Thăm Việt Nam, TT Obama có mang theo "món quà" được hoan nghênh?

Phúc Lai |

Thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obama liệu có mang tới "món quà" mà nhiều người chờ đợi?

Tháng 5/2016 này, chúng ta cùng mong chờ chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Một chuyến đi như vậy có thể sẽ làm thay đổi nhiều, không chỉ quan hệ hai nước, mà còn tình hình quốc tế từ khu vực đến bình diện rộng hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn cùng độc giả xem xét vị thế của Việt Nam trong khu vực, nhất là trong những mối quan hệ đặc biệt, vừa truyền thống, lại vừa biến đổi không ngừng.

Đối tác chiến lược

Nhắc đến quan hệ truyền thống của Việt Nam (nhất là về quốc phòng) không thể không nhắc đến nước Nga, “người” kế thừa và phát triển mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp từ thời Liên Xô cũ.

Sau “sự kiện tan rã” năm 1991, từ thời ốm yếu Eltsin, nước Nga dần lấy lại được vị thế của một cường quốc có vũ khí hạt nhân dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin.

Là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tiếng nói của Nga ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế.

Thế giới quen dần với sự tham gia đương nhiên của Nga trong các hội nghị G7+1, G20+1...

Về quốc phòng, Ủy ban Nga – NATO được thành lập từ năm 2002, các cuộc tiếp xúc chính thức diễn ra thường xuyên tuy có gián đoạn từ tháng 4/2014 nhưng năm nay đã được nối lại.

Nga vẫn là nước chủ yếu cung cấp cho Việt Nam vũ khí để bảo vệ đất nước, trong hoàn cảnh lệnh cấm vận vũ khí sát thương từ phía Hoa Kỳ vẫn duy trì (mới chỉ được dỡ bỏ một phần năm 2014).

Thăm Việt Nam, TT Obama có mang theo món quà được hoan nghênh? - Ảnh 1.

Nga chuyển giao tàu ngầm Kilo cho Việt Nam.

Với bề dày phát triển, công nghệ vũ khí Nga vẫn luôn luôn là lựa chọn hàng đầu của quân đội một số nước, trong đó, không thể không nhắc tới Trung Quốc.

Bắc Kinh đang thèm muốn rất nhiều công nghệ mà họ chưa thực sự làm chủ và không hề giấu diếm tham vọng muốn trở thành một thế lực mới trên thế giới về quân sự.

Tham vọng này càng nguy hiểm khi đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Toàn bộ các nước xung quanh khu vực này đều bị đặt vào tình thế phải gia tăng sức mạnh quân sự.

Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nước này còn không ngừng bồi đắp, tôn tạo trái phép, xây đảo nhân tạo, xây công trình quân sự, đường băng cho máy bay trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Các động thái này đã gây lo ngại không chỉ cho các nước liên quan vùng Biển Đông, mà còn cả trên trường quốc tế.

Nước Nga có tư cách là đối tác chiến lược rất quan trọng với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, do đó chắc chắn tiếng nói của họ cũng đầy sức nặng trước những vấn đề của Biển Đông. Có thể thấy nhiều người Việt Nam bình thường cũng mong Nga có “ý kiến” với Trung Quốc để Biển Đông bớt dậy sóng.

Vậy Việt Nam mong muốn một nước Nga như thế nào?

Thăm Việt Nam, TT Obama có mang theo món quà được hoan nghênh? - Ảnh 2.

 Tác giả Phúc Lai, thạc sĩ luật quốc tế, nhà nghiên cứu độc lập.

Việt Nam cần một nước Nga mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự

“Sức mạnh quân sự” ở đây tôi muốn nói đến một quân đội mạnh về công nghệ vũ khí và cả trình độ tác chiến tinh nhuệ, hiện đại.

Một nước Nga mạnh mẽ như vậy sẽ đóng góp tích cực cho sự bình ổn an ninh thế giới.

Như chúng ta thấy từ sự kiện 11/9 năm 2001 đến nay, thế giới đang đối mặt với những kẻ thù mới, vô hình hơn, thiên biến vạn hóa hơn. Đó là chủ nghĩa khủng bố.

Trước một kẻ thù như vậy, một mình nước Mỹ không đủ, thêm cả Liên minh Châu Âu cũng không đủ để đối phó, và chính họ vẫn thường xuyên trở thành nạn nhân của khủng bố.

Từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea đầu năm 2014 đến nay, “tác động kép” của lênh trừng phạt từ Phương Tây áp đặt lên Nga, kết hợp giá dầu mỏ thế giới giảm sâu liên tục trong khoảng hơn nửa năm và duy trì ở mức thấp, làm cho nước Nga bị thiệt hại nặng nề.

Hơn thế nữa, ông Putin còn quyết định tham gia không kích lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (ISIS) ở Syria, cũng là một chiến dịch tốn kém; chưa kể đến việc nước này vẫn bị cho rằng đang dính líu vào xung đột quân sự ở Đông Ukraine.

Cho đến thời điểm đầu năm 2016, không ai rõ “túi tiền” của Putin lép đi bao nhiêu, nhưng chắc chắn, thiệt hại là đáng kể.

Về kinh tế, để có được sức mạnh trở lại, nước Nga cần một giá dầu cao, cũng như tính cạnh tranh của thị trường ở mức vừa phải; và điều đó hiện nay là không thể vì công nghiệp dầu đá phiến của Hoa Kỳ tuy có khó khăn vì giá thấp, nhưng với chính sách năng lượng có nhiều thay đổi, thì họ vẫn trụ được.

Thời gian vừa qua chúng ta còn chứng kiến việc Iran được dỡ bỏ cấm vận và quay lại “chợ dầu mỏ”. Sự kiện này cũng sẽ làm thị trường có thay đổi lớn.

Hạ tuần tháng Tư, hội nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được tổ chức – mà không có sự tham gia của Bộ trưởng dầu mỏ Iran và trước đó nước này đã tuyên bố không cắt giảm sản lượng dầu.

Ngày 18/4 ngay khi hội nghị này kết thúc mà không có được thỏa thuận nào về giảm sản lượng dầu, giá dầu thế giới lập tức giảm mạnh.

Không những thế, Nga đang tiếp tục mất đi những khách hàng truyền thống, như một Châu Âu “làm mình làm mẩy” trước khí đốt Nga và do cuộc chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang là bạn, quay ngoắt 180 độ thành kẻ thù.

Nga buộc phải quay sang phương Đông, bắt tay với “con buôn” có tiếng là nguy hiểm: Trung Quốc.

Thăm Việt Nam, TT Obama có mang theo món quà được hoan nghênh? - Ảnh 3.

Đường ống "Năng lượng Siberia-2" được xây dựng nhắm đến các khách hàng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Dù khó khăn về tài chính, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga vẫn phải bỏ tiền túi để đầu tư (vay từ ngân hàng Trung Quốc) để xây dựng đường ống khí đốt theo “Hợp đồng khí đốt khủng” kéo dài 30 năm trị giá 400 tỷ đôla để bán khí đốt sang vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Về ngoại giao, Nga buộc phải có thái độ có thể nói là rất thuận lợi cho Trung Quốc trong việc “chống quốc tế hóa giải quyết tranh chấp Biển Đông,” thể hiện qua phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov.

Lập trường này cực kỳ bất lợi cho các nước nhỏ khi “nói chuyện” với Trung Quốc để xử lý những vấn đề do chính nước này gây ra ở Biển Đông.

Vậy thì bao giờ giá dầu thế giới sẽ tăng cao trở lại? Chúng ta sẽ quay lại với câu hỏi này sau.

Thế còn Trung Quốc?

Năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc chao đảo, tốc độ tăng trưởng giảm sút.

“Công xưởng của thế giới” vấp phải một loạt những khó khăn thách thức, từ áp lực môi trường xuống cấp, ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng và sâu, đất nước bước vào thời kỳ “dân số già” và những bất cập nghiêm trọng của “chính sách một con”.

Tuy nhiên sức mạnh của quốc gia này vẫn rất lớn sau thời kỳ phát triển nóng liên tục suốt hơn 40 năm. Đây là điều không thể xem thường. Tham vọng của Trung Quốc là sẽ trở thành một cực của thế giới đa cực.

Trung Quốc, trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, muốn thay đổi nguồn năng lượng chủ yếu của mình từ than sang khí đốt. Hiện nay, Chính phủ trung ương Trung Quốc đã có các dự án đầu tư đến 1 tỷ đôla để thăm dò và phát triển dầu khí từ đá phiến.

Con số dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ là một thế lực mới trong lĩnh vực này, với trữ lượng khoảng 31,6 nghìn tỷ mét khối, bằng cả trữ lượng của Canada lẫn Hoa Kỳ gộp lại.

Từ năm 2014, sản lượng dầu đá phiến Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020; từ 170 tỷ mét khối đến trên 400 tỷ mét khối.

Công ty BP còn dự báo dầu khí đá phiến có thể đáp ứng 22% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2030.)

Cái Trung Quốc đang thiếu là công nghệ khai thác dầu đá phiến. Ngoài BP, còn có thể kể đến các công ty khác cũng rất nhiệt tình tham gia vào lĩnh vực đầy triển vọng này, như Shell của Hà Lan hay ConocoPhillips của Hoa Kỳ.

Đáng nhẽ hợp đồng với ConocoPhillips đã đi vào hoạt động cùng bồn dầu Trường Thanh (Thiểm Tây), nhưng đó lại là khu vực quân sự không cho phép liên doanh với đối tác nước ngoài nên dự án phải chuyển sang một vị trí mới, khiến tiến độ bị chậm lại.

Phát triển được dầu đá phiến trong nước, Trung Quốc sẽ có thể giảm lượng than sử dụng để phát nhiệt điện đang chiếm đến 70% tiêu thụ năng lượng của đất nước và đang bị cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

Có dầu trong nước, Trung Quốc sẽ chủ động về dầu mỏ mà không phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài như hiện nay nữa. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu dầu từ nhiều nguồn, đáng kể nhất là từ Trung Đông và phải vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

Điều này giải thích tại sao Trung Quốc ngoài việc nhòm ngó tiềm năng dầu khí Biển Đông, còn quan tâm tới vùng biển này với tư cách là con đường huyết mạch cho năng lượng quốc gia.

Chắc chắn trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh công nghiệp dầu đá phiến trong nước, chứ không thể đứng yên.

Theo xu thế hiện nay, việc tiếp cận công nghệ không quá khó, và với một nguồn lực ghê gớm về tiền mặt, thì Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc dầu mỏ. Kết quả này có thể nhìn thấy được.

Nhưng nếu như vậy, thì chúng ta cũng chạm tay được vào câu trả lời cho câu hỏi trên đây – “Bao giờ thì giá dầu thế giới lại tăng cao trở lại?” Có lẽ sẽ còn lâu lâu nữa – và như vậy thì nước Nga ít nhất trong vài năm tới sẽ không thể trông chờ vào giá dầu để phục hồi sức mạnh kinh tế.

Một nước Mỹ thân thiện là điều hết sức có lợi

Trước tình hình dậy sóng Biển Đông, Việt Nam sẽ cần một nước Mỹ không quá căng thẳng với Nga. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga mà cứng rắn, thì nước Nga sẽ có nhiều khó khăn.

Chúng ta có thể thấy những tác động của lệnh trừng phạt từ Phương Tây (chủ yếu do Mỹ khởi xướng) đã làm cho nền kinh tế nước Nga gặp khó khăn như thế nào.

Các công ty trong nước không được đáo hạn khi đến hạn thanh toán các khoản nợ nước ngoài, không tiếp cận được các nguồn vốn mới, và các công nghệ tiên tiến để duy trì công nghiệp quốc phòng, vốn là thế mạnh của đất nước.

Một Hoa Kỳ với những chính sách không thân thiện với nước Nga buộc Putin phải căng sức lên, thay vì có được một thời gian hòa dịu để phát triển.

Thăm Việt Nam, TT Obama có mang theo món quà được hoan nghênh? - Ảnh 4.

Quan hệ Nga - Mỹ không được "nồng ấm".

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria là một minh chứng rõ ràng cho điều này: nguồn lực quý giá cho phục hồi sản xuất và phát triển, lại phải dùng để nuôi chiến tranh.

Đáng tiếc là tình hình xấu đi quá nhiều từ khi nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea, mà cuộc gặp gỡ Nga – NATO ngày 20/4 vừa qua lại chưa tìm được tiếng nói chung cho tiến trình hòa bình ở Đông Ukraine.

Không chỉ thế, một số lệnh trừng phạt còn được đưa ra do Nga sáp nhập Crime. Nếu nói Nga trả lại là không tưởng thì không biết đến bao giờ các lệnh trừng phạt mới được dỡ bỏ?

Thời đại của một nước có thể tự cô lập mình đã qua, dù nước đó có mạnh đến mấy. Chính vì thế mà Nga phải có những thay đổi về chiến lược địa chính trị của mình – và phải chăng thời kỳ của “quan hệ nồng ấm Nga – Trung” đang bắt đầu?

Với đường lối “không liên minh với nước này để chống phá nước khác,” từ tầm cỡ toàn cầu lẫn trong khu vực Biển Đông, Việt Nam vẫn luôn cần phải đa dạng hóa, đa phương hóa kể cả về hợp tác quốc phòng.

Chính vì thế mà trong các chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây, lãnh đạo Việt Nam đều đề cập tới vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nguồn lực tài chính tín dụng mới cho mua sắm vũ khí cũng là một phương án tốt để tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước.

Chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama nhằm vào lúc cuối nhiệm kỳ của ông, khi ông chỉ còn ngồi ở ghế tổng thống chưa đầy một năm nữa.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã làm cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những điều rất quan trọng, như xác lập “Quan hệ Đối tác toàn diện” (2013), thúc đẩy Việt Nam gia nhập TPP.

Liệu trong lần sang thăm này, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có phải là “món quà” ông Obama sẽ đem đến cho Việt Nam?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

"Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ thúc đẩy quá trình dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện, thể hiện sự tin tưởng giữa hai nước", Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của Reuters, ngày 12/5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại