Trong bài viết trên trang mạng Popular Mechanics, nhà phân tích Kyle Mizokami cho hay, Không quân Trung Quốc đang chế tạo một loại tên lửa bí ẩn, được thiết kế để xoay chuyển lợi thế không quân của Mỹ.
Thứ vũ khí này, còn gọi là PL-XX, là một loại tên lửa tầm bắn rất xa, được thiết kế để bắn hạ các máy bay tiếp dầu, cảnh báo sớm đường không và các loại máy bay hỗ trợ khác mà lực lượng chiến đấu cơ của Mỹ cần có trong quá trình chiến đấu.
Nếu không có những lực lượng hỗ trợ này, Không quân Mỹ sẽ rơi vào bất lợi nghiêm trọng, khiến cục diện cuộc chiến nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.
Tên lửa mới của Trung Quốc có thể đe dọa lực lượng máy bay hỗ trợ của Mỹ. Ảnh: Getty
Mẫu tên lửa mới, ra mắt tại Triển lãm hàng không Zhuhai năm 2016, đã trở thành đề tài trong một bài viết gần đây trên tạp chí Aviation Week & Space Technology. PL-XX mang định danh "PL" - định danh quen thuộc dành cho các tên lửa không-đối-không của Trung Quốc.
Với chiều dài 5,5m, PL-XX được cho là có tầm bắn trên 160km – tầm bắn tối đa phổ biến của tên lửa không-đối-không.
Lực lượng xương sống
Các tiêm kích Mỹ cần nhiều sự hỗ trợ để có thể phát huy tiềm năng chiến đấu. Do đó, các loại máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (AWAC), và máy bay trinh sát trở thành lực lượng xương sống, cho phép các chiến đấu cơ Mỹ hoạt động ở tầm xa.
Chẳng hạn, AWAC E-3 Sentry có thể phát hiện máy bay đối phương từ khoảng cách xa hơn, cho phép các chiến đấu cơ Mỹ tắt radar khi di chuyển – đây là kỹ thuật giúp đối phương khó phát hiện hơn.
Các máy bay AWAC còn có thể điều phối trận không chiến, chỉ đạo lực lượng Mỹ và đồng minh chống lại các lực lượng của đối phương.
Máy bay KC-135 thực hiện tiếp dầu trên không cho một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ. Ảnh: Getty
Trong khi đó, những chiếc máy bay tiếp dầu có thể mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của các tiêm kích tầm ngắn như F-35.
Nếu không có những máy bay này, Không quân Mỹ sẽ chiến đấu với bất lợi nghiêm trọng. Các tiêm kích tàng hình sẽ liên tục phải bật radar để tìm kiếm đối phương, từ đó phát ra sóng vô tuyến-điện từ mà đối phương có thể sử dụng để phát hiện chúng.
PL-XX có thể được triển khai như thế nào?
Theo ông Mizokami, tên lửa mới của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được triển khai như thế này:
Trong cuộc không chiến tương lai, tiêm kích Thành Đô J-20 trang bị tên lửa PL-XX sẽ tìm cách qua mặt các máy bay chiến đấu của Mỹ, lẻn ra sau chúng và truy lùng máy bay tiếp dầu hoặc AWAC đang làm nhiệm vụ hỗ trợ các chiến đấu cơ này.
Nếu tìm được mục tiêu, J-20 sẽ bắn tên lửa từ khoảng cách xa, sau đó tẩu thoát. Ngay cả khi tên lửa trượt mục tiêu thì mối đe dọa mà nó mang lại cũng có thể buộc các máy bay hỗ trợ của Mỹ phải bay cách xa phía sau lực lượng quân mình, từ đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động của chúng.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Getty
PL-XX có thiết kế tương tự như tên lửa K-100 của Liên Xô. Đây là loại tên lửa độc đáo trong số các tên lửa không-đối-không của Liên Xô với thiết kế 2 tầng, ước tính dài 6m, nặng gần 2 tấn và có tầm bắn khoảng 300km.
Quân đội Mỹ đã nhận thức rõ mối đe dọa đối với máy bay của họ và đang tìm cách để tăng cường khả năng sống sót cho các máy bay hỗ trợ. Trong thời gian tới, Không quân Mỹ có thể sẽ lắp đặt các hệ thống phòng vệ - trong đó có hệ thống laser – để bảo vệ máy bay tiếp dầu và các loại máy bay hỗ trợ cỡ lớn khác.
Lực lượng này cũng đang xem xét khả năng phát triển một mẫu máy bay tiếp dầu tàng hình với định danh tạm thời là KC-Z.