Việt Nam sẽ phải chờ các thị trường lớn phục hồi
Stephen Olson, nghiên cứu về kinh tế quốc tế tại Quỹ Hinrich Foundation nhận định, giống như bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc chủ yếu vào thương mại quốc tế để tăng trưởng, Việt Nam sẽ bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra do đại dịch.
"Các thị trường nhập khẩu hiện tại không thể mua nhiều sản phẩm từ Việt Nam. Và chúng ta cũng chưa dự báo được khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu, sẽ theo mô hình chữ V hay chữ U", ông Stephen Olson nói.
Cùng nhận định Việt Nam phải đối mặt với thách thức tái khởi động nền kinh tế đã đột nhiên ngừng lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ông Frederick Burke, Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam mô tả, nhiều người đã mất việc - đầu tiên là trong lĩnh vực dịch vụ và gần đây là trong lĩnh vực sản xuất, sau đó là do nhu cầu giảm đột ngột của người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu lớn.
Sau đó Chính phủ đã áp dụng quy định "giãn cách xã hội" nghiêm ngặt, cách ly và các biện pháp phòng ngừa khác để làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hiện tại, Chính phủ dần nới lỏng chính sách giãn cách xã hội để cho mọi người quay trở lại với công việc trong ngành dịch vụ, ra ngoài ăn uống, tập thể dục và mua sắm, nhưng ngay cả khi bỏ qua nỗi lo sợ bị nhiễm virus, nhu cầu trong ngành ăn uống và bán lẻ vẫn không đồng đều để nhu cầu thuê nhân công ngay lập tức. Và những công việc bị mất trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ phải xây dựng lại từ từ khi nhu cầu ở nước ngoài dần phục hồi, hoặc tìm thấy thị trường mới.
Sự nắm bắt nhanh chóng của chính phủ điện tử
Theo ông Frederick Burke, Việt Nam cho đến nay đã nổi lên là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về cách thức phản ứng nhanh và ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, bước tiếp theo, Việt Nam cần tìm cách lấy được niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài, nơi virus vẫn chưa được kiềm chế. "Đó là bước quan trọng tiếp theo để trở lại bình thường hóa kinh tế", ông Burke nhấn mạnh.
Việt Nam đã tái khởi động các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trì hoãn và giãn các khoản phí và thuế của chính phủ, đây là các biện pháp hữu ích. Có lẽ bước đi lớn nhất là sự nắm bắt nhanh chóng của Chính phủ điện tử và Thương mại điện tử như một cách để tạo thuận lợi cho thương mại ngay cả khi áp dụng giãn cách xã hội, đại diện hãng luật Baker McKenzie Việt Nam nhận định.
"Tôi sẽ không bao giờ quên tin nhắn SMS qua điện thoại đề nghị tôi đặt giao hàng đồ ăn trực tuyến thay vì đến nhà hàng và tránh các cuộc gặp mặt trực tiếp bằng cách sử dụng hội nghị trực tuyến! Thật là một cách tuyệt vời để chuyển xã hội sang một kỷ nguyên mới, kỹ thuật số", ông Burke trả lời Tổ quốc qua email.
Bên cạnh đó, với Việt Nam, việc có một chính sách đối ngoại đa phương bao gồm quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn, cân bằng với một loạt các lựa chọn thay thế là rất thực tế.
Việt Nam đang tạo ra một môi trường chào đón hấp dẫn ở hầu hết các lĩnh vực và áp dụng chuỗi cung ứng năng lượng xanh cho các thương hiệu toàn cầu. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chắc chắn rằng quá trình chuyển đổi về trạng thái "bình thường mới" được quản lý một cách thận trọng nếu không cuộc khủng hoảng y tế sẽ trở lại nghiêm trọng hơn, ông Burke lưu ý.
Liên quan đến câu hỏi đề nghị cho biết các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như sau: (i) Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics…; (iii) Tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.