Nga - Ukraine có khả năng bùng phát chiến tranh tổng lực?

Lâm Nguyễn |

Câu hỏi này được đặt ra sau khi Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea.

Từ lâu nay, các động thái quân sự gần khu vực Đông Âu đã làm dấy lên nhiều đồn đoán trong giới quan sát. Thậm chí, trong cuốn sách gây tranh cãi của mình, Cựu phó tư lệnh NATO Alexander Richard Shirreff còn cho rằng: "Nga sẽ xâm lược Ukraine vào đầu năm 2017" nhằm đối phó với phương Tây.

Tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Moskva và Kiev trong thời gian gần đây càng khiến cho nhiều người tin vào viễn cảnh ấy. Tuy nhiên, nhận định sắc bén của nhiều học giả cho thấy khả năng này vô cùng mờ nhạt.

Đấu Ukraine, Nga mất gì?

Nếu xét tới hoàn cảnh nước Nga ở thời điểm hiện tại, có thể dễ dàng nhận thấy, nền kinh tế của nước này vẫn trong kỳ suy thoái kể từ năm 2014, chủ yếu do giá dầu sụt giảm và kèm theo là lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo học giả Peter Apps, đây không phải thời điểm thích hợp để Nga vướng vào một cuộc xung đột trên quy mô lớn với Ukraine, đặc biệt là khi nước này đang tham gia không kích tiêu diệt khủng bố ở Syria - một sứ mệnh có khả năng đem lại nhiều tổn thất.

Hơn nữa, việc leo thang xung đột sẽ tạo điều kiện cho Mỹ và đồng minh có cơ hội "danh chính ngôn thuận" hỗ trợ quân sự Kiev và đưa NATO bành trướng tại Đông Âu.

Chưa kể tới trường hợp giả định, nếu quân đội Nga thất trận thì Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với 1 thảm họa chính trị khá lớn. Đây rõ ràng là điều khiến nhà lãnh đạo Nga phải suy nghĩ và tình thế hiện tại chưa tới mức đẩy ông tới quyết định này.

Trong bài viết trên tờ New York Times, giáo sư Mark Galeotti của ĐH New York đã chỉ ra một điểm thú vị: Nga hiện đang triển khai quân sự tại Crimea, động thái mà Ukraine cho là làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, khu vực này không có ranh giới chung với miền Đông Ukraine mà Nga đang phần nào nắm "cửa trên".

Như vậy, hành động này của Nga chỉ nhằm mục đích phòng vệ, và theo ông Galeotti là tạo vị thế cho mình.

Giáo sư của ĐH New York cho rằng đây là chiến thuật "đi lên nhờ sức mạnh". Hiện các cuộc đàm phán hòa bình xung quanh vấn đề Ukraine đang đi vào bế tắc. Bằng hành động quyết đoán này, có lẽ ông Putin sẽ khiến phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán nhằm xoa dịu Moskva.

Không phải trên diện rộng

Viết cho National Interest, ông Simon Saradzhyan - giám đốc dự án của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế và Khoa học Belfer thuộc Đại học Havard - nhận định: Mặc dù không phải là không có khả năng, nhưng một cuộc xung đột tổng lực, toàn diện sẽ không xảy ra, bởi điều đó không mang lại những lợi ích mà lãnh đạo Nga kỳ vọng.

Đó là vị trí trung lập của các nước láng giềng.

Chuyện đưa xe tăng vào thay thế Chính phủ Kiev là chuyện Moskva hoàn toàn có khả năng thực hiện. Nhưng làm vậy sẽ tổn hại tới hình ảnh của Nga và dập tắt hi vọng được phương Tây dỡ bỏ cấm vận.

Chính vì thế, chưa nói đến chiến tranh tổng lực, ngay cả xung đột đẫm máu có lẽ Nga cũng chẳng màng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại