Kawashima Yoshiko, sinh ngày 24/5/1907 tại Bắc Kinh. Bà tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ cuối triều đại nhà Thanh.
Bà là một Cách cách của triều đại Mãn Châu và là một điệp viên của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nổi tiếng với sắc đẹp được gọi là “Hòn ngọc phương Đông”.
Yoshiko từng là một cô gái có vẻ đẹp “vạn người mê”. Ảnh: Baidu
Số phận nghiệt ngã
Ngay từ khi mới lên 4 tuổi, bà được một người Nhật Bản là Kawashima Naniwa, vốn là một điệp viên đang làm cố vấn trong triều đình Mãn Thanh, nhận làm con nuôi, vì vậy mới đổi tên Nhật là Kawashima Yoshiko.
Năm 1912, vì không cam lòng chứng kiến cảnh suy vong của triều đình nhà Thanh, Túc thân vương Thiện Kỳ đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm khôi phục lại ngai vàng của dòng họ Ái Tân Giác La.
Trong đó có quyết định gửi toàn bộ con cái của mình ra nước ngoài với mục đích tìm kiếm những thế lực có thể dựa dẫm để khôi phục những tháng ngày huy hoàng của nhà Thanh.
Do đó, Hiển Dư theo cha nuôi về Nhật Bản và học tại Matsumoto, Nagano. Cũng kể từ đó bà bị Nhật hóa hoàn toàn. Ngoài lớp học văn hóa, bà còn được cha nuôi cho học các khóa huấn luyện về chính trị, kỹ năng quân sự, tình báo…
Yoshiko cùng người cha nuôi người Nhật Bản. Ảnh: Baidu
Chỉ ít lâu sau khi Naniwa đưa Yoshiko về Tokyo nuôi nấng thì cha đẻ của bà qua đời, vợ ông sau đó cũng tự tử theo.
Chính trong khoảng thời gian này, Naniwa bắt đầu có đầu những hành vi thú tính với con gái nuôi. Ông ta còn tuyên bố với bạn bè rằng sẽ cưới Yoshiko làm vợ. Yoshiko liên tục thể hiện sự phản kháng ra mặt.
Sau cú sốc về tâm lý, Yoshiko thay đổi hoàn toàn diện mạo. Ảnh: Baidu
Không thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận, năm 17 tuổi, bà bị bố nuôi hãm hiếp. Cú sốc này khiến bà có ý định tự tử nhưng không thành. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, Yoshiko quyết định bỏ nhà ra đi. Bà cũng bắt đầu cắt tóc ngắn và ăn mặc như đàn ông.
Năm 1927, anh trai nuôi của cô lên kế hoạch dàn xếp cuộc hôn nhân chính trị với Ganjuurjab, con trai của Tướng quân Nội Mông Jengjuurjab, người lãnh đạo phong trào ly khai độc lập cho Mông Cổ - Mãn Châu tại Ryojun.
Tuy vậy, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được 2 năm và Yoshiko ly hôn khi mới chỉ 22 tuổi.
Sự nghiệp gián điệp và kết thúc bi thảm
Sau khi ly hôn, Yoshiko chuyển tới Thượng Hải. Tại đây, bà gặp gỡ tùy viên quân sự Nhật Bản, Tanaka Ryukichi, cũng chính là một điệp viên đang xây dựng mạng lưới gián điện gồm các quý tộc Mãn Châu và Mông Cổ.
Kể từ đó, bà bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị và làm gián điệp cho giới chức Nhật Bản.
Nhờ có sự trợ giúp đắc lực của Yoshiko, Nhật Bản gần như khống chế toàn bộ Thượng Hải, uy hiếp nghiêm trọng thủ đô của Trung Quốc lúc bấy giờ là Nam Kinh. Nhiều người nhận định, Yoshiko chính là người đã gây ra những sự kiện có tác động rất xấu tới Trung Quốc.
Nàng Cách cách triều Thanh lún sâu vào con đường làm gián điệp cho Nhật Bản. Ảnh: Baidu
Năm 1933, sau khi Mãn Châu Quốc thành lập, người Nhật Bản cũng thành lập một lực lượng quân sự bù nhìn gọi là Mãn Châu quốc An Quốc quân và phong cho bà chức vụ Tổng tư lệnh, cùng tham gia trận chiến Nhiệt Hà tác chiến trong chiến tranh Trung - Nhật.
Tuy nhiên, An Quốc quân kỷ luật yếu kém, ô hợp, nhanh chóng tan rã và biến thành thổ phỉ.
Bà thất vọng, bất mãn, nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách quân đội Nhật. Vì vậy, năm 1934, bà bị người Nhật tống giam. Hai năm sau, bà được tha và trở về Thiên Tân, tiếp tục hoạt động gián điệp cho người Nhật.
Tháng 10/1945, khi quân Nhật thất bại, Yoshiko bị Cục Quân thống của Quốc dân đảng bắt tại nhà riêng ở Bắc Bình, sau khi cố ý bỏ trốn về Nhật Bản, đồng thời bị đưa ra tòa xét xử với tội danh “Hán gian”.
Các luật sư bào chữa cho Yoshiko cho rằng, bà là người mang quốc tịch Nhật Bản nên không thể bị khép tội phản quốc.
Đáng tiếc, những giấy tờ chứng minh quốc tịch Nhật Bản của Yoshiko lại bị mất trong một trận động đất xảy ra tại Nhật.
Cha nuôi của Yoshiko không những chẳng đưa ra được giấy tờ chứng minh bà có quốc tịch Nhật Bản, mà còn để lộ nguồn gốc của bà là con cháu của thân vương nhà Thanh. Chính vì vậy, ngày 22/10/1947, Yoshiko đã bị tuyên án tử hình với tội danh phản quốc.
Ngày 25/3/1948, bà bị bắn từ phía sau và thi thể sau đó được công khai để người dân chứng kiến, kết thúc quãng đời đầy rẫy những bi kịch.