Thầy giáo túm tóc, tát vào mặt học sinh (ảnh cắt từ clip)
Vừa qua, trên mạng xã hội đang lan truyền clip dài hơn 20 giây quay lại hình ảnh một người đàn ông mặc áo đỏ được cho là giáo viên tại trường THCS Mường Cang (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã có hành động túm tóc, tát liên tiếp vào mặt các học sinh nam. Vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến vô cùng hoảng sợ của các học sinh nữ.
Được biết, vụ việc xảy ra được ít ngày và tới chiều 9/12 mới xuất hiện clip trên mạng xã hội.
Clip đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra búc xúc trước hành động bạo lực của thầy giáo áo đỏ.
Liên quan đến sự việc này, ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu xác nhận: "Clip thầy giáo đánh học sinh đúng là xảy ra ở Trường THCS Mường Cang. Hiện chúng tôi đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo, xác minh làm rõ vụ việc.
Thầy giáo xuất hiện trong clip đã công tác trong ngành gần 20 năm. Trong quá trình công tác, thầy giáo không có biểu hiện hay hành động gì bất thường với học sinh.
Chúng tôi đang xác minh rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc từ đâu. Hiện đơn vị đã tạm đình chỉ công tác với giáo viên này để xác minh làm rõ".
Theo chia sẻ của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên, Trường THCS Mường Cang có hơn 400 học sinh và các em thuộc 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông. Đây là vụ việc vụ việc xảy ra lần đầu tiên ở địa bàn.
Trường THCS Mường Cang
Chia sẻ về sự việc, cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng đã làm giáo viên thì sẽ gặp cảnh học sinh chống đối thường xuyên. Vì vậy bản thân người giáo viên khi tốt nghiệp ra trường phải có thời gian trải nghiệm nghề nghiệp nhuần nhuyễn mới có thể đứng trên bục giảng.
“Giáo viên có thể xuất phát từ mục đích tốt là sốt sắng trong việc học hành của học sinh nhưng hành động đánh học sinh thì không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là hiện nay giáo viên thiếu kỹ năng ứng xử với tình huống sư phạm, giáo viên chỉ tập chung chuyên môn, chất lượng, bỏ qua giáo dục tâm lý các con, kỹ năng ứng phó với tình huống bất ngờ khi giảng dạy.
Giáo viên phải không ngừng tăng cường cho mình các kỹ năng để kiềm chế cảm xúc, giúp học sinh nhận ra thiếu sót của mình để khắc phục chứ không phải sử dụng bạo lực học đường khi các con mắc lỗi.
Ở khía cạnh này tôi nghĩ nhà trường phải quan tâm hơn, giúp cho giáo viên xử lý tình huống trong sư phạm cụ thể như học trò không trả lời đúng câu hỏi thì giáo viên phải ứng xử ra sao, trò chưa ngoan thì làm gì... chứ không phải sử dụng bạo lực với các con.
Tôi tin không phải giáo viên không biết luật nhưng có thể thầy giáo không nghĩ sự việc đi quá xa như vậy. Giờ có nói gì chăng nữa thì cũng là quá muộn, con trẻ cũng tổn thương rồi. Sau đây, nhà trường cần có các biện pháp tham vấn tâm lý để học sinh không lo sợ, tự ti khi đến trường.
Tôi mong rằng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh các giáo viên trong nhà trường và từ nay chúng ta không còn phải nói đến những sự việc đau lòng như học sinh đánh nhau hay giáo viên đánh học sinh nữa”, cô Loan trăn trở.