Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn đã trải qua

Nổi tiếng với mỹ danh “vua hàng hiệu” nhưng có lẽ ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại không gặp thời khi kinh doanh nhượng quyền fastfood.

Mảng kinh doanh nhượng quyền những năm qua ngốn không ít tiền của ông Hạnh Nguyễn, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Burger King đang khó tứ bề, đóng cửa liên tục ở Sài Gòn và Hà Nội, và mất dấu hẳn ở Đà Nẵng và Đồng Nai. Domino’s Pizza và Popeyes Chicken vẫn đang nặng nợ. Dunkin' Donuts, Illy chỉ mới vừa hòa vốn.

Cùng nhìn lại những thăng trầm trên thương trường của vị doanh nhân này để thấy rằng những khó khăn hiện tại với fastfood chưa là gì so với những sóng gió mà ông từng nếm trải trên thương trường suốt 30 năm qua.

Với những kinh nghiệm này, biết đâu vị doanh nhân này sẽ có cách xoay chuyển tình thế bí bách hiện tại.

10 năm thâm niên làm thanh tra tài chính cho Boeing Subcontractors

Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang và là con trưởng trong một gia đình có 8 anh chị em. Cha ông là người kinh doanh đa nghề nổi tiếng trước năm 1975 từ thuốc tây, bảo hiểm, ngân hàng, xuất khẩu gỗ…

Từ khi còn đi học, ông được cha mình rèn giũa kinh doanh, vào rừng cùng các chuyên gia Nhật để học đo đạc, chọn gỗ xuất khẩu.

Năm 23 tuổi, ông sang định cư tại Philippines rồi sau đó đi du học Mỹ. Trước khi khởi nghiệp kinh doanh, ông có thâm niên 10 năm làm thanh tra tài chính cho Boeing Subcontractors.

Lập công lớn khi mở đường bay Philippines, nhưng 4 năm kinh doanh hàng không chịu lỗ đến 5 triệu USD

Năm 29 tuổi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kết hôn với cháu gái của Tổng thống Philippines Marcos.

5 năm sau, ông là người có công lớn khi giúp mở đường bay TPHCM – Manila.

Điều này có ý nghĩa thực sự quan trọng, bởi thời kỳ thập niên 1980, Việt Nam chịu lệnh cấm vận của Mỹ và chỉ có 2 cửa ngõ hàng không để đi ra thế giới là Việt Nam – Bangkok và Việt Nam – Moscow.

Nhằm phá vỡ sự bế tắc trong giao thương, Chính phủ đã tìm nhiều cách thiết lập đường bay mới sang một số quốc gia Đông Nam Á, nhưng vì nhiều lý do cả về kinh tế lẫn chính trị mà vẫn không thể thành công.

Trong tình hình lúc đó, hồ sơ xin cấp phép đường bay qua đường ngoại giao gần như bị khép lại vì phía Philippines không hồi âm, ông Hạnh Nguyễn là đầu mối gần như duy nhất có thể tiếp cận Tổng thống Philippines.

Dù là người quan trọng được “chọn mặt gửi vàng” trong quá trình xúc tiến nhưng ngay cả bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn ban đầu cũng rất sợ trái lệnh tổng thống.

Sợ là vì bên phía Philippines, ủng hộ mở đường bay hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của ông Marcos.

Lúc này Philippines đang áp dụng chế độ thiết quân luật. Tổng thống Marcos từng khẳng định không có lý do gì để chấp nhận mở đường bay cả và lệnh không được trình lên nữa. Ai trái lệnh sẽ bị bắt nhốt.

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã trải qua - Ảnh 1.

Ông Hạnh Nguyễn những năm 1980. Ảnh: FBNC

Ông Hạnh Nguyễn đã thành công khi trình bộ hồ sơ cho Tổng thống Marcos. Ngày 4/9/1985, Tổng thống Marcos thông qua quyết định mở đường bay giữa TPHCM và Manila.

Chuyến bay đầu tiên mang về 30 tấn thuốc men, hàng hóa, quà biếu của các Việt kiều gửi về cho thân nhân. Ngày hôm ấy đã mở ra một cơ hội mới cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, nhưng cũng là ngày “người đi mở đường bay” đối mặt “án tử” lơ lửng trên đầu.

Đường bay TPHCM – Manila đã đặt nền móng để ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt chân vào thương trường, bắt đầu bằng chính việc thuê máy bay của Vietnam Airlines để chuyên chở hàng hóa với giá khoảng 32.000 USD/lượt khứ hồi.

Vạn sự khởi đầu nan, ông lỗ khoảng 5 triệu USD vì kinh doanh hàng không trong giai đoạn 1985-1988.

5 năm đầu tư đa ngành: kinh doanh siêu thị, cửa hàng miễn thuế nhưng tiêu thụ chậm

Sang những năm 1990, ông Hạnh Nguyễn rút chân ra khỏi kinh doanh hàng không nhưng ông đảm nhận vị trí quan trọng của Philippines Airlines, từ Giám đốc khu vực Đông Dương, sau đó là cố vấn của Tập đoàn.

Sau hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển sang kinh doanh đa ngành, như lập liên doanh lắp ráp ô tô Hòa Bình (Hà Nội), xuất khẩu song mây, sản xuất dây khóa kéo, xây khách sạn, làm bếp ga… Ông tự nhận mình “đầu tư như điên” trong giai đoạn đó.

Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển huớng sang kinh doanh siêu thị, cửa hàng miễn thuế. Gia đình của ông đã mở hệ thống Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân.

Trong đó, Citimart là mô hình siêu thị mua sắm tự chọn đầu tiên tại Việt Nam, bán hầu hết các sản phẩm nhập khẩu.

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã trải qua - Ảnh 2.

Bà Ánh Hoa và Ánh Hồng, chị em gái của ông Hạnh Nguyễn, 2 nữ sáng lập hệ thống siêu thị Maximark và Citimart. (Hiện Maximark đã về tay Vingroup, Citimart bán 49% cho AEON).

Thời kỳ này, việc đưa hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam rất khó khăn vì các cá nhân xuất cảnh bắt buộc phải xin visa.

Nhưng nhờ là người khai thông đường bay, 8 thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được nhận phần thưởng là 8 cuốn hộ chiếu “ đặc biệt”, được phép xuất cảnh mà không cần xin visa, nhờ đó gia đình ông có nguồn hàng để đưa về Việt Nam.

“Hồi 2007-2008 chứng khoán và bất động sản bùng nổ, ai cũng hỏi tôi có tiền sao không nhảy sang bất động sản và chứng khoán. Nhưng tôi biết việc gì tôi làm. Lo nghĩ mệt lắm. Cửa hàng miễn thuế, kinh doanh thời trang, F&B… mới là nghề của tôi”.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người chu du rất nhiều nước trên thế giới. Điều đó giúp ông nhận thấy tại các sân bay luôn có cửa hàng miễn thuế.

Đó chính là lý do khiến ông làm điều tương tự tại sân bay Nội Bài năm 1993.

Hệ thống cửa hàng miễn thuế sau đó được phát triển tới nhiều tỉnh dọc biên giới như Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai…

Thế nhưng, các mặt hàng miễn thuế lại tiêu thụ khá chậm, chủ yếu chỉ bán được những loại có thuế suất cao như rượu, thuốc lá… Do đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu phân phối rượu cao cấp từ năm 1995.

"Vua hàng hiệu" chờ đợi mòn mỏi 20 năm mới được bán hàng hiệu

Chính nhờ rượu cao cấp, ông thâm nhập được vào thế giới kinh doanh thời trang xa xỉ, khi tập đoàn mẹ của hãng rượu (LVMH) đồng thời sở hữu nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Bulgari, Christian Dior, Fendi…

Đến nay, “ông vua hàng hiệu” đã nắm trên dưới 40 thương hiệu cao cấp. Theo ông nhẩm tính, nếu tính riêng nhóm cao cấp thì tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông chiếm khoảng 70% thị phần, còn nếu tính toàn bộ dòng trung – cao cấp thì khoảng 40%.

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã trải qua - Ảnh 4.

Trung tâm Rex Arcade - địa điểm bán hàng hiệu đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tại TPHCM, các mặt hàng đắt đỏ được đặt tại trung tâm cao cấp Rex Arcade.

Đây chính là không gian bán hàng hiệu đúng nghĩa đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bởi, thực tế ông chỉ mới kinh doanh hàng hiệu đúng nghĩa được 7 năm, còn suốt 20 năm trước là khoảng thời gian chờ đợi.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các thương hiệu lớn mới ồ ạt đề nghị phát triển đồng loạt tại nội địa, chứ không còn ở các cửa hàng miễn thuế.

Hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá từ vài trăm USD đến vài chục nghìn USD. Ngay trong năm đầu tiên, Rex Arcade đã có doanh thu cao hơn 38% so với dự kiến.

Tại Hà Nội, các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm do IPP quản lý lấp đầy 2 tầng của Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, khu mua sắm có vị trí đắc địa nhất nhì thành phố. Ông Hạnh Nguyễn đặc biệt yêu thích Tràng Tiền Plaza.

“Năm 1984, khi tôi về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã thích Trung tâm Bách hóa Tổng hợp Tràng tiền. Lúc đó, tôi ấp ủ giấc mơ có ngày sẽ tham gia cải tạo toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội”, ông chia sẻ.

Và 30 năm sau, ông Hạnh Nguyễn đã hiện thực hóa được giấc mơ ngày trẻ của mình. Tập đoàn IPP đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng để cải tạo Tràng Tiền Plaza, biến nơi đây thành trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế.

Chưa hết, số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và các đối tác lên tới 150 triệu USD.

Tuy nhiên, Tràng Tiền Plaza vẫn còn quá nhỏ bé so với những tham vọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. “Tràng Tiền như một bức tranh tôi vẽ mà thiếu giấy vậy, diện tích chừng đó, tôi không đủ chỗ để thiết kế, bày hàng.

Tâm huyết của tôi là một trung tâm hàng hiệu hoành tráng, đúng nghĩa, một nơi đủ rộng, đủ lớn để quy tụ tất cả các thương hiệu cao cấp của thế giới về đây”.

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã trải qua - Ảnh 5.

Dành đến 400 tỷ để cải tạo Trung tâm thương mại Tràng Tiền nhưng với ông Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền Plaza vẫn như một bức tranh thiếu giấy...

Các tiêu chuẩn về vị trí của một sản phẩm hàng hiệu đẳng cấp là rất khắt khe. Theo ông Hạnh Nguyễn, Chanel không thể đặt cửa hàng tại Tràng Tiền bởi họ cần cửa hàng diện tích tới 400m2 và bắt buộc phải ở tầng 1 của trung tâm thương mại.

Ngoài ra, một gian hàng của thương hiệu lớn phải mất từ 6-9 tháng thi công, hoàn thiện, trong khi thông thường thời gian chỉ cần 1-2 tháng là hoàn tất. Các thương hiệu lớn không muốn có bất kỳ sơ suất nhỏ nào lúc mở cửa, để đảm bảo đẳng cấp của mình được đồng bộ trên toàn thế giới.

Dù vậy, các mặt hàng thời trang đắt đỏ cũng không hẳn là con gà đẻ trứng vàng. Với giá bán mỗi sản phẩm từ vài ngàn tới vài chục ngàn USD, người mua chủ yếu thuộc giới nhà giàu mới nổi, những ngôi sao giải trí và khách du lịch.

Trong khi đó, tỷ lệ nhóm người này tại Việt Nam chưa quá nhiều. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư vào các cửa hàng chỉ còn khoảng 3-5% và thường một thương hiệu thời trang của ông Hạnh Nguyễn mất khoảng 5 năm để hòa vốn.

5 năm kinh doanh nhượng quyền fastfood: Đầu tư 100 triệu USD, vẫn lỗ dài

Lấn sân sang một lĩnh vực mới là kinh doanh nhượng quyền, ông Hạnh chính thức bắt tay với Domino’s Pizza từ năm 2010, sau đó 2 năm là Burger King, Popeyes và Dunkin’ Donuts, kèm theo tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD vào ngành fastfood.

Năm 2015, tức sau 5 năm đầu tư vào nhượng quyền fastfood, ông Hạnh Nguyễn phải thú nhận rằng, nhượng quyền là mảng kinh doanh IPP đang gặp nhiều thách thức nhất. Đến nay chỉ Dunkin' Donuts, Illy đạt tới điểm hòa vốn. Popeyes Chicken và Domino's Pizza "nặng nợ". Burger King gặp khó tứ bề.

Nếu năm ngoái ông Hạnh đã phải than Domino's Pizza "nặng nợ", thì năm nay thương hiệu này càng khiến ông buồn lòng hơn khi dính scandal nhập nguyên liệu quá hạn.

Mặc dù phía nhà cung cấp cũng như đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu Domino’s Pizza đã đính chính lỗi này là do nhân viên đóng nhầm dấu hạn sử dụng năm 2016 thành năm 2013 (dấu sử dụng thủ công, số ngày, tháng, năm tự xoay), nhưng tổn hại về thương hiệu là không thể tránh khỏi.

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã trải qua - Ảnh 6.

Burger King lại càng khiến ông Hạnh đau đầu hơn, khi số vốn dự định đầu tư lên đến 40 triệu USD nhưng chẳng có cơ hội giải ngân.

Mục tiêu 60 nhà hàng sau 5 năm kinh doanh của Burger King Việt Nam gần như đổ bể, khi đã qua 4 năm mà con số thực tế mới là 13.

Dự kiến ban đầu Burger King Việt Nam sẽ đạt điểm hòa vốn sau 5 năm, nhưng IPP phải dự phóng thành 7 năm.

Trước muôn vàn khó khăn, từ giữa năm ngoái, thị trường rộ lên tin đồn doanh nhân Hạnh Nguyễn muốn rút chân ra khỏi cuộc chơi nhượng quyền khi tính toán bán "combo" Burger King kèm Dunkin' Donuts.

Tuy nhiên, trả lời Forbes Việt Nam về vấn đề này, ông Hạnh phủ nhận: "Tôi chỉ bán cái gì có lãi, bán cái lỗ sẽ bị người ta ép".

“Kinh doanh là phải chịu đựng”

Rõ ràng, không phải mảng kinh doanh nào của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng có lãi.

Chính ông thừa nhận, hoạt động của IPP lãi có, lỗ có và chiến lược của ông là bù đắp qua lại, nên tất cả vẫn “cùng sống”.

Với tầm nhìn đầu tư dài hạn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất lạc quan về tương lai của Tập đoàn IPP, đặc biệt là khi TPP, điều ông chờ đợi suốt 10 năm qua, được ký kết.

“10 năm qua bán hàng hiệu tôi kinh doanh với quan điểm là phải chịu đựng. Tức cả tôi và đối tác đều chấp nhận mức lãi rất thấp để nuôi thị trường tương lai.

Chúng tôi kinh doanh lớn, doanh số lớn nhưng lãi thì rất thấp, bởi thuế đánh vào hàng hiệu rất cao”, ông chia sẻ.

Các mặt hàng thời trang thường chỉ 6 tháng là lỗi mốt. Khi đó, các mặt hàng này cần được xuất ngược trả lại các đối tác.

Tuy nhiên, khi TPP được ký kết, Việt Nam gia nhập thị trường chung, thuế giảm, ông Hạnh Nguyễn sẽ không phải tốn kém chi phí xuất ngược các mặt hàng thời trang lỗi mốt về lại cho các đối tác mà có thể mở cửa hàng tại chính Việt Nam. Người dân sẽ có điều kiện sử dụng hàng hiệu với giá mềm.

Vào TPP, người bán hàng hiệu như ông Hạnh Nguyễn sẽ là những người hạnh phúc nhất.

Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện có 5 lĩnh vực kinh doanh chính, trong đó phân phối xuất nhập khẩu chiếm 30%, bán lẻ thời trang mỹ phẩm 20%, cung cấp hàng miễn thuế 25%, thức ăn nhanh chiếm 15%, các hoạt động kinh doanh đầu tư khác chiếm 10%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại