Tên lửa siêu vượt âm Nhật Bản: Đòn giáng liên hoàn của Samurai khiến Trung Quốc lo sốt vó

QS |

Truyền thông Trung Quốc cho rằng một khi Nhật Bản có trong tay khả năng tấn công công nghệ cao thì đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với Đông Bắc Á.

Nhật Bản phát triển tên lửa siêu vượt âm

Vào năm 2030, Nhật Bản sẽ đồng thời xúc tiến các kế hoạch nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy hai loại tên lửa siêu vượt âm (gồm phương tiện lượn siêu vượt âm – HGV và tên lửa hành trình).

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 18/11, Nhật Bản dự định triển khai tên lửa hành trình siêu vượt âm có khả năng đạt tốc độ Mach 5 (hoặc cao hơn) vào năm 2030, và HGV vào giữa năm 2030. Kế hoạch phát triển các loại vũ khí tiên tiến này của Tokyo đã khiến Trung Quốc đặc biệt chú ý.

Trang mạng China Military cho biết, Nhật Bản đã phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm trong một thời gian dài và cũng là một trong những quốc gia nắm giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực siêu vượt âm.

Tên lửa siêu vượt âm Nhật Bản: Đòn giáng liên hoàn của Samurai khiến Trung Quốc lo sốt vó - Ảnh 1.

Nhật Bản đang có kế hoạch phát triển tên lửa siêu vượt âm. Ảnh: Twitter

Thông qua quá trình tìm hiểu, khai thác kéo dài trong lĩnh vực siêu vượt âm từ những năm 1980, Nhật Bản đã có nền tảng tốt cho các chương trình phát triển của mình trong những năm gần đây.

Năm 2016, Cơ quan Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ (ATLA) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đệ trình tài liệu nói về kế hoạch phát triển vũ khí và các công nghệ then chốt trong vòng 20-30 năm tới.

Tài liệu này đề cập rằng Nhật Bản hiện đang phụ thuộc vào tên lửa hành trình cận âm trong các cuộc tấn công chính xác cao, tuy nhiên, chúng rất khó răn đe đối thủ một cách hiệu quả. Vì vậy, Nhật Bản cần phát triển các loại vũ khí tấn công siêu thanh mới.

Năm 2017, ATLA đã đề xuất dự án "Nghiên cứu Công nghệ tên lửa tốc độ cao để phòng thủ đảo" trong tài liệu ngân sách quốc phòng năm 2018. Một năm sau, chương trình được đổi tên là "Nghiên cứu Tên lửa tốc độ cao để phòng thủ đảo" và kế hoạch phát triển chi tiết hơn đã được đưa ra.

Theo China Military, mặc dù dự án này luôn sử dụng các từ mô tả như "tốc độ cao", "siêu thanh" nhưng các dấu hiệu về tốc độ bay của tên lửa vẫn chưa được tiết lộ, do đó vẫn chưa thể kết luận rằng đây là các loại vũ khí siêu vượt âm.

Tên lửa siêu vượt âm Nhật Bản: Đòn giáng liên hoàn của Samurai khiến Trung Quốc lo sốt vó - Ảnh 2.

Nhật Bản được cho là đang nghiên cứu mẫu thiết kế tương tự như phương tiện bay siêu vượt âm của Mỹ. Ảnh: US Army

Mẫu tên lửa mới của Nhật Bản dành cho các cuộc tấn công liên đảo với tầm bắn 300-500km. Trang mạng của Trung Quốc đánh giá rằng, với phương pháp phóng trên bộ, đợt triển khai của các tên lửa mới và tầm bắn của chúng sẽ làm dấy lên mối lo ngại rộng khắp thế giới.

Năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiết lộ dự án tên lửa hành trình siêu vượt âm. Vào thời điểm đó, ATLA đề xuất dự án "Nghiên cứu Công nghệ cần thiết dành cho tên lửa siêu vượt âm" trong tài liệu ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2019, nhằm phát triển tên lửa hành trình với tốc độ trên Mach 5, chú trọng vào công nghệ động cơ.

Điều này cho thấy Nhật Bản đã đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của các tên lửa hành trình siêu vượt âm và có thể đã tính toán kế hoạch phát triển hợp lý.

Cần lưu ý rằng, mặc dù Nhật Bản thông qua chiến lược phát triển song song HGV và tên lửa hành trình nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu hoàn tất dự án tên lửa HGV vào năm 2035, điều đó cho thấy công nghệ liên quan đã được phát triển tới một mức độ nhất định.

Về phần tên lửa hành trình, Bộ Quốc phòng Nhật Bản gần đây tiết lộ kế hoạch hoàn tất chương trình phát triển và nghiên cứu mẫu đầu tiên vào năm 2030 và sẽ triển khai sau đó không lâu. China Military đánh giá rằng, Nhật Bản đã cho thấy sự tự tin của họ về năng lực kỹ thuật và công tác sơ bộ có vẻ đã đạt tới một mức độ nhất định.

Xét tới khoảng cách giữa công nghệ siêu vượt âm hiện nay và tính thực tiễn của nó, trang mạng Trung Quốc cho rằng, vẫn chưa thể chắc chắn liệu mẫu tên lửa mới của Nhật có thể được triển khai trong vòng 1 thập kỷ hay không, mặc dù Tokyo rất háo hức sở hữu loại vũ khí tiên tiến này.

Mối đe dọa với Đông Bắc Á

Theo China Military, Nhật Bản đang dần từ bỏ chính sách tự vệ và đang có thiên hướng tấn công chủ động trong chiến lược quân sự, cũng như trong các chương trình phát triển trang thiết bị những năm gần đây.

Trong số các dự án được xem là một phần quan trọng trong chương trình chế tạo các hệ thống trang bị tương lai, Nhật Bản đã cam kết phát triển các loại tên lửa tấn công.

Mặc dù Tokyo nhiều lần tuyên bố rằng các chương trình phát triển khí tài của họ chỉ nhằm mục đích phòng thủ đảo xa nhưng theo China Military, mối đe dọa của chúng đối với Đông Bắc Á không nên bị xem nhẹ, một khi Nhật Bản có được năng lực tấn công công nghệ cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại