"Thần sấm’ A-10A đang bắn tên lửa AGM-65 Maverick
Thay thế tên lửa AGM-12 hoạt động kém hiệu quả
Lịch sử phát triển của của AGM-65 bắt đầu vào năm 1965, khi Không quân Mỹ bắt đầu chương trình để phát triển một sự thay thế cho tên lửa AGM-12 đã lạc hậu. AGM-12 được giới thiệu vào năm 1959, có phạm vi tấn công 16.3 km, dẫn đường bằng sóng radio và được biết đến với biệt danh "Viên đạn bạc".
Tuy nhiên, các máy bay mang AGM-12 đều phải chúi mũi vào mục tiêu khi tấn công thay vì bay theo hướng khác để tránh đạn phòng không, điều này gây nguy hiểm cho các phi công.
Một nhược điểm khác là đầu đạn của AGM-12 mang lượng nổ nhỏ khoảng 110 kg, chỉ hữu dụng đối với những mục tiêu nhỏ như boong ke, còn các mục tiêu lớn thì tỏ ra không mấy hiệu quả.
Không quân cũng bắt đầu nhiều dự án thay thế AGM-12, bao gồm cả hai phiên bản lớn hơn là mô hình C và D, dự án cũng không quên trang bị công nghệ ngắm bắn chính xác và đơn giản hơn khi phi công chỉ việc "bắn và quên".
Tên lửa AGM-12D được trưng bày trong bảo tàng Không quân
Từ năm 1966 đến năm 1968, Bộ phận Hệ thống tên lửa Hughes và Rockwell đã cùng tham gia đấu thầu dự án Maverick, chế tạo một loại tên lửa hoàn toàn mới nhằm thay thế AGM-12.
Mỗi nhà thầu chi 3 triệu USD cho thiết kế và kỹ thuật sơ bộ của dự án Maverick năm 1966. Vào năm 1968, Hughes đã giành được hợp đồng trị giá 95 triệu USD để phát triển và thử nghiệm tên lửa; hợp đồng cũng kèm theo điều khoản mua 17000 tên lửa loại này.
Hughes đã tiến hành thử nghiệm thành công AGM-65 Maverick, với lần thử đầu tiên trên máy bay F-4 vào ngày 18/9/1969; lần thử nghiệm tiếp theo vào tháng 12 năm đó, Maverick đã hạ mục tiêu xe tăng M41 dễ dàng.
Một binh sĩ đang nạp tên lửa Maverick cho máy bay F/A-18C vào năm 2004
Tháng 7/1971, Không quân và Hughes ký một hợp đồng trị giá 69.9 triệu USD cho 2000 tên lửa Maverick, lô đầu tiên được giao vào năm.
Kết quả hoạt động ban đầu của tên lửa tất tốt nhưng các nhà quân sự dự đoán rằng Maverick sẽ không thành công trong điều kiện khí hậu ở Trung Âu. Vì vậy, nhà phát triển đã lên ý định phát triển những thế hệ tiếp theo, hai thế hệ đầu là phiên bản A và B được ngừng sản xuất vào năm 1978 với hơn 35.000 tên lửa loại này đã được chế tạo.
Các phiên bản phổ biến của Marverick
Phiên bản đầu tiên là phiên bản A với hệ thống dẫn đường bằng sóng vô tuyến, tỏ ra kém chính xác trong một số trường hợp. Phiên bản B cũng tương tự như được trang bị mắt quang học có thể phóng to mục tiêu, nên chính xác hơn, nhất là đối với những mục tiêu kích thước nhỏ.
Năm 1978, Rockwell, người đã phát triển nhiều tên lửa cho không quân Mỹ đã tiến hành nâng cấp AGM-65 lên phiên bản C.
ặc điểm nổi bật của phiên bản này là trang bị hệ thống dẫn đường bằng laser. Tuy nhiên, do chí phí cao nên Không quân không mua AGM-65C mà thay vào đó, phiên bản này được sử dụng trong Hải quân Mỹ với tên gọi AGM-65E.
Một quả AGM-65E được gắn trên giá cánh máy bay
Một phát triển quan trọng khác là AGM-65D, sử dụng đầu dò hình ảnh hồng ngoại, ưu điểm của đầu dò này là hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và cho thấy hiệu quả cao trong việc bắn và theo dõi các mục tiêu tỏa nhiệt như xe tăng, xe bọc thép, xe tải… và đó cũng là nhiệm vụ chính của phiên bản này.
Đầu dò thực hiện việc quét cơ học trên một mảng 4x4 được làm lạnh bằng nitơ đảm bảo độ chính xác rất cao.
AGM-65F là một phiên bản Maverick lai, kết hợp giữa đầu dò hồng ngoại của AGM-65D, đầu đạn và động cơ của AGM-65E. AGM-65F được tối ưu hóa cho việc chống hạm và được biết đến là một trong những vũ khí chống hạm nổi tiếng nhất. Lần thử nghiệm đầu tiên của mẫu tên lửa này được phóng từ P-3C vào năm 1989.
Mang đầy đủ đặc tính của một mẫu tên lửa không-đối-đất thành công
Các quả tên lửa AGM-65 của Không quân Mỹ
Maverick được thiết kế theo kiểu module, điều đó cho phép kết hợp các đầu đạn cũng như hệ thống dẫn đường và động cơ để tạo ra các loại tên lửa khác nhau tùy theo điều kiện chiến đấu. Tên lửa dài 2.5 m, đường kính thân 0,3m với 4 sải cánh dài 0,72 m hình tam giác dài, gợi nhớ đến thiết kế của tên lửa AIM-4 Falcon và AIM-54 Phoenix.
Các mô hình khác nhau của AGM-65 sử dụng các hệ thống dẫn đường khác nhau, từ thô sơ cho đến hiện đại.
Về cơ bản, AGM-65 có hai loại đầu đạn chính, loại thứ nhất là loại tiếp xúc nổ như thông thường, loại còn lại có lượng nổ rất lớn kèm theo một ngòi kích nổ chậm, cho phép tự đâm xuyên sâu vào mục tiêu bằng động năng tự có rồi mới kích nổ. Và tất nhiên, loại thứ hai rất có hiệu quả đối với các mục tiêu lớn và cứng.
Cấu tạo chi tiết của một quả tên lửa Maverick, cụ thể trong hình là phiên bản D
Động cơ sử dụng trên Maverick là loại Thiokol TX-481 dùng nhiên liệu rắn, có thể đẩy quả tên lửa bay với vận tốc 1150 km/h và tầm bắn khoảng 22 km.
Tên lửa Maverick không thể tự khóa mục tiêu mà phải thông qua người điều khiển hoặc phi công. Sau khi bắn đi, tên lửa sẽ bay đến mục tiêu đã định sẵn cho phép "bắn và quên".
Ví dụ như trong máy bay A-10 Thunderbolt II, video quay được từ mặt đất sẽ chuyển đến màn hình của phi công và họ có thể kiểm tra mục tiêu bị khóa của tên lửa trước khi phóng đi. Tất nhiên, tính năng bắn và quên này không thể sử dụng trên phiên bản E và phiên bản này sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động.
Theo thống kê, các phiên bản của Maverick có tỉ lệ chính xác rất cao, lên đến 93%. Và các mục tiêu "ưa thích" của tên lửa này là xe tăng, thiết giáp, pháo phòng không, tàu thuyền, kho nhiên liệu…
Hiện nay, Maverick và các biến thể cải tiến vẫn là loại tên lửa không-đối-đất được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Maverick có thể trang bị trên nhiều loại máy bay hiện đại như F-16, A-10 và F-15E hay F/A-18. Ngoài Mỹ, Maverick cũng được sử dụng bởi hơn 30 quốc gia trên thế giới.