Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây

Trịnh Ngọc Tiến |

Thời Chiến tranh Lạnh, không phải tên lửa liên lục địa hay tàu ngầm hạt nhân làm phương Tây đau đầu, chính tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 mới là nguồn cơn hoảng loạn của Mỹ, NATO.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây

Trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, cả Liên Xô và Mỹ đều tập trung phát triển các loại tên lửa tầm trung. Mặc dù có tầm bắn ngắn nhưng với tốc độ cao, chúng khiến thời gian phản ứng của đối phương bị suy giảm rõ rệt.

Cả hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đều lo lắng về những rủi ro leo thang do sự nguy hiểm của các tên lửa như Pershing-2 của Mỹ và SS-20 Saber của Liên Xô.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây - Ảnh 1.

Một khẩu đội tên lửa SS-20 Saber

Mặc dù tên lửa đạn đạo Pershing-2 của Mỹ có nhiều ưu điểm vượt trội như sử dụng phương thức dẫn đường mới (kết hợp giữa dẫn đường quán tính truyền thống và dẫn đường radar kỹ thuật số tiên tiến nhất lúc bấy giờ), cùng với động cơ lực đẩy vector - cho phép tên lửa cơ động và thay đổi quỹ đạo dễ dàng. Do vậy, tên lửa có mức chính xác cao và khó đánh chặn.

Tuy nhiên, đối thủ của Pershing-2 là tên lửa SS-20 Saber của Liên Xô có sức mạnh kinh hoàng hơn, tầm bắn xa hơn Pershing-2 và có tốc độ không thể đánh chặn với khả năng phòng không của lực lượng Mỹ và NATO khi đó.

Tên lửa SS-20 Saber (tên chính là Pioneer - Người tiên phong, RSD-10 (mật danh), 15Zh45/15Zh53) là loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow phát triển.

Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn 2 tầng đầu tiên của Liên Xô, cho tầm bắn đến 5.000 km. Hệ thống được dựa trên thiết kế cơ bản của tên lửa liên lục địa (ICBM) Temp-2S. SS-20 ra đời nhằm thay thế các tên lửa SS-4 và SS-5 sử dụng nhiên liệu lỏng đã lạc hậu.

Liên Xô đã phát triển ba biến thể khác nhau của SS-20 gồm Mod 1, 2 và 3; Mod 1 và 3 mang một đầu đạn, có sức công phá 1.000 kT; Mod 2 - phiên bản được triển khai rộng rãi nhất, được trang bị nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV); một đầu đạn Mod 2 có thể mang 3 đầu đạn hạt nhân, có sức công phá 150 kT một đầu đạn.

Tên lửa có chiều dài 16,5 mét; đường kính 1,79 mét; khối lượng phóng 37.000 kg; tầm bắn 5.000 km. Phạm vi này cho phép SS-20 đặt từ lãnh thổ Liên Xô có thể nhằm bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu; nhưng tầm bắn SS-20 không đủ để tiếp cận lục địa Mỹ.

SS-20 được phóng từ bệ phóng tự hành (TEL), cho phép di chuyển dễ dàng và có thể được triển khai từ bất kỳ trận địa nào mà xe có thể cơ động đến.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây - Ảnh 2.

Sơ đồ bố trí một trận địa tên lửa SS-20 Saber dã chiến

Bệ phóng tự hành cho tổ hợp SS-20 Saber được thiết kế tại Phòng thiết kế thử nghiệm thuộc nhà máy Barrikada.

Xe chở bệ phóng là xe ô tô 6 cầu MAZ-347 V. Tên lửa được bảo quản trong các container vận chuyển kiêm ống phóng, làm từ vật liệu composite; hoặc tên lửa có thể được phóng từ các hầm phóng đặc biệt ở trận địa chính hoặc từ các trận địa phóng dã chiến được chuẩn bị từ trước.

Viện Công nghệ nhiệt Moscow bắt đầu nhận kế hoạch phát triển loại tên lửa này từ năm 1966. Năm 1974, tên lửa SS-20 được thử nghiệm thành công tại trường bắn Kapustin Yar; sau đó tổ hợp này được mang mật danh RSD-10.

Các trung đoàn tên lửa SS-20 Saber đầu tiên đóng quân tại Belarus và bắt đầu đưa vào trực chiến từ năm 1976. Sau này SS-20 Saber được đặt tại nhiều địa điểm ở Liên Xô, bao gồm phía tây dãy núi Ural và gần Teykovo, cách Moscow khoảng 193 km về phía đông bắc.

Từ các trận địa trên, tầm bắn của SS-20 Saber không chỉ bao phủ toàn bộ châu Âu mà còn cả đảo Greenland, bắc châu Phi đến tận Nigeria và Somalia. Gần như toàn thể vùng lãnh thổ châu Á, bao gồm Trung Đông, Ấn Độ và các khu vực phía tây Trung Quốc, Nhật Bản và bán đảo Đông Dương.

Về mặt tổ chức, đơn vị biên chế tên lửa SS-20 Saber là cấp trung đoàn, mỗi trung đoàn có 6 hoặc 9 bệ phóng tự hành cùng các tên lửa.

Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 1976 cho đến năm 1987, Liên Xô đã triển khai 441 hệ thống tên lửa SS-20. Đây chính là lực lượng hạt nhân đánh đòn phủ đầu, có khả năng sẵn sàng chiến đấu rất cao. Các mục tiêu của Mỹ và NATO ở châu Âu đều có trong tọa độ của các trung đoàn trang bị tên lửa SS-20 Saber.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây - Ảnh 3.

Tên lửa SS-20 Saber rời bệ phóng

Do đặc điểm là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, nên tên lửa có sơ tốc cao, thời gian để đối phương phản ứng với loại tên lửa này rất hạn chế. Ngoài ra, tên lửa sử dụng bệ phóng di động, rất khó xác định trận địa phóng.

Các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ và đồng minh khi đó thực sự phải bất lực trong việc đánh chặn loại tên lửa này. Do vậy, SS-20 Saber thực sự là nỗi kinh hoàng đối với Mỹ và NATO.

Để đối phó với mối đe dọa của tên lửa SS-20, từ năm 1983, Mỹ đã quyết định triển khai hàng loạt các bệ phóng tên lửa tầm trung Pershing-2 và tên lửa hành trình Tomahawk (phiên bản phóng từ bệ phóng mặt đất) ở châu Âu, đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây - Ảnh 4.

Bản đồ bố trí tên lửa SS-20 Saber trên lãnh thổ Liên Xô và những khu vực tại châu Âu nằm trong tầm bắn của SS-20

Bước xuống thang của 2 siêu cường Xô - Mỹ

Từ năm 1981, Mỹ đã đưa ra đề nghị hủy bỏ việc triển khai Pershing 2 và tên lửa Tomahawk để đổi lấy việc phá bỏ các hệ thống tên lửa SS-20 cùng các loại tên lửa đạn đạo tầm trung SS-4 và SS-5.

Đề xuất này của Mỹ đã châm ngòi cho các cuộc đàm phán Xô - Mỹ, kết quả cuối cùng dẫn đến Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.S.Gorbachyov và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987.

Tên lửa SS-20 Saber và cơn hoảng loạn của phương Tây - Ảnh 5.

Bức ảnh lịch sử giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.S.Gorbachyov và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp định INF tại Henxinki (Phần Lan) vào năm 1987

Theo các điều khoảng của Hiệp ước INF, Mỹ và Liên Xô loại bỏ tất cả tên lửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km.

Thực hiện Hiệp ước INF, Liên Xô đã rút tên lửa SS-20 ra khỏi biên chế sau khi phê chuẩn Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 1987.

Năm 1988, Liên Xô bắt đầu loại bỏ kho dự trữ SS-20, các tên lửa trên lần đầu tiên được tháo ra khỏi các bệ phóng của chúng, và được đặt ở một khu vực xa xôi tại trường bắn Kapustin Yar để phá hủy bằng thuốc nổ.

Theo thông tin của các phương tiện truyền thông vào thời điểm đó, đợt phá hủy đầu tiên của SS-20 được "đóng gói với gần một tấn thuốc mạnh, cùng với thuốc phóng của tên lửa đã đảm bảo phá hủy hoàn toàn".

Liên Xô cũng xử lý SS-20 bằng cách phóng chúng (không có đầu đạn) vào không gian từ các căn cứ ở các vùng xa phía đông của Liên Xô. Có tới 72 tên lửa bị phá hủy theo cách này. Vào năm 1991, tất cả tên lửa SS-20 bao gồm 509 bệ phóng và 654 tên lửa đã bị loại bỏ để tuân theo Hiệp ước INF.

Việc phá hủy toàn bộ tên lửa SS-20 Saber cùng với việc Liên Xô tan rã vào năm 1991 đã làm cho phương Tây như trút được gánh nặng đè lên vai họ suốt gần 2 thập kỷ và cũng loại bỏ được nguyên nhân đẩy thế giới bên bờ vực chiến tranh hạt nhân của những năm trong thập niên 1980.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại