Những tháng ngày giống phim kinh điển Hollywood, thảm hại khôn cùng của tỷ phú Jack Ma

Pha Lê |

Đeo đuổi giấc mơ phát triển internet tại Trung Quốc khiến vị tỷ phú Jack Ma từng rơi vào cảnh "thảm hại khôn cùng, chẳng khác gì một tên lừa đảo".

Năm 1995, thành phố Hàng Châu cần tu sửa một con đường cao tốc đến Phụ Dương thuộc tỉnh An Huy. Một công ty đầu tư của Mỹ cũng tham gia dự án này, nhưng trong thời gian một năm tiến hành dự án, công ty này lại liên tục khất lần trong việc góp vốn đầu tư theo quy định của hợp đồng.

Chính quyền thành phố Hàng Châu đã nhờ Mã Vân (Jack Ma) bay sang Mỹ tiếp xúc trực tiếp với công ty đó. Khi ấy mặc dù Mã Vân mới bắt đầu lập nghiệp, Công ty Dịch thuật Hải Bác cũng chưa triển khai được nhiều nghiệp vụ, nhưng tiếng lành đồn xa, rất nhiều nhân vật trong giới chính trị và giới kinh doanh đều biết đến anh.

Khi đó Mã Vân được đánh giá "có lẽ là người giỏi tiếng Anh nhất Hàng Châu". Mang theo sự ủy thác của chính phủ, Mã Vân đảm nhận công tác phiên dịch và điều phối trong chuyến đi Mỹ.

Nhưng sau khi đặt chân xuống đất Mỹ, Mã Vân phát hiện ra đó là một công ty lừa đảo, không những không bày tỏ thái độ hợp tác, mà thậm chí họ còn muốn Mã Vân cùng tham gia lừa đảo tài sản của Trung Quốc với họ. Khi Mã Vân tỏ thái độ không đồng ý, bọn họ liền giam lỏng anh.

Trong tình cảnh bất đắc dĩ, Mã Vân đành phải giả vờ thỏa hiệp, rồi viện lý do cần phải đi khảo sát những dự án khác để được thả đi. Sau này Mã Vân có nhắc đến việc này: "Quả thật giống với những bộ phim hành động kinh điển của Hollywood, đặc biệt là ngay khi đặt chân đến Mỹ tôi đã bị đám xã hội đen truy đuổi, và đến bây giờ, va li của tôi vẫn đang ở Hollywood".

Khi ở sân bay chuẩn bị mua vé về Bắc Kinh, đột nhiên Mã Vân suy đi tính lại, nghĩ rằng đã mất công đến đây thì không được dễ dàng từ bỏ.

Mã Vân nhớ có lần nghe một đồng nghiệp kể lại rằng, con rể của ông ấy góp vốn thành lập một công ty internet ở Seattle, mặc dù internet là một khái niệm lạ lẫm, nhưng dựa vào khứu giác nhạy bén của mình, Mã Vân cảm thấy thứ mới mẻ này có thể mang đến cho mình cơ hội và bước ngoặt trong sự nghiệp.

Anh liền đến Seattle tìm công ty VBN của Sam – cậu con rể của người đồng nghiệp kia, để tận mắt tìm hiểu thế giới của internet. Mã Vân phát hiện, mọi người có thể tìm được rất nhiều thông tin thông qua mạng internet. Thế nhưng, anh cũng phát hiện ra rằng không thể tìm được bất cứ thông tin nào liên quan đến "Trung Quốc" ở trên mạng.

Khi đó, internet vẫn là một con số không tại thị trường Trung Quốc, điều này khiến Mã Vân vô cùng hưng phấn, anh cảm thấy mình đã tìm được việc cần làm tiếp theo. Mã Vân nói với Sam rằng anh muốn làm internet ở Trung Quốc và muốn đưa Công ty Dịch thuật Hải Bác lên mạng, Sam cũng đồng ý giúp đỡ.

Thế là, Sam thiết kế một trang web đơn giản cho Công ty Dịch thuật Hải Bác rồi đưa lên trên mạng.

Ngày đầu tiên đưa trang web của công ty lên trên mạng, anh đã nhận được năm email từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Mọi người đều tỏ ra cực kỳ hứng thú với trang web này, vì trang web của Công ty Dịch thuật Hải Bác là trang web đầu tiên của Trung Quốc có thể tìm thấy trên mạng internet khi đó.

Trực giác mách bảo Mã Vân rằng lĩnh vực này chắc chắn sẽ có nhiều điều hay ho trong tương lai. Anh quyết định hợp tác cùng VBN. Họ sẽ cung cấp kỹ thuật ở bên Mỹ, còn anh sẽ mở rộng ở Trung Quốc.

Những tháng ngày giống phim kinh điển Hollywood, thảm hại khôn cùng của tỷ phú Jack Ma - Ảnh 1.

Khi trở về Trung Quốc, anh mang theo một máy tính có bộ vi xử lý Intel 486, đó là dàn máy tân tiến nhất thời bấy giờ. Tối hôm trở về nước, Mã Vân liền mời 24 người bạn rất thân thiết của mình đến để trò chuyện về internet. Nhưng khi đó internet vẫn là một thứ hoàn toàn xa lạ tại Trung Quốc.

Trong số 24 người đó, chỉ duy nhất một người cho rằng nên thử xem sao. Sự không tán đồng của mọi người cũng không làm lay chuyển ý định làm internet của Mã Vân. Một tuần sau, anh và vợ của mình – Trương Anh đã bắt tay vào thành lập công ty internet.

Để có thể lập nghiệp, hai người đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn được 100 nghìn tệ. Ngày 9 tháng 5 năm 1995, trang web thương mại đầu tiên của Trung Quốc mang tên "Trang vàng Trung Quốc" chính thức ra đời.

Sau này Mã Vân có nhắc đến lý do khiến anh quyết đơn thương độc mã làm Trang vàng Trung Quốc:

"Kỳ thực, quyết định lớn nhất không phải là tôi có niềm tin rất lớn với internet, mà đơn giản là tôi cảm thấy khi làm một việc gì đó, trải nghiệm chính là một dạng thành công, bạn xông pha va chạm ở bên ngoài, không được thì bạn có thể quay đầu lại. Nhưng nếu như bạn không làm, lúc nào cũng bước theo lối mòn thì mãi mãi sẽ không thể có sự phát triển mới".

Thời gian đầu khi Trang vàng Trung Quốc được thành lập, cách thức thiết lập của Mã Vân là: Hợp tác cùng công ty VBN, họ cung cấp kỹ thuật và máy chủ, còn Trang vàng Trung Quốc thì phụ trách việc mở rộng dịch vụ đến các doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy một khi Mã Vân ký kết với một doanh nghiệp nào đó của Trung Quốc, Công ty Dịch thuật Hải Bác sẽ tiến hành phiên dịch tài liệu của doanh nghiệp đó sang tiếng Anh, rồi chuyển phát nhanh EMS sang Mỹ, bên Mỹ sẽ phụ trách thiết kế trang web rồi đưa lên mạng, rồi in ảnh chụp trang chủ chuyển phát về Trung Quốc.

Mã Vân sẽ mang những bức ảnh chụp này đến cho doanh nghiệp xem, sau đó thu phí. Thế nhưng khi đó, mạng internet vẫn chưa phổ cập tại Trung Quốc, khách hàng không nhìn thấy tư liệu của họ ở trên mạng, chỉ dựa vào mấy bức ảnh chụp thì quả thực rất khó để họ tin tưởng.

Vì vậy việc triển khai dịch vụ của Trang vàng Trung Quốc ở trong nước là không mấy khả quan. Thậm chí có lúc Mã Vân còn bị coi là kẻ lừa đảo.

Hồi tưởng về những tháng ngày ấy, giọng Mã Vân đầy chiêm nghiệm: "Khi đó thực sự có thể nói là thảm hại khôn cùng, chẳng khác gì một tên lừa đảo. Chúng tôi nói với tất cả mọi người rằng, có một thứ như vậy, sau đó cần phải làm thế này, phải làm thế kia.

Sau này tôi cảm thấy ‘trâu ta phải ăn cỏ đồng ta’, ban đầu làm cho bạn bè, họ biết uy tín của tôi bao nhiêu năm nay cũng không đến nỗi nào, sau đó cũng đồng ý để làm.

Đầu tiên là làm cho khách sạn Vọng Hồ, một khách sạn bốn sao ở Hàng Châu, rồi đến văn phòng luật sư Tiền Giang, cuối cùng là xưởng Điện cơ Đệ nhị của Hàng Châu".

* Nội dung trích từ cuốn sách "Mã Vân giày vải" của tác giả Vương Lợi Phân - Lý Tường

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại