Thế bí của Nga khi Phần Lan gia nhập NATO và nguy cơ xung đột hạt nhân

Trung Hiếu |

Việc Phần Lan gia nhập NATO đã tạo ra thế khó mới cho Nga. Trong bối cảnh này, rủi ro chiến tranh hạt nhân lại gia tăng.

Sự kiện chấn động với Nga

Lá quốc kỳ Phần Lan lần đầu tiên được kéo lên tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) hôm 4/4, đúng dịp 74 năm ngày thành lập khối quân sự này. Sự kiện đánh dấu cột mốc lịch sử của Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập.

Thế bí của Nga khi Phần Lan gia nhập NATO và nguy cơ xung đột hạt nhân - Ảnh 1.

Phần Lan chính thức được kết nạp vào NATO. Ảnh: CBS.

Tuy nhiên, người ta khó tìm ra mối đe dọa an ninh nào từ Nga đối với Phần Lan. Người ta có thể cảm nhận được đây là động thái của NATO gây bất lợi cho Nga, với cái cớ là Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.

Một số nhà quan sát cho rằng đây là hành động cố ý của Mỹ nhằm phức tạp hóa quan hệ của Nga với châu Âu , bên cạnh sự cố Dòng chảy phương Bắc bị phá hoại vào tháng 9/2022.

Mặc khác, cũng có cơ sở để nói rằng động thái kết nạp này sẽ khiến tương lai an ninh của châu Âu trở nên thêm bấp bênh và châu lục này phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ với tư cách là bên bảo đảm an ninh cho họ.

Trên thực tế, Mỹ đã đảm bảo rằng vấn đề cốt lõi đằng sau thế đối đầu giữa Nga và phương Tây (đó là việc NATO mở rộng đến sát biên giới Nga) là chuyện đã rồi, bất chấp xung đột ủy nhiệm của họ ở Ukraine không đạt được kết quả lớn.

Trước diễn biến trên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov vào hôm 4/4 cảnh báo rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ buộc Nga “thực hiện các biện pháp đối phó để bảo đảm an ninh chiến thuật và chiến lược của chúng tôi”. Theo ông Peskov, việc Phần Lan gia nhập NATO là “sự leo thang tình hình” và “sư xâm lấn an ninh nước Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Moscow “sẽ bị buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa mang tính chất kỹ thuật-quân sự và cả tính chất khác nữa để ngăn ngừa các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Rủi ro hạt nhân

Việc Phần Lan là thành viên NATO sẽ mở rộng tuyến trước của NATO với Nga thêm 1.300km (chiều dài biên giới chung giữa Phần Lan và Nga) - điều này gia tăng thêm áp lực lên vùng Tây Bắc nước Nga.

Nếu một lúc nào đó, NATO triển khai tên lửa tới Phần Lan thì Nga sẽ có ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai vũ khí hạt nhân tới vùng Baltic và Scandinavia.

Khi ấy, đối đầu quân sự giữa Nga và NATO sẽ xấu đi và khả năng chiến tranh hạt nhân gia tăng. Trong hoàn cảnh ấy, Nga khó lòng không động thủ để đáp trả hoặc ngăn ngừa Mỹ giành ưu thế hạt nhân, từ đó duy trì thế cân bằng chiến lược toàn cầu.

Trọng tâm của Nga sẽ là nâng cấp năng lực hạt nhân phòng thủ thay vì vũ khí thông thường. Nga đã tạo răn đe bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus nhằm đáp trả quyết định của Anh cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ đã từ lâu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở các nước châu Âu, bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, tức là đã từ lâu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở ngay trước thềm cửa nước Nga. Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là trong bối cảnh ấy.

Vị trí địa lý của Belarus khiến cho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở đây có tác dụng răn đe chiến lược lớn đối với một số nước NATO như Ba Lan, Đức, các quốc gia Baltic và thậm chí cả các nước Bắc Âu.

Vòng luẩn quẩn đang lớn dần lên, làm leo thang chạy đua vũ trang hạt nhân, nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới thảm họa chiến tranh hạt nhân “ngày tận thế”.

Toan tính của Mỹ và đồng minh

Mỹ hiện đã không cổ xúy cho đàm phán Nga - Ukraine. Theo tính toán chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden, nếu Nga thắng ở Ukraine, điều đó đồng nghĩa với NATO thua và sẽ làm tổn hại lâu dài vai trò lãnh đạo của Mỹ xuyên Đại Tây Dương cũng như trên thế giới.

Việc Mỹ và NATO đưa Phần Lan (tương lai là cả Thụy Điển) vào khối quân sự này là điều có chiều sâu cả về địa kinh tế. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây tuyên bố: “Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này, NATO sẽ có thêm cơ hội kiểm soát tình hình ở vùng Viễn Bắc”.

Mỹ hy vọng rằng kinh nghiệm chuyên sâu của Phần Lan và Thụy Điển trong các hoạt động ở vùng Bắc cực và cận Bắc cực có thể mang lại cho NATO công cụ vô giá có khả năng “thay đổi cuộc chơi” khi cuộc cạnh tranh nhằm giành quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở Viễn Bắc trở nên nóng bỏng hơn. Viễn Bắc là địa bàn mà Nga đã có nhiều bước tiến.

Trong tương lai, băng tan nhiều ở vùng Bắc cực, khiến nơi đây xuất hiện nhiều vùng đất vô chủ mà các cường quốc lớn nhất của thế giới sẽ để mắt tới. Các báo cáo gần đây cho thấy, 4 nước Bắc Âu là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đang tích hợp lực lượng không quân của họ tại đây, với nhiều dấu hiệu là để ứng phó với Nga.

Trước tình huống đó, Nga đã có những điều chỉnh trong chính sách đối với Bắc cực. Chính sách Bắc cực sửa đổi của Nga kêu gọi “phát triển các mối quan hệ với nước ngoài trên cơ sở song phương, tính đến lợi ích quốc gia của Liên bang Nga tại vùng Bắc cực”. Động thái này xuất hiện sau khi một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng hợp tác với Nga ở Bắc cực là gần như bất khả thi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại