Nhà máy này có tên Akademik Lomonosov, sẽ được đưa từ thành phố cảng Murmansk đến cảng Pevek trên bờ biển Thái Bình Dương của Nga. Tại đây, hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy này sẽ cung cấp nhiệt và năng lượng cho các ngôi nhà và hỗ trợ các hoạt động khai thác và khoan dầu ở vùng Chukotka giàu khoáng sản.
Kì vọng lớn của Nga
Nếu tất cả đi đúng kế hoạch, Akademik Lomonosov cũng sẽ thay thế được nguồn năng lượng mà nhà máy điện hạt nhân Bilibino đang cung cấp. Vào tháng 2, Rosatom, tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga, đã bắt đầu ngừng hoạt động một trong bốn lò phản ứng của nhà máy này.
Nếu thành công, dự án này sẽ đại diện cho một cột mốc khác trong nỗ lực của Moscow để nắm quyền tác động mạnh tới tuyến đường biển phía Bắc – nơi băng đang tan chảy. Khi biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra, nơi này có thể trở thành tuyến giao thương trực tiếp giữa châu Âu và châu Á.
Theo lịch trình của Rosatom, Akademik Lomonosov sẽ rời Murmansk trong tháng này, được kéo bởi một đội tàu kéo và đi suốt chiều dài Tuyến đường biển phía Bắc.
Dự án Akademik Lomonosov đang vấp phải sự quan ngại từ các tổ chức môi trường. Nguồn: AFP. Getty.
Trong 12 năm Nga theo đuổi thử nghiệm táo bạo - và đáng lo ngại - về dự án năng lượng hạt nhân nổi này, họ đã vượt lên nhiều nghi ngờ, khắc phục sự suy thoái kinh tế và cả những tiếng nói phản đối về mặt môi trường.
Dù vậy, cho tới nay, nhiều nhà môi trường vẫn còn hoài nghi. Trong khi Rosatom đã ca ngợi nhà máy này là một bước đột phá cho công nghệ hạt nhân di động, tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) đã đặt biệt danh cho nhà máy này là một "Chernobyl trên băng".
Về phần mình, tổ chức về môi trường Bellona cũng đã phản đối việc xây dựng nhà máy ngay từ đầu, đăng tải một danh mục chi tiết những quan ngại của họ trong một báo cáo được phát hành năm 2011.
Kể từ khi Akademik Lomonosov được bắt đầu xây dựng bí mật vào đầu năm 2006, Nga đã cố gắng tạo dựng hình ảnh cho nhà máy này như một giải pháp cho những nguy cơ năng lượng của thế giới trong tương lai. Rosatom cho biết, họ hy vọng sẽ thiết kế các nhà máy hạt nhân nổi tùy chỉnh cho các khách hàng quốc tế, theo đó, lấy Akademik Lomonosov như hàng mẫu.
Vào tháng 3 năm 2018, công ty này đã mở những cuộc thảo luận ban đầu về việc sản xuất một nhà máy hạt nhân nổi cho Sudan.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Rosatom đã thừa nhận rằng việc đưa nhà máy nổi - theo thiết kế hiện nay - vào sản xuất hàng loạt sẽ quá tốn kém. Cả chi phí cho nhà máy và cơ sở hạ tầng cần thiết để lắp đặt tại Pevek được cho là có giá khoảng 480 triệu USD - mặc dù Rosatom đã từ chối nêu ra một mức giá chính thức.
Vào tháng 10 năm 2018, Bellona đã trở thành tập đoàn môi trường quốc tế đầu tiên kiểm tra Akademik Lomonosov tại điểm neo đậu của nó ở cảng tàu phá băng hạt nhân của Atomflot tại Murmansk. Giới truyền thông đã được cho phép mở nhiều tour đến thăm con tàu này, mặc dù họ bị giám sát chặt chẽ.
Nhà máy Akademik Lomonosov, gần đây được sơn lại màu trắng và được gắn logo Rosatom, có chiều dài hơn hơn hai sân bóng đá và chứa hai lò phản ứng KLT-40, tương tự như các máy phá băng hạt nhân của Nga. Bellona cũng đã xem qua một số tính năng xa hoa hơn của Akademik Lomonosov, như phòng tập thể dục, hồ bơi và quán bar không cồn.
Trăn trở những kịch bản khủng khiếp
Nhưng sự cởi mở như vậy không đóng góp gì nhiều vào việc giải quyết các mối quan ngại trọng tâm của Bellona về các ý định tầm xa của Rosatom, đối với nhà máy điện hạt nhân nổi này. Theo thiết kế, nhà máy sẽ hoạt động ở các vùng sâu vùng xa.
Nhưng chính sự xa xôi này, Bellona đã nói, sẽ làm phức tạp đáng kể các hoạt động cứu hộ cần thiết nếu xảy ra một vụ tai nạn, cũng như việc thường xuyên dọn dẹp nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các lò phản ứng.
Tương tự như vậy, kịch bản về lò phản ứng hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng bởi bão và sóng thần chưa hề phai mờ trong ký ức người dân. Và nhiều nhà bảo vệ môi trường cũng đang trăn trở về một nhà máy điện hạt nhân dễ bị tổn thương bởi sóng thần và thời tiết xấu như Akademik Lomonosov ở ngay giữa đại dương.
Dmitry Alekseyenko, phó giám đốc xây dựng Akademik Lomonosov, đã giải quyết mối quan ngại đó trên tờ báo The Guardian, nói rằng: Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của Fukushima. Theo các thử nghiệm của chúng tôi, một cơn sóng thần do trận động đất chín điểm gây ra sẽ không làm nhà máy bị xô đẩy khỏi căn cứ của nó.
Tuy nhiên, khả năng nhà máy rời khỏi cảng của nó trong một thảm họa không thể bị loại trừ. Viễn cảnh về một lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động nằm cách xa nguồn làm mát của nó là quá khủng khiếp để có thể bỏ qua.
Khó khăn nữa là khả năng các nhà máy như vậy trong tương lai có thể rơi vào tay các chính phủ có ít kinh nghiệm đối phó với công nghệ hạt nhân.
Hầu hết các nền kinh tế đang sử dụng năng lượng hạt nhân đã mất nhiều thập kỷ để phát triển các hoạt động xử lý nhiên liệu hạt nhân hiệu quả - và vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện chúng. Điều tương tự là khó có thể xảy ra khi nói về các khách hàng tiềm năng như Sudan.
Tuy nhiên, toàn bộ ý tưởng về một nhà máy hạt nhân nổi đã khơi gợi sự tò mò và cạnh tranh. Hai công ty được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc được cho là đang theo đuổi kế hoạch mở ít nhất 20 nhà máy hạt nhân nổi và các nhà khoa học Mỹ đang vẽ ra bản thiết kế của riêng họ.