Giải thưởng quốc tế cho phụ nữ dũng cảm được Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm trao cho phụ nữ khắp thế giới có khả năng lãnh đạo, can đảm, tháo vát, sẵn sàng hy sinh vì người khác, đặc biệt là giúp đẩy mạnh nữ quyền. Giải thưởng được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lập ra năm 2007 nhân Ngày Quốc tế phụ nữ.
Nữ sinh viên và bạn trai bị đánh đập tàn nhẫn trên một xe buýt tối 16/12/2012 sau khi đi xem phim về. Nạn nhân thiệt mạng hai tuần sau tại một bệnh viện ở Singapore. Vụ hiếp dâm tập thể làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình khắp Ấn Độ, đòi Chính phủ xử tử nhóm dâm tặc và bảo vệ phụ nữ tốt hơn.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, nữ sinh viên Ấn Độ, người được gọi là Nirbhaya (can đảm, không biết sợ), đã “tạo dựng nền móng cho một phong trào rộng khắp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ ở Ấn Độ”, đã “dũng cảm đòi xử lý thích đáng sáu kẻ tấn công và nói rằng mình sẽ sống sót để chứng kiến công lý được thực thi”.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn có đoạn viết: “Nhờ những nỗ lực của cô mà Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu có hành động để đáp ứng yêu cầu của người dân”.
Ấn Độ đã lập ra hội đồng chuyên trách để xem xét lại hệ thống luật đối với tội phạm tình dục . Chính phủ đã thông qua nhiều đề xuất, mở đường cho việc tăng mức phạt đối với tội hiếp dâm tập thể lên chung thân.
9 phụ nữ khác cũng được nhận giải thưởng dịp 8/3 tới, trong đó có nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền người Nga Elena Milashina và luật sư nhân quyền người Syria Razan Zeitunah.