Thấy khó phát hiện hơn cả F-22, Trung Quốc chế tạo radar quân sự cực nhạy để...chống muỗi!

Thiện Trí |

Trung Quốc đang phát triển một loại radar siêu nhạy có thể phát hiện được cả tiếng đập cánh của một con muỗi đang bay cách xa 2 km.

Theo một nhà nghiên cứu cao cấp tham gia dự án này của Chính phủ Trung Quốc thì một nguyên mẫu như vậy đang được thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm quốc phòng thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).

"Việc xác minh và theo dõi các mục tiêu đơn lẻ, nhỏ cỡ con muỗi không còn là tiểu thuyết khoa học. Chúng tôi đang dần đưa công nghệ này ra khỏi phòng thí nghiệm, ứng dụng để bảo vệ đời sống con người" - chuyên gia nghiên cứu trên cho biết, nhưng từ chối tiết lộ danh tính vì dự án liên quan tới công nghệ nhạy cảm được dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), muỗi cướp đi sinh mạng nhiều người hơn tất cả các cuộc chiến tranh cộng lại và những vết cắn truyền nhiễm của chúng vẫn gây ra hơn 1 triệu cái chết mỗi năm. Loài côn trùng này là vật chủ ký sinh của nhiều loại vi sinh vật mang bệnh, từ sốt rét cho đến những loại virus mới, chẳng hạn Zika.

Tuy nhiên, kiểm soát loài côn trùng này là một thách thức lớn lao, vì chúng có thể đến và đi hầu như không để lại dấu vết. Tiếng bay "vo vo" rất quen thuộc với con người nhưng lại chỉ phát hiện được khi chúng đến gần.

Sau hàng thập niên phát triển, radar quân sự hiện đại ngày nay có thể bắt được âm thanh của vật thể nhỏ ở khoảng cách khá ấn tượng. Chẳng hạn như, radar băng tần X đặt trên biển của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ có thể phát hiện được cả vật thể có kích thước bằng quả bóng chày ở khoảng cách 4.000 km.

Trung Quốc đã phát triển được các hệ thống radar có tính năng hiện đại tương tự để theo dõi tên lửa và máy bay tàng hình. Một số nhà khoa học đang thực hiện các dự án quân sự tin rằng công nghệ cũng có thể được sử dụng để chống muỗi nên họ đã thuyết phục chính phủ tài trợ cho nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Long Teng đứng đầu đã nhận được hơn 12,9 triệu USD tiền tài trợ từ Chính quyền Trung ương vào cuối năm ngoái để thiết kế radar có thể phát hiện vật thể cỡ con muỗi. Ông Long là giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Radar thành viên của BIT đồng thời cũng là một nhà khoa học hàng đầu về chương trình radar quân sự của Trung Quốc.

Thấy khó phát hiện hơn cả F-22, Trung Quốc chế tạo radar quân sự cực nhạy để...chống muỗi! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phát hiện muỗi còn khó hơn cả... F-22!

Theo các nhà khoa học đang thực hiện dự án, radar hoạt động bằng cách phát ra các xung sóng điện từ trên nhiều tần số. Khi sóng vô tuyến chạm đến một con muỗi, chúng sẽ phản hồi lại các thông tin, bao gồm: loài, giới tính, tốc độ, hướng bay và cả tình trạng hút máu.

Radar có thể được gắn trên nóc các toà nhà chung cư cao tầng để xác định vị trí đàn muỗi, khu vực sinh sản và "an cư" của chúng. Nếu đàn muỗi đang di chuyển đến một khu vực dân cư khác, các hộ gia điình ở đó có thể nhận được cảnh báo.

Cộng đồng khoa học ở nhiều nước đã sử dụng hệ thống radar dân sự để theo dõi chim di chuyển hoặc những loài côn trùng lớn hơn như cào cào và bướm ngài nhưng Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên sử dụng radar để chống muỗi.

Nguyên mẫu radar này đã đạt được độ nhạy cảm chưa từng có bởi vì Chính phủ cho phép họ thiết kế hệ thống bằng cách sử dụng công nghệ radar quân sự mới nhất, kể cả ăng ten mảng pha tiên tiến như loại đang ứng dụng trên các tàu chiến mới nhất của Trung Quốc.

Ông Long cho biết, nhóm nghiên cứu đã đạt được những tiến triển rất tốt với công nghệ hiện tại và có thể ứng dụng cho lĩnh vực quân sự nhưng từ chối giải thích thêm chi tiết.

"Chúng tôi đang thiết kế một hoặc hai bộ cùng lúc. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng radar sẽ được sản xuất với số lượng lớn và lắp đặt trên toàn quốc để tạo thành một mạng lưới theo dõi chuyển động của các loài vật bay trên không, tất nhiên cả muỗi".

Yi Zhenyuan, chuyên gia nghiên cứu radar quân sự kiêm Phó giám đốc Phòng Kỹ thuật Điện tử thuộc Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho biết, việc xác định và theo dõi một mục tiêu nhỏ như vậy từ khoảng cách vài km thật sự rất khó khăn.

"Công nghệ radar quân sự hiện nay có thể phát hiện tín hiệu nhỏ, bất thường từ khoảng cách hàng ngàn km nhưng muỗi lại là một câu chuyện khác", Yi Zhenyuan nhận xét.

Yi, nhà khoa có hiểu biết chuyên sâu về radar nhưng không tham gia dự án cho rằng, muỗi khó phát hiện hơn nhiều so với các máy bay tàng hình như F-22, loại có thiết kế hình học và được phủ lớn sơn đặc biệt để tránh bị lộ trên màn hình radar.

"Cánh loài muỗi tất nhiên là khác biệt rất nhiều so với cánh kim loại của một máy bay quân sự. Cấu trúc, hình dạng và chuyển động của chúng cũng vậy. Radar chống muỗi cần phải có một bộ thuật toán hoàn toàn mới".

Muỗi cũng có thể bay ở tốc độ thấp, đôi khi chỉ vo ve nhè nhẹ trên không khiến một số công nghệ radar quân sự được thiết để phát hiện mục tiêu chuyển động nhanh sẽ không mấy hữu ích với dự án.

Video Trung Quốc ra mắt tiêm kích tàng hình J-20 tại Triển lãm Chu Hải năm 2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại