Người đứng đầu Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan, ông Pinsak Suraswadi cho biết cơ quan này đang triển khai Kế hoạch cấp độ 3, tìm kiếm sự phối hợp từ các đơn vị sử dụng lao động nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thái Lan hiện nay. Theo đó, người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà và hạn chế sử dụng xe ô tô riêng khi di chuyển để giảm lượng khí thải. Các công trường xây dựng cũng đã được yêu cầu giảm bớt các hoạt động gây bụi, trong khi việc đốt chất thải ngoài trời bị nghiêm cấm.
Thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận đang có chất lượng không khí rất kém, với mức độ bụi mịn PM2.5 cao ở mức nguy hiểm tại hầu hết các khu vực. Tình trạng này sẽ duy trì cho đến ngày mai (4/2) trước khi chất lượng không khí dần được cải thiện.
Thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận đang có chất lượng không khí rất kém, với mức độ bụi mịn PM2.5 cao ở mức nguy hiểm tại hầu hết các khu vực. Ảnh: VOV-Bangkok
Ông Pinsak cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô Bangkok, các khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan là do hoạt động đốt chất thải nông nghiệp và rác thải tại khoảng 1.200 điểm nóng được ghi nhận trên toàn quốc vào hôm qua (2/2), kết hợp với khói mù do các hoạt động tương tự từ các nước láng giềng Myanmar, Lào và Campuchia.
Không khí tù đọng cộng với khói từ việc đốt chất thải nông nghiệp và rác thải đã khiến mức PM2.5 trong khí quyển tăng lên, từ 35 micron/m3 vào những ngày bình thường lên đến 60 micron/m3 khi lưu thông không khí kém và lên đến 90 micron/m3 khi có hoạt động đốt cháy chất thải.
Trong khi đó, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết chính quyền khu đô thị Bangkok (BMA) đã cảnh báo trước về chất lượng không khí kém ở thủ đô và đã thiết lập hệ thống cảnh báo đối với các trường học. Theo ông Chadchart, BMA quyết định không đình chỉ các lớp học trong thành phố do điều này có thể gây bất tiện cho phụ huynh, nhưng đã chỉ thị cho tất cả các trường học yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang và tránh các hoạt động ngoài trời.