Thân tín của Tập Cận Bình có dễ trở thành lãnh đạo kế nhiệm?

Thủy Thu |

Thân tín của ông Tập Cận Bình sẽ nhẹ bước trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 6 ĐCSTQ hay "lịch sử có thể thay đổi" là câu hỏi được đưa ra trước thềm Đại hội khóa 19.

"Hạt giống" lãnh đạo

Ngày 17/8 vừa qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình, các lãnh đạo cao cấp đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có mặt tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, tham dự buổi Hội đàm công tác xây dựng sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Đa chiều (Mỹ) cho hay, đây là lần xuất hiện đầu tiên trước giới truyền thông của các lãnh đạo thuộc Bộ chính trị sau kỳ nghỉ hè tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, nơi được cho là diễn ra "hội nghị bí ẩn" vào đầu tháng 8.

Ba quan chức khác thuộc Bộ chính trị Trung Quốc nhưng không xuất hiện tại Bắc Đới Hà như Bí thư tỉnh ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa và Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài cũng tham dự.

Thân tín của Tập Cận Bình có dễ trở thành lãnh đạo kế nhiệm? - Ảnh 1.

Hai ông Hồ Xuân Hoa (đi trước) và Tôn Chính Tài tại Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. (Ảnh: Phượng Hoàng)

Điều đáng chú ý, trong 25 Ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ hiện tại chỉ có hai ông Tôn, Hồ thuộc lứa lãnh đạo sinh ra trong thập niên 1960, luôn được giới truyền thông đánh giá là những nhân vật quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 6.

Theo Đa chiều, sự xuất hiện của hai ông Tôn, Hồ tại hội nghị này cùng với tiền lệ lựa chọn lãnh đạo kế nhiệm trong những Hội nghị Bắc Đới Hà trước đó càng dễ nảy sinh liên tưởng.

Hồ Xuân Hoa sinh năm 1963, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiến cử.

Hồ được coi là "chú ngựa ô bí ẩn trên chính trường Trung Quốc" bởi từ Bí thư khu tự trị Nội Mông (2009 - 2012), ông đang nổi lên như một ứng viên sáng giá cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước này.

Tôn Chính Tài sinh năm 1963, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, là một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất được bầu vào Bộ chính trị ĐCSTQ.

Tôn được đánh giá là một trong những "ngôi sao đang lên" trên chính trường Trung Quốc và rất có khả năng sẽ nằm trong danh sách lãnh đạo thế hệ thứ 6.

Theo giới quan sát, con đường trở thành lãnh đạo kế nhiệm của hai ông này ngày càng được rút ngắn và trở nên rõ ràng.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ngoài ba ông Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài và Trương Xuân Hiền, hai ủy viên Bộ chính trị khác như Bí thư thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long và Bí thư thành ủy Thượng Hải Hàn Chính cùng không đi nghỉ tại Bắc Đới Hà.

Do đó, giả thuyết trên cũng không hoàn toàn chính xác và đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm hiện rất khó phán đoán.

Lịch sử luôn thay đổi

Theo Đa chiều, chế độ lựa chọn lãnh đạo kế nhiệm từ trước đến nay của Trung Quốc trên thực tế chưa hình thành mô hình cố định. Điều này hoàn toàn không giống hình thức bầu cử tổng thống đã tồn tại hơn 200 năm của Mỹ.

Ví như, cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông khi đương nhiệm đã chọn được ba ứng viên lãnh đạo kế nhiệm là Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu và Hoa Quốc Phong.

Sau này, Lưu Thiếu Kỳ bị chính Mao Trạch Đông khai trừ vào năm 1968. Lâm Bưu do dính líu đến "tranh quyền đoạt vị" nên mất mạng. Hoa Quốc Phong sau bị Đặng Tiểu Bình thay thế.

Thân tín của Tập Cận Bình có dễ trở thành lãnh đạo kế nhiệm? - Ảnh 3.

Đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình luôn có sự thay đổi do những biến cố lịch sử. (Ảnh: Sưu tầm)

Đến thời Đặng Tiểu Bình, ông đã "sắp xếp" 4 lãnh đạo kế nhiệm lần lượt: Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Trong đó, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương do tranh chấp nội bộ, lần lượt bị thay thế. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng gặp nhiều khó khăn trước và trong khi nhậm chức.

Nhà lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình được cho là có sự đồng thuận của đại đa số ủy viên trong nội bộ ĐCSTQ.

Trước đó tại Đại hội khóa 17 (năm 2007), ông Tập đã được đánh giá là nhân vật tiềm năng và kỳ vọng trở thành "lãnh đạo cốt lõi" của Trung Quốc trong tương lai.

Cục diện này đã được thể hiện rõ khi ông nhậm chức Bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007.

Sự chuyển giao quyền lực từ ông Cẩm Đào sang ông Tập Cận Bình là lần kế nhiệm thuận lợi nhất trong lịch sử chấp chính của ĐCSTQ.

Nhưng trong thời gian đó cũng thường xuất hiện những nhân tố ngẫu nhiên và những tranh chấp nhất định.

"Lịch sử lựa chọn lãnh đạo kể nhiệm của ĐCSTQ đều xuất hiện những tranh chấp, biến động hoặc lớn hoặc nhỏ", Đa chiều nhận định.

Có ý kiến cho rằng, công cuộc cải cách chế độ lãnh đạo kế nhiệm đã nằm trong kế hoạch sẵn có của ông Tập nhưng do thời cơ chưa chín muồi nên kế hoạch chưa được công bố mà thôi.

Về vấn đề lãnh đạo kế nhiệm, báo chí Trung Quốc gần đây lật lại bài xã luận "Nước Mỹ phản đối nước Mỹ" của Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hộ Ninh, một trong những "quân sư" thân cận hàng đầu của ông Tập.

Ông Vương chỉ ra: "Bất cứ chế độ chính trị nào thì một trong những vấn đề căn bản nhất là cách chuyển giao quyền lực như thế nào. Vấn đề này không được giải quyết thì trật tự ổn định của xã hội sẽ khó được duy trì..."

Dư luận Trung Quốc cho rằng, phát biểu này hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại