Tháng 1 năm 1999, Mã Vân cùng đội ngũ của mình trở về Hàng Châu tiếp tục lập nghiệp một lần nữa. Một tuần trước khi rời Bắc Kinh, Mã Vân (Jack Ma) cùng mọi người đi leo Vạn Lý Trường Thành, đây là lần đầu tiên họ đi thăm Trường Thành kể từ khi đặt chân đến Bắc Kinh.
Khi đó tâm trạng mọi người đều vô cùng nặng nề, họ cho rằng cả tập thể đã tốn bao nhiêu công sức, thu lại nhiều kết quả như vậy nhưng vẫn chưa làm nên sự nghiệp của chính mình. Đồng thời, họ thề rằng cả đời này nhất định sẽ tạo dựng một công ty khiến cho tất cả người Trung Quốc phải tự hào.
Đặt tiền tài, danh vọng sang một bên và chuyên tâm theo đuổi lý tưởng. Lý tưởng của Mã Vân là làm internet, trải qua sự bỡ ngỡ với internet thuở ban đầu cho đến khi đào sâu nghiên cứu, càng củng cố thêm quyết tâm xây dựng nên một nền internet Châu Á trong anh.
Mã Vân tiến thêm một bước xác định cần phải làm internet ở châu Á, điều này có liên quan đến một phát hiện của anh trên Vạn Lý Trường Thành.
Sau khi Alibaba được thành lập, anh nhớ lại: "Chúng tôi phát hiện ra một điều rất thú vị trên Trường Thành, mỗi một viên gạch đều được viết những câu như: "A đã du lịch đến đây", "B đã lưu bút ở đây", đây là BBS sớm nhất của Trung Quốc.
Người Trung Quốc rất thích BBS, đối với những người không hiểu công nghệ như chúng tôi, phương thức dùng tiện dụng và dễ được tiếp nhận nhất chính là BBS, vì vậy BBS đã bắt đầu được yêu thích.
Trên thực tế, mô hình hoạt động sớm nhất của Alibaba chính là BBS, đem những món đồ mà mọi người cần mua hoặc bán đặt lên trên đó. Làm BBS cũng cần phải sáng tạo. Khi đó mỗi một dòng tin trước khi được đăng lên, tôi và nhân viên kỹ thuật đều phải kiểm tra, phân loại từ đầu chí cuối.
Họ cho rằng cách làm này đã đi ngược lại tinh thần của internet, tinh thần của internet chính là sự tự do triệt để, muốn đăng gì thì đăng. Tôi cảm thấy không nên muốn đăng gì thì đăng, mà bạn bắt buộc phải sáng tạo đổi mới, mỗi dòng tin trước khi đăng lên đều cần phải tiến hành kiểm tra, phân loại" .
Khi đó, Mã Vân cảm thấy lĩnh vực thương mại điện tử là một lựa chọn không tồi. Sau khi trở về Hàng Châu, anh triệu tập đội ngũ gồm 18 người và mở cuộc họp tại nhà. Mã Vân thuật lại mọi suy nghĩ của mình cho họ nghe, anh muốn thành lập một công ty thương mại điện tử của chính mình. Mã Vân đã ghi hình lại toàn bộ cuộc họp lần đó...
Sau khi xác định được mục tiêu, họ bèn huy động góp vốn, mỗi người đều tự nguyện quyên góp, cuối cùng cũng được 500 nghìn nhân dân tệ. Đây là khoản vốn khởi động đầu tiên trong lần "tái lập nghiệp" này của Mã Vân…
Mỗi ngày họ làm việc liên tục 17-18 tiếng đồng hồ, không ngừng tinh chỉnh trang web, các phương án sửa chữa, thảo luận ý tưởng và bàn bạc phương hướng trong tương lai.
Năm 1999, khắp nơi trên Trung Quốc bùng nổ cơn sốt làm kinh tế trên internet, tất cả các công ty mạng đều huy động mọi nguồn lực để tuyên truyền quảng bá.
Vì chỉ có tạo nên thanh thế mới có thể thu hút được sự chú ý của mọi người, mới có thể thu hút đầu tư, trong khi những công ty mạng khác không ngừng phô trương thanh thế, Alibaba lại yên tĩnh một cách khác thường, rõ ràng là hơi lạc lõng trong cơn náo nhiệt của internet thời bấy giờ.
Đối với những thắc mắc nghi vấn của người ngoài, Mã Vân đã trả lời như sau: "Chúng tôi đang đóng cửa ‘luyện công’. Sau khi trở về Hàng Châu năm 1999, chúng tôi cùng thương lượng và quyết định rằng, trong vòng 6 tháng sẽ không tuyên truyền đối ngoại, toàn tâm toàn ý làm trang web sao cho thật tốt".
Chính trong tình hình như vậy, Mã Vân và đội ngũ của mình đã sáng lập nên Alibaba ngày nay.
* Nội dung trích từ cuốn sách "Mã Vân giày vải" của tác giả Vương Lợi Phân - Lý Tường