9/10 nhà xưởng đóng cửa
Vành đai công nghiệp khu vực đồng bằng sông Châu Giang đã luôn đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa kinh tế 4 thập kỉ trước, qua đó đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc thế giới.
Nhưng hiện nay ở Quảng Đông, tỉnh duyên hải miền nam Trung Quốc với GDP nếu đứng riêng độc lập sẽ ở trong top 5 nền kinh tế châu Á, một số ngành kinh tế thâm dụng lao động đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn.
Ở Đông Hoản, thành phố có dân số tương đương với New York, nhiều công ty sản xuất may mặc đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong đó, hàng nghìn lao động nhập cư buộc phải trở về quê hương do thiếu việc làm.
"Quanh đây, 9 trên 10 nhà xưởng đã phải đóng cửa", một chủ cửa hiệu tên Long nói. Riêng với xưởng của anh, 10 người nhân công còn lại đã phải giảm một nửa lương do không có đơn hàng. "Lương của họ đã xuống mức tương đương với 10 năm trước", vợ của Long nói.
Ở thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nhiều cửa hàng nhỏ được dán đầy những thông báo của chủ nhà nhằm tìm kiếm người thuê hoặc thậm chí nhượng cửa hàng. Ở một nơi khác, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa khi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài không còn.
Diego Lee, giám đốc marketing của công ty Kumpaya Im&Export Agent cho biết tình hình khó khăn đã diễn ra nhiều tháng này:"hiện không ai muốn mua bán gì ngoài khẩu trang".
Ở Đông Hoản, những lao động nhập cư sau 1 đêm trở thành những người thất nghiệp đang phải đối mặt với tác động trực diện từ đại dịch. Một người tên Xie nói anh ta đã mất việc ở xưởng làm gỗ cùng với 300 người khác - tương đương với 75% lao động của công ty.
"Đại dịch ập đến và không ai còn nhu cầu mua đồ gồ", Xie nói khi đang ngồi chờ tại một trung tâm môi giới việc làm. Xie đang tính quay trở lại quê hương ở tỉnh Hồ Nam ngay khi kiếm được 30 USD để trang trải chi phí tàu xe.
Cách xa vài bước chân từ xưởng may của Long, một loạt các cửa hàng cũng đang đứng trước bờ vực phá sản. Một người đàn ông tuổi tầm 60 tên Cai làm việc cho nhà máy sản xuất các bộ phận cho các máy may, nói rằng công việc của ông đã xuống dốc kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, chứ đừng nói đến Covid-19.
"Tôi hiện làm không đủ sống, và không biết liệu còn có thể kéo dài trong bao lâu", Cai nói.
Mục tiêu bất khả thi
Tình trạng khó khăn về kinh tế đang dần trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là sức ép phải thúc đẩy tăng trưởng hỗ trợ cho quốc gia với hơn 1,4 tỷ dân.
Trong bài phát biểu vào cuối năm ngoái, ông Tập nói năm 2020 sẽ đánh dấu mốc Trung Quốc hoàn thành xây dựng một xã hội thịnh vượng. Theo kế hoạch, điều này sẽ bao gồm việc nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong năm 2020 gấp đôi mức 10 năm trước, cùng với đó là tăng trưởng GDP cao gấp đôi và xóa hẳn đói nghèo.
Dẫu vậy, sau quãng thời gian dài tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, những mục tiêu này càng bị đẩy xa bởi đại dịch Covid-19. Thực tế này càng trở nên rõ ràng trong cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc trong tuần này, khi chính phủ đã lần đầu tiên trong suốt 10 năm qua không đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể.
"Điều này đã tạo nên sức ép lên ông Tập. Bất cứ ai có kiến thức cơ bản về kinh tế hiểu các mục tiêu hiện nay giờ là không khả thi", Gu Su, giáo sư tại trường đại học Nam Kinh, nhận định.
Theo ông Gu, ông Tập hiện đối mặt với những sự đánh đổi khó khăn, việc không nhắc đến những lời cam kết sẽ cho thấy sự lo lắng của chính phủ, trong khi tuyên bố thắng lợi chỉ gây ra tâm lý tiêu cực trong giới trung lưu Trung Quốc.
Trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã kêu gọi chính phủ cần tập trung ưu tiên đối phó với những rủi ro về an ninh, lưu ý tới những bất ổn bắt nguồn từ sự xuống dốc của nền kinh tế và đại dịch Covid-19.
Đánh giá của Ngân hàng BNP Paribas ghi nhận số người thất nghiệp tại Trung Quốc đã vượt quá 50 triệu người, đẩy tỉ lệ thất nghiệp thực sự chạm 12% trong tháng 3/2020. Dự kiến có khoảng 130 triệu người sẽ bị mất việc hoặc nghỉ việc không lương trong quý 1/2020.
Tồi tệ hơn, chỉ một phần nhỏ trong số đó có thể đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, do sự phức tạp trong vấn đề thủ tục hành chính và giới hạn ngân sách hỗ trợ.
Tình trạng thất nghiệp ở quy mô hiện nay là vấn đề Trung Quốc chưa từng phải đối mặt kể từ năm 1990, do tình trạng cắt lao động ở các công ty nhà nước. Ở thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi nhờ vào làn sóng toàn cầu hóa, khi nhu cầu gia tăng của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra công ăn việc làm và thị trường cho hàng hoá Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đã hoàn toàn khác biệt. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã chậm lại khi chính phủ tìm mọi cách để giảm nợ, trong khi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng vẫn còn đó.
Những hi vọng về một sự phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc thế giới có thể nhanh chóng kiểm soát đại dịch và các nước bắt đầu mở cửa trở lại.