Khinh khí cầu Mỹ đối đầu tàu ngầm Đức
Chiến tranh thế giới thứ hai, các khinh khí cầu của Hải quân Mỹ tuần tra các vùng nước ven biển để tìm kiếm tàu ngầm của địch thủ (thường là của nước Đức Hitler).
Trên khinh khí cầu có tất cả các thiết bị cần thiết, khi phát hiện đối phương, nó sẽ chuyển tọa độ của mục tiêu và gọi máy bay chống tàu ngầm đến. Nhưng chúng không cần phải tham gia trực tiếp vào trận đánh.
Vào đêm ngày 18/7/1943 phi công trên khinh khí cầu K-74, Trung Úy Nelson Grillz tuần tra trên Eo biển Florida, đã phát hiện tàu ngầm U-134. Người Đức rất lơ là nổi lên mặt nước, dường như đang tìm kiếm các mục tiêu tiềm năng.
Vì gần đó có hai tàu buôn của Mỹ, Trung úy Gills quyết định tự mình tấn công kẻ địch. Giảm độ cao đột ngột, phi hành đoàn chiếc khinh khí cầu đã khai hỏa bằng súng máy hạng nặng, thả xuống biển vài quả mìn, một quả trong số đó đã làm U-134 bị thương phần vỏ.
Đáp lại, thủy thủ Đức Quốc xã đã bắn rơi chiếc khinh khí cầu bằng khẩu pháo trên boong tàu. Tàu ngầm Đức vội vã sửa chữa thiệt hại rồi biến mất. Còn các phi công đã được các thủy thủ Mỹ cứu, ngoại trừ thợ cơ khí Isadore Stessel. Chỉ trong vài phút trước khi được giải cứu, anh đã trở thành nạn nhân của một con cá mập!
Khinh khí cầu K (Mỹ). Nguồn: Public Domain
Mi-24 tiêu diệt "Phantom"
Trực thăng tấn công Liên Xô Mi-24 ("Krokodil") đã chứng tỏ mình là phương tiện lý tưởng để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, săn lùng xe tăng và tiêu diệt công sự của kẻ địch trên măt đất. Máy bay cũng có thể tham gia vào một trận đối không với các trực thăng khác.
Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1980-1988, các trận đánh giữa Mi-24 của Iraq và Bell AH-1 Cobra (Iran) diễn ra thường xuyên. Nhưng trận chiến trên không lạ lùng nhất liên quan đến Krokodil xảy ra ở Lebanon vào ngày 8/6/1982.
Máy bay trực thăng Mi-24. Nguồn: SPUTNIK / ILYA PITALEV
Chiếc Mi-24 của Syria tấn công một đoàn xe bọc thép của Israel tại thung lũng Bekaa. Người Israel điều động máy bay, và 2 chiếc tiêm kích "Phantom" bay tới từ sân bay gần nhất.
Trên thực tế, trong một cuộc đụng độ với máy bay chiến đấu thì trực thăng gần như không có cơ hội, tuy nhiên, khi chiếc "Phantom" đã rời khỏi chiến trường, phi công Syria quay vòng rất nhanh, phóng tên lửa tầm ngắn P-60 và tiêu diệt cả hai mục tiêu!
Sau đó, vào giữa thập niên 1990, trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch chống chủ nghĩa ly khai ở Bắc Kavkaz, Mi-24V của quân đội Nga đã đánh chặn máy bay vận tải AN-12 chở vũ khí cho phiến quân Chechnya từ một trong những nước cộng hòa cũ của Liên Xô. Phi công Mi-24V đã thành công "bắt chết" chiếc AN-12, phóng ra quả tên lửa không đối không.
Tiêm kích F-4E Phantom II. Ảnh: Sputnik
Pháo xe tăng bắn tan xác máy bay
Alexander Fadin là một sỹ quan xe tăng nổi tiếng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Kíp xe T-34 của ông đã phá hủy hàng chục xe bọc thép của đối phương, nhiều lần tham gia các cuộc chiến chênh lệch.
Tuy nhiên, vào mùa đông năm 1944, Fadin tiến hành một hoạt động rất bất thường. Trong trận chiến đấu giải phóng một trong những ngôi làng ở Ukraine, đội lính tăng nhận thấy một chiếc máy bay vận tải Đức bay thấp.
Sau khi thả những thùng đạn dược vào các vị trí của lính Đức, phi công bay quay lại vòng thứ hai. Chiếc máy bay rất thấp, chỉ chút nữa thì chạm vào đường dây điện báo. Khoảng cách giữa các cột điện báo tiêu chuẩn là 50 mét.
Nhanh chóng tính toán và hướng nòng pháo lên một góc cao nhất định, Fadin đã bắn một viên đạn phân mảnh. Và trúng đích! Chiếc máy bay của Đức theo đúng nghĩa đen tan xác trên không. Lần đầu tiên trong lịch sử, đã có thể bắn hạ máy bay từ một khẩu pháo xe tăng.
Xe tăng Xô-viết T-34 được công nhận là xe tăng hạng trung tốt nhất của Thế chiến II. Trong ảnh - T-34 thế hệ đầu tiên, với pháo nòng ngắn cỡ nòng 76 mm. Ảnh: Sputnik
Dùng thanh ray đường sắt diệt xe tăng
Năm 1940, lãnh đạo Anh nghiêm túc lo ngại cuộc xâm lăng của Hitler. Để chống lại những kẻ xâm lược lên đảo, ngoài quân đội thường trực, họ đã lên kế hoạch để sử dụng lực lượng dân quân - Home Guard.
Vũ khí dành cho dân quân không đủ, và họ cần phải chặn lại các xe tăng Wehrmacht. Một chiến thuật đã được phát triển đòi hỏi tinh thần đồng đội của nhóm 4 "thợ săn xe tăng".
"Vũ khí" chính là thanh ray đường sắt, đầu được bọc chăn tẩm xăng. Vật dụng kỳ lạ này sẽ được dân quân chạy ra từ chỗ trú ẩn chọc trực tiếp vào phần truyền động của chiếc xe tăng - giữa bánh xe và xích.
Ngay khi chiếc xe đang chạy bị kẹt lại, một trong số các dân quân phải châm lửa đốt chăn. Chiếc xe tăng sẽ đứng yên, và kíp xe phải chạy trốn ra ngoài vì sợ lửa cháy.
Trong quá trình tập luyện, các nhóm dân quân đã khéo léo tiêu diệt được một số xe tăng Anh cũ. Tuy nhiên, trong một trận chiến thực sự, không thể xác nhận vũ khí "chống tăng" bất thường của người Anh đã có hiệu quả hay chưa.
Winston Churchill thăm lực lượng dân quân - Home Guard. Nguồn: Public Domain