Thảm kịch "không thể hình dung nổi"
Ngày 11/1, tướng Amir Ali Hajizadeh - Tư lệnh lực lượng Không quân - Vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã lên tiếng thừa nhận hệ thống phòng không của họ bắn rơi chiếc máy bay Boeing 737 của Ukraine khiến toàn bộ 176 hành khách trên khoang thiệt mạng vì nhầm lẫn nó với một tên lửa hành trình thù địch.
Tướng Ali Hajizadeh cho biết, chiếc Boeing đã bị bắn hạ bởi một đơn vị phòng không cơ động được triển khai để bảo vệ căn cứ tên lửa đạn đạo của IRGC gần làng Bidganeh ở vùng Tehran ngay sau sự kiện Mỹ không kích sát hại chỉ huy đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani.
Hệ thống phòng không bắn rơi chiếc Boeing 737 được cho là tổ hợp tên lửa đất đối không Tor-M1 do Nga chế tạo (hay SA-15 Gauntlet theo mã định danh của NATO). Đây là hệ thống phòng không cơ động, tầm ngắn, được thiết kế làm vòng phòng thủ cuối cùng chống lại các mục tiêu có điều khiển, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Theo các chuyên gia quốc phòng, nếu điều này là sự thực thì các binh sĩ điều khiển tên lửa Iran quả là "quá tệ hại" và khả năng đánh giá mục tiêu của họ đúng là yếu kém ở mức "khó tưởng tượng".
"Thật khó hình dung nổi làm sao họ lại có thể phạm phải sai lầm tồi tệ đến như vậy", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London nhận xét.
Khi đó, nếu kíp vận hành hệ thống phòng không Iran thực sự nghĩ rằng họ đang phải đối diện với một tên lửa hành trình tấn công thì rõ ràng họ đã khai hỏa từ khoảng cách mà trên thực tế gần như chắc chắn không thể nào bắn trúng.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng, với một mục tiêu nhỏ như tên lửa hành trình, lại có khả năng cơ động cao thì tên lửa đánh chặn của Iran chẳng khác gì "viên đá ném vào hư không".
Mảnh vỡ của chiếc Boeing 737 bị rơi ở Iran ngày 8/1. Ảnh: AFP
Tên lửa Tor-M1 Iran bắn rơi Boeing 737 Ukraine: Lý giải nguyên nhân
Đoạn video công bố hôm 14/1 được New York Times xác thực cho thấy rất rõ đường bay của các tên lửa đánh chặn, từ lúc phóng cho tới khi phát nổ. Thông tin trong video có thể được sử dụng làm cơ sở để tính toán vị trí triển khai hệ thống tên lửa phòng không.
Theo đó, nếu tính từ vị trí phóng tới thời điểm quả tên lửa đầu tiên tiếp cận máy bay thì khoảng cách này rơi vào tầm 12,9 km. Vì vậy, theo nhà phân tích quốc phòng Carlo Kopp - đồng sáng lập cơ quan tư vấn chính sách Air Power Australia, tổ hợp tên lửa đánh chặn của Iran nhiều khả năng được đặt tại rìa phía Nam của căn cứ Bidganeh.
Khoảng cách trên nằm ngoài tầm bắn tối đa của các tên lửa SA-15 theo như công bố của chính nhà sản xuất Almaz-Antey.
Video được tờ New York Times kiểm chứng cho thấy chiếc Boeing của Ukraine đã bị 2 tên lửa Iran tấn công
Trên thực tế, ngay cả khi tầm bắn được nâng cấp, dựa trên khoảng cách và sơ đồ hình học về đường bay của tên lửa tấn công một mục tiêu thù địch như quỹ đạo bay của chiếc Boeing 737 thì việc đưa ra quyết định khai hỏa trong điều kiện như vậy chẳng khác nào "bắn bừa" bởi xác suất trúng mục tiêu gần như là không thể.
Chuyên gia Carlo Kopp phân tích: "Trong khoảng thời gian 16 giây quả tên lửa thứ nhất bay đi, chiếc máy bay đã gia tăng thêm khoảng cách tầm một vài km so với vị trí bệ phóng. Vì vậy, khi tên lửa bay tới khoảng cách này hệ thống dẫn hướng sẽ ngừng hoạt động và quỹ đạo bay của nó giống như một viên đá ném lên trời".
Những gì xảy ra trên thực tế có vẻ như là máy bay đang hướng về phía Tây Bắc thì quả tên lửa thứ nhất phát nổ ngay trước mũi của nó khiến chiếc Boeing bắt lửa và làm hư hại hệ thống thông tin, gồm cả máy phát đáp. Khi quả tên lửa thứ hai phóng lên 23 giây sau đó, chiếc máy bay dường như đã bốc cháy.
Vẫn chưa rõ tại sao nhóm vận hành hệ thống Tor-M1 lại có thể nhầm lẫn chiếc Boeing với một mục tiêu thù địch là tên lửa hành trình có kích thước nhỏ hơn và tốc độ nhanh hơn.
Chiếc Boeing 737 cất cánh từ sân bay Iman Khomeini ở Tehran theo quỹ đạo thương mại bình thường, rồi leo lên độ cao 2.438 m và đạt tốc độ tương đối ổn định 509,3 km/h. Trong khi đó, tên lửa hành trình thường bay bám địa hình ở độ cao dưới 76 m và có vận tốc từ 885 km/h trở lên.
Boeing 737 được trang bị một máy phát đáp đúng chức năng cho phép nó truyền đi mã nhận dạng riêng biệt để các nhân viên điều khiển Tor-M1 có thể thực hiện các động tác cần thiết gửi đi tín hiệu hỏi đáp.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 tại lễ diễu binh kỷ niệm 8 năm cuộc chiến với Iraq tại Tehran năm 2009. Ảnh: Fars News
Một điều bất thường khác nữa cần nhấn mạnh là đơn vị phòng không Iran được cho là đã xác định vật thể mà họ đang theo dõi là một tên lửa hành trình khi nó ở khoảng cách 19 km.
Theo chuyên gia Kopp, với kích thước nhỏ của một tên lửa hành trình thì radar cảnh giới của Tor-M1 không thể nào theo dõi ổn định liên tục để khai hỏa từ khoảng cách quá xa như vậy. Chỉ với những vật thể có kích cỡ lớn như chiếc Boeing 737 thì hệ thống mới làm được điều đó.
"Khi ban lãnh đạo IRGC nói rằng các nhân viên vận hành của họ đã nghĩ đó là một tên lửa hành trình thì có nghĩa họ chẳng hiểu gì về giới hạn của thiết bị mà họ đang điều khiển".
Xét tới vai trò của Tor-M1 thường chỉ giới hạn ở khả năng phòng thủ tầm ngắn, được triển khai bảo vệ xung quanh các mục tiêu quân sự cũng như khó khăn kinh tế hiện nay của Iran thì rất có thể kíp vận hành đã không được đào tạo đến nơi đến chốn trong việc đối phó với các máy bay dân sự.
Mặt khác, các đơn vị phòng không Iran nhiều khả năng đang hoạt động dưới những quy định lỏng lẻo trước nguy cơ bị Mỹ phản công sau vụ Tehran phóng loạt tên lửa vào các căn cứ của Washington ở Iraq.
Cũng có thể, kíp điều khiển Tor-M1 đã thấm mệt sau 5 ngày cảnh giác cao độ kể từ thời điểm tướng Solemaini bị sát hại và đang phải chịu áp lực tâm lý căng thẳng vì biết họ nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu không kích trả đũa của Mỹ.
Video giới thiệu hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M1 do Nga chế tạo