Với 35.000 binh sĩ cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, tiềm lực quân sự của Mỹ tại Trung Đông rõ ràng vượt trội hơn hẳn nếu so với 2.000 lính và 50 máy bay chiến đấu của Nga đang tác chiến trong khu vực.
Nhưng hơn về số lượng là một chuyện, còn cụ thể hóa lợi thế đó thế nào lại là chuyện khác. Gần đây, có thể thấy lãnh đạo Trung Đông đang lũ lượt kéo tới Moscow để hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin, thay vì tìm đến Washington để đàm đạo cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hai tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới điện Kremlin, chuyến thăm thứ hai của ông chỉ trong vòng chưa đầy một năm; Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng vừa tới Moscow hồi tháng 3; Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thăm Nga 3 lần kể từ khi nhậm chức năm 2014. Vua Salman của Saudi Arabia cũng đang lên kế hoạch tới xứ sở Bạch Dương...
Putin và Netanyahu "tay bắt mặt mừng" tại điện Kremlin hồi tháng 4. Ảnh: TASS
Vậy nguyên nhân do đâu? Phải chăng người Arab và người Do Thái, những đồng minh lâu năm của Mỹ tại Trung Đông, đã "phát ngán" với Obama?
Theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Dennis Ross trên tạp chí Politico (Mỹ), lý do có thể được gói gọn trong một câu: Trong mắt lãnh đạo Trung Đông, Nga dám dùng "sức" để thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, còn Mỹ thì không.
Việc Nga quyết định can thiệp quân sự tại Syria đã củng cố vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời giảm thiểu đáng kể các động thái cô lập nhắm vào Nga sau vụ sáp nhập Crimea.
Có thể thấy, quan điểm đối ngoại của Putin cũng khác hẳn với Obama. Tổng thống Mỹ cương quyết chỉ dùng đến vũ lực trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa trực tiếp. Đó là lý do tại sao Nhà Trắng khá chủ động trong các chiến dịch chống khủng bố, điển hình là cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Quan điểm của Obama đúng hay sai có lẽ còn tùy hoàn cảnh cụ thể, nhưng có một điều chắc chắn là trong mắt lãnh đạo các đồng minh Mỹ tại Trung Đông, sự trợ giúp của Washington đang ngày một trở nên hời hợt dưới thời Tổng thống thứ 44 của Mỹ.
Nó cũng cho thấy bài học về cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn hằn sâu trong tâm khảm ông chủ Nhà Trắng, khiến Obama vẫn chần chừ không điều thêm quân tới Syria, trong bối cảnh cuộc nội chiến đã và đang tạo ra hàng loạt những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà nổi bật là cuộc khủng hoảng di cư tại các nước đồng minh Mỹ tại EU.
Cũng chính tâm lý ấy đã lý giải tại sao Obama vẫn cho rằng, Putin không thể thu được kết quả gì, và sớm muộn cũng sẽ sa vào "vũng lầy" tại Syria.
Nhưng theo chuyên gia Ross, cái cách Putin dùng vũ lực để đạt được những mục tiêu chính trị tại Syria mới là "mốt" ở Trung Đông.
Người Saudi điều quân tới Yemen một phần không nhỏ bởi họ lo ngại rằng Mỹ sẽ không áp đặt biện pháp kiểm soát nào đối với mưu đồ mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Riyadh hiểu rằng họ phải tự mình đặt ra những ranh giới cần thiết.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được kí kết, có thể thấy những chuyển biến trong chính sách của Tehran trong khu vực. Các đơn vị quân đội chính quy Iran đang được điều sang Syria ngày một đông, các lực lượng dân quân dòng Shiite thân Tehran đang mọc lên như nấm, còn các vụ thử tên lửa đạn đạo vẫn diễn ra thường xuyên.
Đọc thêm: >> Phái cả Lữ đoàn 65 mũ nồi xanh khét tiếng tới Syria, Iran có dụng ý gì?
Sự hiện diện của Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện. Khác với suy đoán trước đó của Obama, vị thế của Nga đã được củng cố tại Syria mà không vướng phải một "vũng lầy" nào đáng kể.
Không những vậy, chính Tổng thống Mỹ giờ đây cũng phải tìm đến Nga để thuyết phục ông Putin gây áp lực lên chính phủ Assad, qua đó thừa nhận "quyền mặc cả" của Moscow tại Trung Đông.
Lãnh đạo trong khu vực cũng nhận ra điều đó, và họ hiểu rằng mình cần phải tìm đến người Nga nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Nói vậy không có nghĩa rằng Mỹ "yếu", Nga "mạnh". Khách quan mà nói, Moscow đang phải đau đầu lèo lái một nền kinh tế kiệt quệ, qua đó cũng phần nào giải thích tham vọng nâng tầm ảnh hưởng của Putin trên trường quốc tế để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề trong nước.
Nhưng như đã nói ở trên, điều quan trọng là hình ảnh của Mỹ tại Trung Đông hiện nay vẫn đang bị xem là "yếu", và chuyến công du mới đây của ông Obama tới Saudi Arabia vẫn chưa thay đổi được điều đó.
Israel và các nước Arab không việc gì phải để ý tới tình hình trong nước của Nga hay Mỹ, điều họ quan tâm là những hành động của hai ông lớn này tại khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới minh.
Và theo những gì chuyên gia Ross "nghe ngóng" được, các nước nói trên đang chờ đợi một ông chủ mới tại Nhà Trắng, một người "hiếu chiến" hơn Obama. Dù giờ đây họ đang tìm đến Nga, nhưng về lâu về dài, cả Tel Aviv lẫn Riyadh vẫn trông chờ vào vai trò lãnh đạo của Washington tại Trung Đông.
Nhưng ít nhất là từ giờ cho đến năm 2017, khi bộ sậu mới của Mỹ chính thức đi vào hoạt động, giới lãnh đạo Trung Đông vẫn sẽ đặt vé máy bay sang Moscow.