Làm hàng hiệu phải có tầm nhìn xa
Chia sẻ với chúng tôi, câu đầu tiên Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nhắc là phải có cách nhìn khác với hàng hiệu, đừng nhìn hàng hiệu với ánh mắt ác cảm hay đánh đồng với các loại hàng ở phân khúc khác.
Ông bảo cũng đừng cho Tràng Tiền Plaza là canh bạc với tôi.
“Năm 1984, khi tôi về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã thích Trung tâm Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền.
Lúc đó, tôi ấp ủ giấc mơ có ngày sẽ tham gia cải tạo toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội”, ông Hạnh Nguyễn kể.
Nhưng phải 30 năm sau, giấc mơ này mới thành hiện thực. Ông bảo, năm 1986, khi đất nước mở cửa, ông kinh doanh cửa hàng miễn thuế đầu tiên ở sân bay.
Đó là phần thưởng nhà nước tặng ông vì có công lớn trong việc “môi giới” mở cửa đường bay Việt Nam –Philippine.
Nhưng cam go lắm, mỗi ngày 1-2 chuyến bay lèo tèo hạ cánh, không có khách mua hàng. Xác định đi đường dài nên ông không nôn nóng.
Và chính từ cửa hàng miễn thuế này, ông làm quen được với các tập đoàn hàng hiệu lớn trên thế giới.
Bán hàng hiệu 27 năm, nhưng thực tế vua hàng hiệu chỉ mới kinh doanh đúng nghĩa 7 năm, và bỏ ra 20 năm chờ đợi.
Đó là thời điểm Việt Nam gia nhập tổ chức thương mai thế giới WTO, các thương hiệu lớn mới ồ ạt đề nghị phát triển đồng loạt tại nội địa chứ không còn ở cửa hàng miễn thuế.
Và không gian bán hàng hiệu đúng nghĩa của ông Hạnh Nguyễn bắt đầu từ khách sạn Rex, ở quận 1, TP HCM.
Nhưng không gian chỉ 4.000 m2 của Rex không đủ chỗ cho nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Thế là ông quyết định phải thực hiện cho được giấc mơ Tràng Tiền.
IPP đã đầu tư 400 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo Tràng Tiền Plaza thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế.
Không kể 400 tỷ đồng cải tạo, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và các đối tác tại trung tâm này đã lên đến 150 triệu USD.
Tại thời điểm năm 2012, lần đầu tiên tại Việt Nam có một trung tâm thương mại chỉ kinh doanh hàng hiệu với những cửa hàng quy mô lớn, hội tụ đủ thương hiệu hàng đầu của thế giới. Tại đây, ông Hạnh Nguyễn có 20 gian hàng.
Hàng hiệu có đặc thù khác. Ông chủ IPP cho biết, các thương hiệu họ mở hàng 1-2 điểm thôi.
Do vậy ông không bị áp lực phải mở điểm bán đồng loạt, mà tập trung xây dựng hình ảnh, với giá tiền trị và chi phí lớn.
Ví dụ như Chanel ở Rex, họ mở một cửa hàng thì chi phí lên đến 4 triệu USD. Nếu là Louis Vuitton thì phải 8 triệu USD.
Hay nhiều thương hiệu khác tại Tràng Tiền họ quy định 1 cửa hàng phải được đầu tư khoảng 2 triệu USD, chưa kể hàng hóa, và nhà đầu tư phải đầu tư theo đúng yêu cầu các thương hiệu.
Bình thường, một gian hàng chỉ cần 1-2 tháng là hoàn thành nhưng ở đây các thương hiệu lớn mất từ 6-9 tháng để thi công, hoàn thiện.
Họ không muốn có bất kỳ sơ suất nhỏ nào lúc mở cửa, để đảm bảo đẳng cấp thương hiệu giống nhau trên toàn thế giới.
Tôi đang bù lại khiếm khuyết của Tràng Tiền
Tuy nhiên, ước mơ biến Tràng Tiền thành nơi để người Hà Nội tới giải trí, mua sắm gặp phải sự “khó quen” của chính người dân thủ đô.
Sau một thời gian vắng khách, vua hàng hiệu lại phải đóng cửa trung tâm mua sắm hàng hiệu này để cải tạo.
Ông cho biết, sau khi quy hoạch lại, mặt bằng các khu mua sắm trở lên hợp lý hơn. Những thương hiệu chưa phù hợp bị thay đổi bằng những thương hiệu đang nổi trên thị trường.
Kết quả kinh doanh sau khi cải tạo lại TTTM này cũng khả quan hơn, thể hiện qua doanh số bán hàng của các thương hiệu.
Song, chia sẻ kế hoạch sắp tới, ông Hạnh Nguyễn lại cho biết, mình đang dự kiến mở một trung tâm chuyên kinh doanh hàng hiệu tại TP HCM với quy mô lớn gấp 3 lần so với Tràng Tiền.
“Tuy Tràng Tiền là ước mơ của tôi, nhưng lại chưa đủ cho tôi thỏa sức kinh doanh hàng hiệu như tôi muốn.
Ví như bức tranh tôi vẽ mà thiếu giấy vậy, diện tích chừng đó, tôi không đủ chỗ để thiết kế, bày đủ hàng.
Tâm huyết của tôi là một trung tâm hàng hiệu hoành tráng, đúng nghĩa, một nơi đủ rộng, đủ lớn để quy tụ tất cả các thương hiệu cao cấp của thế giới về đây”, ông nói.
Nói về tham vọng của mình, ông vua hàng hiệu dẫn chứng chuyện Chanel hiện không thể đặt cửa hàng tại Tràng Tiền. Bởi họ cần cửa hàng 400 m2, mà phải ở tầng trệt, tầng 1 của TTTM.
“Hàng hiệu họ có nhiều đòi hỏi khiến mình hạn chế. Hầu hết thương hiệu họ chỉ bày bán từ tầng 2 của TTTM trở xuống mà không lên lầu 3, nên thiếu chỗ.
Tôi đang ấp ủ một trung tâm đủ lớn như thế, và sẽ đầu tư tại TP HCM.
Mặt bằng này phải gấp 3 lần Tràng Tiền hiện có, để đưa được nhiều thương hiệu hiện chưa thể vào Tràng Tiền, vào Rex đến đây. Nhưng cho tôi bí mật, để thời gian phù hợp tôi sẽ trình làng.
Riêng năm 2016, IPP sẽ bắt tay với 12 thương hiệu thời trang và dự kiến nâng con số thương hiệu đang sở hữu lên 150.
Do vậy, Tràng Tiền sẽ có thêm 1-2 đợt cải tổ, để đón thêm nhiều thương hiệu mới vào kinh doanh.