunha chia sẻ: "Tôi tự cho mình là người may mắn vì có thể xoay xở được và giữ mức nợ dưới 50.000 USD. Tôi hiểu mình đang có vấn đề về tài chính như thế nào, nhưng lại ít khả năng để thay đổi tình hình."
Năm 2021, tổng số nợ mà người Hàn Quốc phải gánh là hơn 1,5 nghìn tỷ USD, trong khi GDP là 1,63 nghìn tỷ USD. Một cuộc khảo sát của Seoul Institute năm 2018 cho biết, mỗi hộ gia đình Hàn Quốc nợ khoảng 44.000 USD. Theo WB, con số này là khá cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 33.790 USD vào năm 2019.
Những gì Keunha trải qua đang phản ánh một thực tế rõ ràng trong cuộc sống của một số người trẻ Hàn Quốc. Họ bế tắc trong công việc, nợ nần chồng chất, không có khả năng mua nhà. Bởi vậy, không có gì kỳ lạ khi họ tự miêu tả cuộc sống của mình với bộ phim Squid Game.
Keunha cho biết: "Nếu ai đó nói với tôi rằng, bạn có thể đặt cược mạng sống của mình để xóa nợ và trở thành tỷ phú, tôi cũng sẵn sàng."
Người trẻ Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có
Bộ phim bom tấn ra mắt vào tháng 9 của Netflix kể về một nhóm người nợ nần chồng chất của Hàn Quốc, chấp nhận tham gia trò chơi sinh tử để nhận số tiền thưởng 38 triệu USD.
Đối với những người như Keunha, 38 triệu USD thực sự là một khoản tiền mà họ sẵn sàng đặt cược sinh mạng để sở hữu. Keunha kiếm được rất ít tiền khi là một thợ xăm. 5 năm qua, anh đã phải xoay xở để làm nhiều công việc như phục vụ bàn tại quán bar hay cửa hàng thịt nướng. Hiện tại, anh đang làm việc ở cửa hàng tiện lợi sau khi các nhà hàng, quán bar đóng cửa vì Covid-19.
Để chi trả nhiều loại chi phí, Keunha phải dùng đến 4 thẻ tín dụng và đang chật vật để trả khoản tiền tối thiểu mỗi tháng. Mỗi tháng, anh cố gắng trả từ 280-350 USD/thẻ. Tuy nhiên, Keunha buộc phải sống dựa vào thẻ tín dụng trong suốt 8 tháng thất nghiệp vào năm ngoái.
Ở Hàn Quốc, ngay cả những người thu nhập thấp cũng dễ dàng sở hữu thẻ tín dụng. Quốc gia này chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi chính phủ giảm thuế đối với các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng để thúc đẩy chi tiêu.
Thói quen mua trước trả sau này đã trở thành một phần của thế hệ Y Hàn Quốc. Năm 2019, ước tính, mỗi người dân Hàn Quốc sở hữu trung bình 4 tấm thẻ tín dụng, với 70% được dùng cho chi tiêu cá nhân.
Cùng với xu hướng này là sự phát triển nhanh chóng của các chương trình ưu đãi tín dụng. Người dân Hàn Quốc có thể dễ dàng thực hiện các "khoản vay thất nghiệp" chỉ qua ứng dụng của các nhà cho vay.
Một người đàn ông chia sẻ với tờ Kyunghyang Shinmun rằng, anh ta có thể vay khoảng 3.000 USD chỉ trong 5 phút với lời hứa hẹn lãi suất chỉ 0,01% trong thời gian cụ thể. Anh nói: "Khi tiền lương không đủ chi trả cho nhu cầu cơ bản, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài dùng thẻ tín dụng."
Tầng lớp trung lưu cũng là nạn nhân của khủng hoảng nợ
Cuộc khủng hoảng nợ ở Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến những cá nhân có thu nhập thấp như Keunha. Những lao động làm công ăn lương thậm chí cũng chật vật để trả khoản nợ lớn.
Noh Eunwoo (25 tuổi) là nhân viên bán hàng ở khu mua sắm Edae gần trung tâm Seoul. Cô chia sẻ rằng cô chỉ nợ thẻ tín dụng hơn 12.000 USD và đây là con số không hề cao. Eunwoo nói thêm: "Có những người nợ tới 80.000-100.000 USD. Bạn thân tôi còn dùng đến 5 thẻ tín dụng."
Cô gái trẻ thừa nhận mình vẫn thường xuyên mua túi hàng hiệu 3 tháng 1 lần, nhưng vẫn lạc quan rằng chỉ mất 2-3 năm để trả nợ.
Trong khi đó, Sam Kyungmoon Son – trợ giảng tại Đại học Kyungwoon và là nhà tư vấn tại công ty tư vấn quản lý Visionwise, cho biết các biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện – như áp đặt hạn mức cho vay, là đúng đắn. Tuy nhiên, ông nhận định, đây chỉ là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ.
Ngoài ra, theo Son, nợ cá nhân vẫn rất phổ biến với thế hệ Y. Ông nói: "Cảnh tượng những kẻ cho vay nặng lãi đòi bán nội tạng của con nợ là một điều kinh khủng. Nhưng thực trạng thanh niên ôm những khoản nợ lớn vì dùng thẻ tín dụng để mua sắm là một vấn đề thực tế."
Chưa dừng ở đó, thế hệ Y Hàn Quốc còn có xu hướng đi vay để đầu tư. Đây cũng là một phần của vấn đề khi họ mang nợ để đầu tư tiền số, bị thu hút bởi những lời mời chào về lợi nhuận cao. Son nói thêm, đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, thẻ tín dụng và các khoản vay được coi là cách dễ dàng giúp họ tồn tại.
Ngoài chi trả cho nhu cầu cơ bản, một số người trẻ còn dùng thẻ tín dụng để mua đồ xa xỉ dẫn đến cảnh nợ nần. Theo tờ JoongAng Daily, đây là xu hướng "chi tiêu phục thù" sau thời kỳ đại dịch.
Nhiều người thuộc thế hệ Y sống trong những căn hộ chỉ 3m2
Nhiều millennial Hàn Quốc sinh sống trong những "goshiwon" – những khu nhà như ký túc xá với những căn hộ chỉ có 1 phòng, chỉ đủ kê 1 chiếc giường và bàn. Những căn hộ này ban đầu được xây để cho các học sinh chuẩn bị thi đại học thuê trong 2 tháng. Tuy nhiên, đây lại là lựa chọn duy nhất mà nhiều người thuộc thế hệ Y có thể chi trả.
Hwang Taeho (28 tuổi) – một nhạc sĩ, sống trong một "goshiwon" khoảng 3m2. Anh không thể chi trả 1 căn hộ rộng hơn vì còn không đủ khả năng để trả tiền cọc. Taeho chia sẻ: "Tôi đi giao hàng và làm việc 2 ngày/tuần tại quán café, đủ để trả tiền thuê nhà và ăn uống hàng ngày."
Anh nói thêm: "Tôi thấy khá buồn cười khi người nước ngoài nghĩ không gian sống chật hẹp, bẩn thỉu như trong ‘Parasite’ hay ‘Squid Game’ là điều lạ lùng. Rất nhiều người như tôi đang sống ở những nơi như vậy."
Hiện tại, khoảng 1/5 số người độc thân ở Seoul sống trong những không gian chưa đến 14m2. Seoul Institute cũng ước tính, 1/3 số hộ gia đình 1 người sống ở những căn hộ dưới tầng hầm như trong bộ phim "Parasite" và không gian như "goshiwon".
Taeho cho biết anh cũng đang nợ thẻ tín dụng 8.000 USD và chật vật để trả khoản tiền tối thiểu hàng tháng. Anh nói: "Không ai lựa chọn sống trong nhưng căn hộ như thế này. Tôi không biết làm gì khác."
Ngay cả đối với những người có thu nhập tốt hơn, họ cũng không đủ khả năng mua nhà ở Seoul. Giá trung bình cho một ngôi nhà ở Seoul đã tăng 22% so với năm trước vào năm 2020. Sở hữu một căn nhà đầu tiên có thể tiêu tốn tới 1 triệu USD.
Yong Kwon – chuyên gia tài chính và thị trường tại Korea Economic Institute, cho biết gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ là chính phủ Hàn Quốc loại bỏ các quy định về vay thế chấp và ngân hàng vào năm 2014. Mục đích của chính phủ là thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và xây dựng bất động sản. Hậu quả là, người trẻ Hàn Quốc đang phải chật vật để mua nhà và cuộc khủng hoảng này đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô Seoul.
Kang Junkoo – giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore nhận định cuộc khủng hoảng bất động sản là quá rõ ràng, khi thế hệ Y phải đi vay rất nhiều mới mua được nhà. Ông cho biết, lãi suất đi vay để mua nhà ở Hàn Quốc là khoảng 2,5%, nhưng nếu NHTW nâng lãi suất, họ sẽ phải đối mặt với gánh nặng rất lớn.
Người trẻ ở độ tuổi 20 ở Hàn Quốc có tỷ lệ thất nghiệp gần 50%
Một báo cáo năm 2017 của KDI Focus cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng với tốc độ chưa từng có đối với lực lượng lao động trẻ của Hàn Quốc. Khi ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc theo đuổi con đường học vấn, thì thị trường lao động cũng không thể đáp ứng kịp. Tháng 7, Korea Herald đưa tin, chỉ có 58,6% người ở độ tuổi 20 và 75,3% người ở độ tuổi 30 tại Hàn Quốc được tuyển dụng.
Son giải thích, nguyên nhân là bởi ngày càng nhiều lao động lựa chọn những công việc "tạm thời" thay vì ký hợp đồng lâu dài vì các doanh nghiệp phải chi trả ít hơn.
Tuy nhiên, tình trạng này lại khiến người lao động chán nản vì không nhận được phúc lợi chính đáng. Do đó, việc theo đuổi giấc mơ Hàn Quốc về một trường đại học danh giá và công việc ổn định dường như là điều không thể với người trẻ nước này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy tương lai của mình quá u ám và tuyệt vọng. Taeho vẫn không ngừng theo đuổi ước mơ của mình. Anh vẫn ghi lại những đoạn nhạc trên chiếc đàn cất dưới ngăn kéo. Anh muốn mua một chiếc đàn và mic mới sau khi trả hết nợ tín dụng, với hy vọng những bài hát của mình sáng tác một ngày nào đó sẽ đến với công chúng.
Tham khảo Insider