Đấu đầu căng thẳng trên vùng biên giới Israel - Syria
Ngày 24/6, Quân đội Israel đã phóng một quả tên lửa Patriot sang không phận Syria đánh chặn một máy bay không người lái (UAV) của Syria buộc chiếc UAV phải đổi hướng quay trở lại.
"Các tổ hợp phòng không cũng như các hệ thống phát hiện mục tiêu của chúng tôi đã xác định được mối đe dọa từ trước và vào thời điểm trước khi nó xâm phạm không phận Israel", phát ngôn viên của IDF cho biết. "Quân đội Israel sẽ không cho phép bất cứ sự xâm phạm chủ quyền nào xảy ra".
Sự kiện này cho thấy, nhiều tuần sau khi các đòn đáp trả qua lại giữa Israel và lực lượng do Iran hậu thuẫn đã trôi qua nhưng tình hình ở khu vực biên giới Israel - Syria trên Cao nguyên Golan vẫn đang diễn biến rất căng thẳng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Không quân Israel (IAF) tấn công các máy bay không người lái hoạt động dọc biên giới với Syria. Tháng 9/2017, Israel được cho là đã bắn hạ một chiếc UAV của phong trào vũ trang Hezbollah ở Yemen do Iran hậu thuẫn bay vào phần lãnh thổ trên Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Hai tháng sau đó, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của IAF tiếp tục tiêu diệt một chiếc UAV khác của Quân đội Syria ở cùng khu vực. Đến tháng 2/2018, trực thăng tấn công AH-64 Apache của Israel lại bắn rơi một UAV của Iran được cho là đang mang theo vũ khí trên đường tấn công các mục tiêu ở Israel.
Sự kiện này đã châm ngòi cho một chuỗi các vụ đụng độ sau đó khiến một trong các máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16I Sufa của Israel bị phá hủy và một chiếc F-15 khác nữa bị hư hại.
Tiếp đến, sáng sớm ngày 10/5, Quân đội Israel (IDF) lại phát động một đợt tấn công trả đũa ồ ạt nhằm vào các mục tiêu là hàng loạt căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria sau khi Tehran bị cáo buộc đã phóng 20 quả rocket vào các vị trí của IDF ở Cao nguyên Golan đêm trước đó.
Vì vậy, sự kiện IDF quyết định đánh chặn chiếc UAV của Syria hôm 24/6 vừa qua dường như không có gì quá bất ngờ, tuy nhiên nó vẫn rất có thể leo thang thành một cuộc xung đột nguy hiểm và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang quyết tâm khẳng định quyền lực của mình ở miền Nam đất nước.
Syria sẽ thay chân Iran quyết đấu với Israel?
Đầu tháng 6/2018, Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã bắt đầu phát động chiến dịch tấn công nhằm lấy lại thành phố Daraa, địa bàn nằm ở vị trí chỉ cách biên giới với Jordan chưa tới 16 km và cách Cao nguyên Golan chưa tới 48 km về phía Đông Nam.
Thành phố chiến lược này cùng với các vùng ngoại ô của nó là thành trì cố thủ của các nhóm phiến quân nổi dậy chống lại Chính phủ ở Damascus, gồm cả các nhóm vũ trang từng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh.
Trước đó, tháng 7/2017, Mỹ, Nga và Jordan đã đồng ý thiết lập một vùng giảm leo thang căng thẳng ở miền Nam Syria với mục đích thực thi lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Bashar al-Assad và các nhóm nổi dậy trong khu vực.
Tuy nhiên, Chính phủ Syria, cùng với các lực lượng đồng minh Iran, chưa khi nào được tham gia là một bên của thỏa thuận đó, nên vẫn tiếp tục tiến hành các chiến dịch tại khu vực bất chấp thỏa thuận 3 bên nói trên.
Chiến sự tại miền Nam Syria ngày 25/6/2018
Tiếp sau đó, xuất hiện những thông tin cho rằng Israel và Nga cũng đạt được một thỏa thuận ngầm cho phép Quân đội Syria tiếp quản các khu vực dẫn tới Cao nguyên Golan để đổi lấy việc rút các lực lượng do Iran hậu thuẫn ra cách biên giới Israel - Syria ít nhất 56 km.
Cả Nga và Israel đều chưa chính thức thừa nhận về thỏa thuận này nhưng Quân đội Israel xác nhận họ đã thiết lập đường dây thông tin để "giảm đụng độ với người Nga".
"Chúng tôi không phối hợp với Nga", một quan chức quân sự cấp cao Israel phát biểu trên tờ Times of Israel. "Tất cả đều là các biện pháp an ninh và giảm xung đột để họ không gây hại cho chúng tôi và chúng tôi cũng không làm tổn hại tới họ".
Thế nhưng, vụ chiếc UAV tiếp cận biên giới Israel hôm 24/6 càng cho thấy rõ mức độ phức tạp và nguy cơ đổ vỡ bất cứ thỏa thuận nào đạt được ở miền Nam Syria, thậm chí là trong ngắn hạn.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là các quan chức ở Moscow không phát ngôn thay cho Iran, và vì vậy rất khó duy trì được cam kết, nếu có, về việc rút các lực lượng Iran ra khỏi vùng biên giới.
Lựu pháo tự hành Israel xuất hiện gần biên giới với Syria hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP
Trong khi đó, Israel và Syria trên thực tế vẫn trong tình trạng chiến tranh và vẫn còn rất chia rẽ về quy chế cuối cùng cho Cao nguyên Golan. Quân đội Israel đã giành quyền kiểm soát địa bàn này trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và chỉ rút khỏi vùng đệm theo thỏa thuận do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ năm 1974.
Tháng 4/2018, Israel kiến nghị lên LHQ việc Quân đội Syria đã di chuyển xe tăng, pháo binh và nhiều vũ khí hạng nặng khác tới khu vực vùng đệm và cho rằng đây là hành động vi phạm lệnh ngừng bắn năm 1974.
Ngày 24/6/2018 xuất hiện thông tin cho rằng binh lính của Tổng thống Assad đã giành quyền kiểm soát một trạm quan sát của Phái bộ Liên Hợp Quốc giám sát ngừng bắn tại Cao nguyên Golan (UNDOF) và bắt đầu mở rộng sự hiện diện của Chính phủ Syria tại đây.
Hàm ý ở đây là Quân đội Israel có thể tấn công binh lính của Tổng thống Assad trong và xung quanh Cao nguyên Golan nếu họ không rút lui.
Điều này có thể đảo ngược bất cứ thỏa thuận nào mà Nga đã hậu thuẫn liên quan tới các lực lượng Syria hoạt động trong khu vực.
Việc Quân đội Syria đẩy mạnh tiến công về Daraa có thể làm thay đổi cơ bản bức tranh chính trị và quân sự dọc biên giới với Israel.
Trong khi đó, các hệ thống phòng không Israel vẫn sẵn sàng bắn hạ bất cứ máy bay không người lái thù địch nào như đã chứng kiến.
Điều này có nghĩa là, thỏa thuận mà Israel có thể đã đạt được với Nga hoặc bất cứ nước nào khác trong khu vực có lẽ cũng không thể kéo dài và mang tính bền vững như các bên kỳ vọng.
Tên lửa Israel không kích Thủ đô Damascus của Syria đêm 9/5/2018