Hà Nội cách ly F0 tại nhà: Nhân viên y tế 'vắt chân lên cổ'

Trường Phong |

Nhân viên y tế ở cơ sở ít khiến các phường, xã ở Hà Nội chịu rất nhiều áp lực khi triển khai điều trị F0 tại nhà.

Hà Nội đang đối mặt với việc xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp dương tính SARS-CoV-2

Hà Nội đang đối mặt với việc xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp dương tính SARS-CoV-2

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 10/12, một lãnh đạo phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, phường đã thành lập Trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị các trường hợp F0 thể nhẹ trên địa bàn. “Phường sử dụng trường mầm non, dự kiến có khoảng 30 chỗ. Nếu tình hình F0 tăng lên, phường sẽ tính toán thêm”, đại diện phường nói.

Theo vị này, hiện thành phố đã cho chủ trương thực hiện việc F0 thể nhẹ tự điều trị tại nhà , nên với các hộ gia đình có đủ điều kiện sẽ thực hiện ngay, không đưa F0 ra Trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, việc điều trị F0 tại nhà gây áp lực rất lớn cho nhân viên y tế, chính quyền địa phương. Quân số của Trạm y tế phường dưới 10 người, phải cắt cử 1 người tham gia vào Trạm y tế lưu động.

“Vào Trạm y tế lưu động là ở liền 14 ngày, không đi ra đi vào. Hết 14 ngày thay ca phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định. Chúng tôi phải huy động nhân viên y tế tư nhân tham gia hỗ trợ cùng. Trạm y tế lưu động hiện có 8 người, gồm 1 bác sĩ, các nhân viên y tế”, lãnh đạo phường Giáp Bát thông tin.

Hiện trên địa bàn phường Giáp Bát có gần 10 trường hợp F0 điều trị tại nhà. Việc này tạo thuận lợi cho bệnh nhân, người nhà, nhưng gây áp lực, vất vả rất lớn, phát sinh thêm nhiều việc với nhân viên y tế và chính quyền vì phải lập hồ sơ, theo dõi sức khoẻ, cấp phát thuốc, điều trị… Nhân viên y tế vốn đã nhiều việc, giờ phải thêm theo dõi F0 điều trị tại nhà, nhiều khi chạy “vắt chân lên cổ”.

Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, thời gian vừa qua, quận và các phường trực thuộc chịu rất nhiều áp lực, khó khăn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo vị này, lực lượng ở cơ sở thì mỏng, mà ý thức người dân chưa được tốt, nên nhiều khi làm không xuể. “Nếu cho F0 điều trị tại nhà, quận phải huy động thêm lực lượng hỗ trợ. Trước đây chỉ huy động làm công tác truy vết, xét nghiệm hay tiêm vắc xin thì dễ, nhưng nay huy động liên quan đến công tác điều trị rất khó bởi phải có chuyên môn, kinh nghiệm”, vị này nói.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hệ thống y tế cơ sở vừa qua thực hiện nhiều nhiệm vụ như xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng... hiện nay lại thêm quản lý các trường hợp cách ly điều trị tại nhà. “Đây là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu, 2 năm vừa qua không nghỉ ngơi. Mỗi trạm y tế chỉ có 5 – 10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân. Cơ sở vật chất còn xuống cấp, nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực”, bà Hà nói đồng thời cho rằng, nên có chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến y tế cơ sở.

Quan trọng nhất, theo vị này, người dân, các trường hợp F0 phải có ý thức, trách nhiệm, phối hợp và tuân thủ các quy định để giảm bớt công việc cho lực lượng y tế và chính quyền cơ sở. Căn cứ theo cấp độ dịch trên địa bàn, quận đang triển khai thu dung, điều trị F0 tại địa điểm tập trung quy mô 1.000 giường, chưa triển khai cho F0 điều trị tại nhà.

“Để F0 trong cộng đồng thì vất vả hơn nhiều lần bởi không có đủ cơ sở vật chất. Thứ hai là không đủ nhân lực, bởi hiện có quá nhiều việc. Thứ ba là không đảm bảo được an toàn trong cộng đồng. Quận đã đề xuất với thành phố, trước mắt sẽ điều trị tại khu tập trung, sau đó tính tới phương án điều trị tại nhà theo quy định về cấp độ dịch”, vị này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại