Tên lửa S-400 Nga "treo lơ lửng" trên thỏa thuận Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Tú Anh |

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho tới nay vẫn tránh áp đặt các lệnh trừng phạt lên Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận những hệ thống S-400 đầu tiên từ Nga.

Sau nhiều năm căng thẳng, cuối cùng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất ngờ đạt được sự đồng thuận về kế hoạch thiết lập một vùng an toàn ở miền Bắc Syria vào ngày .

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vẫn là một vấn đề nhức nhối có thể làm cho mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh NATO trở lại tình trạng căng thẳng bất cứ lúc nào.

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục cáo buộc Mỹ phớt lờ các mối quan ngại về an ninh của mình bằng cách hậu thuẫn cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với đa số là người Kurd (SDF), đóng vai trò nòng cốt trong liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) sống ngoài vòng pháp luật và chính PKK cũng bị Washington liệt là một tổ chức khủng bố.

Ankara và Washington tuyên bố họ đã đồng ý thành lập một trung tâm hoạt động chung ở Thổ Nhĩ Kỳ để cùng nhau thiết lập một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria, địa bàn rất quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các mối đe dọa đến từ những vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát ở Đông Bắc Syria.

Tên lửa S-400 Nga treo lơ lửng trên thỏa thuận Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria - Ảnh 1.

Xe tăng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Trong bài phân tích trên tờ The Conversation ngày 30/8, các học giả Tarık Başbuoğlu và Umut Korkut cho rằng có 3 lý do chính để Ankara và Washington đạt được sự đồng thuận hiện nay.

Thứ nhất là để tránh việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại SDF vì động thái này có thể dẫn tới một cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các binh lính Mỹ đóng quân ở miền Bắc Syria.

Lý do thứ hai là tình hình căng thẳng ở Idlib, thành trì lớn cuối cùng trên lãnh thổ Syria vẫn còn do phiến quân kiểm soát. Những cuộc tấn công gần đây của Quân đội Chính phủ Syria đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ phải tiếp nhận một làn sóng tị nạn ồ ạt của khoảng 3 triệu dân từ phía bên kia biên giới.

Thứ ba đó chính là mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

"Tuy nhiên, treo lơ lửng trên mối quan hệ này vẫn là các vấn đề liên quan tới hệ thống tên lửa của Nga", hai học giả Tarık Başbuoğlu và Umut Korkut bình luận.

Bất chấp được sự ủng hộ của cả hai viện trong Quốc hội Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump cho tới nay vẫn tránh áp đặt các lệnh trừng phạt lên Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận những lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết định ngừng chuyển giao 100 máy bay tàng hình F-35 cho phía Thổ Nhĩ Kỳ còn Lầu Năm Góc cũng không cho phép Ankara tiếp tục tham gia vào chương trình chế tạo F-35.

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không kích hoạt các hệ thống tên lửa S-400 cho tới tháng 4/2020, qua đó để ngỏ các kênh đối thoại với Mỹ về vấn đề Bắc Syria", các chuyên gia Başbuoğlu và Korkut kết luận.

S-400 được vận chuyển lên máy bay vận tải Nga lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại