Tên lửa Nga chọc thủng cả lá chắn phòng thủ "chưa ra đời" của Mỹ

Hải Vy |

Vũ khí siêu vượt âm của Nga không chỉ vượt qua được các hệ thống phòng thủ tiên tiến của Mỹ hiện nay, mà thậm chí cả những hệ thống Washington còn chưa phát triển.

Nga trên chặng đường phát triển vũ khí siêu vượt âm

Tuần trước, phát biểu trước truyền thông Nga, Tổng giám đốc tập đoàn "Các hệ thống tên lửa chiến lược" (KTRV) Boris Obnosov cho biết, ông tin rằng Nga sẽ triển khai tên lửa siêu vượt âm (có khả năng đạt tốc độ Mach 6-Mach 7) vào năm 2020.

Vị giám đốc nhấn mạnh rằng những vũ khí như vậy sẽ làm suy yếu đáng kể tiềm năng phòng thủ của đối phương trước tên lửa.

"Rõ ràng với tốc độ như vậy - khi tên lửa đủ khả năng bay xuyên qua khí quyển với tốc độ gấp 7-12 lần tốc độ âm thanh - thì toàn bộ hệ thống phòng thủ (của đối phương) sẽ bị suy yếu đáng kể".

Bình luận của ông Obnosov được đưa ra sau phát biểu gần đây của Đô đốc Cecil Haney - Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, trong đó vị Đô đốc cảnh báo rằng, các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa (của Mỹ) gần như không có khả năng đánh chặn loại vũ khí siêu vượt âm mà Nga sẽ triển khai trong nay mai.

Đề cập tới chương trình phát triển này trong một bài viết trên tờ Svobodnaya Pressa, chuyên gia phân tích quốc phòng Vladimir Tuchkov đã chỉ ra rằng, mặc dù các loại vũ khí siêu vượt âm trở thành đề tài được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây nhưng thực chất, quá trình phát triển của chúng đã bắt đầu từ rất, rất lâu trước đây. Cụ thể là từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tên lửa Nga chọc thủng cả lá chắn phòng thủ chưa ra đời của Mỹ - Ảnh 1.

Một thiết kế tên lửa siêu vượt âm được Raduga trưng bày tại triển lãm.

Vị chuyên gia nhắc lại rằng, trong những năm 1970, Cục thiết kế Raduga (hiện trực thuộc KTRV) bắt đầu thăm dò khả năng phát triển một loại tên lửa hành trình với tốc độ Mach 5 hoặc hơn.

Tới những năm 1980, Raduga đã chế tạo được một số nguyên mẫu tên lửa hành trình mới, gọi là Kh-90 (NATO định danh: Koala). Tên lửa Kh-90 nặng 15 tấn, dài 9m và sải cánh dài 7m, tốc độ Mach 5, tầm bắn dự kiến tới 3.000km. Nhưng tới năm 1992, dự án này đã phải khép lại do ngân sách thiếu hụt và ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô sụp đổ.

Sau thời gian đình trệ trong những năm 1990, chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm được khôi phục.

Theo ông Tuchkov, hiện nay Nga đã chế tạo được và đang tích cực thử nghiệm ít nhất 2 hệ thống siêu vượt âm, bao gồm tên lửa hành trình chống tàu 3K-22 Zircon (do doanh nghiệp chế tạo máy NPO- trực thuộc KTRV phát triển) và phiên bản xuất khẩu - tên lửa BrahMos II (dành cho Hải quân Ấn Độ).

Tên lửa Nga chọc thủng cả lá chắn phòng thủ chưa ra đời của Mỹ - Ảnh 2.

Mô hình tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos II tại triển lãm Defexpo 2014.

"Sát thủ" lá chắn tên lửa Mỹ

Thông tin đầu tiên về tên lửa Zircon xuất hiện vào năm 2011 và công tác thử nghiệm được bắt đầu 1 năm sau đó. Cho tới nay, Nga đã tiến hành 5 vụ phóng thử tên lửa Zircon. Trong vụ phóng gần đây nhất (tháng 3 năm nay), tên lửa đã được thử nghiệm thành công ở chế độ hoạt động thông thường.

Chuyên gia Tuchkov cho hay, công tác phát triển Zircon tiến triển nhanh tới mức cuộc thử nghiệm cấp quốc gia đầu tiên dự kiến được tiến hành trong năm tới và quá trình sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu vào năm 2018.

Tên lửa sẽ có tốc độ Mach 5, tầm bắn ước tính từ 400-1.000km, dự kiến được trang bị trên các tàu tuần dương tên lửa hạng nặng (Peter Đại đế và Đô đốc Nakhimov), cùng 1 tàu ngầm hạt nhân mới của Nga với tên mã dự án là Husky (hiện đang trong quá trình chế tạo).

Moscow còn có một dự án mang tên 4202 (Project 4202), cũng do NPO phát triển. Nói chính xác thì đây không phải là 1 loại tên lửa độc lập, mà là 1 đầu đạn được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, nó sẽ hoạt động như tên lửa hành trình siêu vượt âm, cơ động linh hoạt để xác định phương hướng và độ cao thấp.

Theo ước tính, Project 4202 có khả năng đạt tốc độ từ Mach 7 - Mach 12. Nhờ thế, nó "không chỉ vượt qua được các hệ thống phòng thủ tiên tiến hiện nay của Mỹ, mà thậm chí cả những hệ thống các kỹ sư Mỹ còn chưa phát triển".

Công tác thử nghiệm Project 4202 được tiến hành trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-18B 'Stiletto' phóng từ silo. Sau khi đưa vào trang bị trong khoảng năm 2020-2025, Project 4202 sẽ được triển khai trên ICBM RS-28 và các thiết kế tương lai của Nga.

Theo ông Tuchkov, khi quân đội Nga nhận được lô đầu tiên, với 20 đầu đạn siêu vượt âm, thì hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ trở nên vô dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại