Tên lửa Iran khiến Israel lo "sốt vó", tiêm kích F-35I được giao nhiệm vụ sống còn

Trà Khánh |

Theo National Interest, Israel hoàn toàn có thể đập tan mọi cuộc tập kích bằng tên lửa từ Iran, bởi họ đã có trong tay một vũ khí bí mật.

Israel biến F-35I thành "lá chắn" tên lửa?

Chuyên gia quân sự người Israel Seth J. Frantzman trong một bài bình luận mới đây trên tờ National Interest cho rằng, sẽ không có chuyện Tel Aviv hứng chịu tổn thất từ các cuộc tập kích tên lửa của của Hezbollah hay cả Iran bởi Israel đã có trong tay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35I cho phép họ đối phó với mọi mối đe dọa từ sớm, từ xa.

Theo như giới thiệu của Tập đoàn Lockheed Martin, nhà phát triển F-35, thì loại chiến đấu cơ này có khả năng xác định và ngăn chặn các mối đe dọa trên không bay ở độ cao thấp với vận tốc cận âm.

Tên lửa Iran khiến Israel lo sốt vó, tiêm kích F-35I được giao nhiệm vụ sống còn - Ảnh 1.

Trước mối đe dọa từ Iran, F-35I sẽ trở thành "lá chắn" tên lửa của Israel. Ảnh: Overt Defense.

Đối với Không quân Israel mà nói đây chính là thứ họ cần để đối phó với các mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah và Iran, nhất là khi một số phong trào Hồi giáo chống lại Nhà nước Do Thái được trang bị các loại vũ khí dẫn đường có khả năng tấn công chính cao.

Điều này có thể thấy rõ qua cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay tấn công người lái (UAV) của phiến quân Houthi nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia vào tháng 9 năm ngoái.

Theo Gary L. North, Phó chủ tịch của Tập đoàn Lockheed Martin cho biết, hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-81 trên tiêm kích F-35 cho phép nó có thể thực hiện đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao thấp.

Radar AN/APG-81 (do Northrop Grumman phát triển) là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh cho F-35, nó giúp phi công nhận thức rõ mọi tình huống cũng như có cái nhìn tổng quan hơn về không gian chiến trường. Với công nghệ AESA, radar AN/APG-81 có thể quét nhanh về mọi hướng điều các hệ thống radar quét cơ học chưa làm được.

Trong một báo cáo vào năm ngoái về khả năng đánh giá phòng thủ tên lửa, Lầu Năm Góc đã tiết lộ một thông tin khá quan trọng đó là F-35 có thể thực hiện nhiệm vụ theo dõi và tiêu diệt tên lửa hành trình đối phương, chiến đấu cơ này còn được xem là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Quân đội Mỹ hiện tại.

Tên lửa Iran khiến Israel lo sốt vó, tiêm kích F-35I được giao nhiệm vụ sống còn - Ảnh 3.

Hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động AN/APG-81 trên F-35 cho phép nó có thể thực hiện đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao thấp. Ảnh: Northrop Grumman.

Tuy nhiên, những gì F-35 có thể làm được đối với Israel chưa phải là cái gì đó đặc biệt, do đó họ quyết định tạo cho mình một biến thể riêng có tên "Adir" để đáp ứng yêu cầu tác chiến của không quân nước này hiện tại.

Theo chuyên gia quân sự Frantzman dù tên lửa dẫn đường đang trở thành mối đe dọa lớn đối với Tek Aviv thế nhưng biến F-35I trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa không phải là một lựa chọn thật sự khôn ngoan. Bản thân lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang sở hữu nhiều hệ thống phòng không có thể đảm nhận tốt vai trò "lá chắn" tên lửa như Iron Dome và David's Sling.

Dựa trên các báo cáo công khai, trong hai năm qua, các phong trào Hồi giáo của người Palestine và Lebanon đã phóng hơn 2.600 quả rocket vào các khu định cư của người Do Thái ở Dải Gaza, ngoài ra còn có 5 vụ tấn công bằng UAV. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều bị phòng không Israel đánh chặn và không gây ra thiệt hại đáng kể nào.

Dữ liệu trên cho thấy rõ phòng không Israel đang làm tốt nhiệm vụ của họ, vì vậy việc sử dụng F-35I để đánh chặn tên lửa chỉ là nên phương án bổ sung trong trường hợp đối đầu quân sự leo thang.

Theo đánh giá của chuyên gia Frantzman, Không quân Israel sẽ phải cân nhắc khi sử dụng F-35 cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, bởi nếu được sử dụng để chống lại mục tiêu bay tầm thấp như tên lửa hành trình nó buộc phải sử dụng các giá treo vũ khí ở bên ngoài, điều này sẽ khiến F-35 mất đi khả năng tàng hình.

Mối đe dọa từ tên lửa hành trình Iran

Trong một báo cáo về "Cân bằng quân sự" của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) vào năm 2019 cho biết, các loại đạn và tên lửa hành trình (LACMs) có khả năng tấn công chính xác đang trở thành thách thức an ninh đối với nhiều quốc gia.

Trong khi đó Iran ngày càng thể hiện họ đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí tấn công chính xác ở Trung Đông, điều này có thể thấy qua số tên lửa hành trình và UAV tấn công được nước này chế tạo mới qua từng năm.

Tên lửa Iran khiến Israel lo sốt vó, tiêm kích F-35I được giao nhiệm vụ sống còn - Ảnh 4.

Xác tên lửa hành trình và UAV của Houthi được Saudi tìm thấy sau khi hai cơ sở lọc dầu Abqaiq và Khurais bị tấn công. Ảnh: The Drive.

Sự hoài nghi về khả năng của vũ khí Iran cũng dần thay đổi sau khi Houthi tấn công các cơ sở lọc dầu Saudi Arabia. Tất nhiên, Tehran luôn khẳng định không có liên quan đến cuộc tấn công này cho dù họ đang hậu thuẫn quân sự cho Houthi.

Điều đáng nói là tên lửa hành trình và UAV được cho là có nguồn từ Iran đã thực hiện hành trình gần 1.000km (tính từ biên giới Yemen) để tấn công các cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais ở Đông Bắc Saudi. Do đó, việc Iran tuyên bố sở hữu các tên lửa hành trình và chống hạm có tầm bắn lên đến 2.000km giờ đây không còn là câu nói đùa.

Theo một cuộc điều tra của Lầu Năm Góc, để vượt qua hệ thống phòng không ở Abqaiq, tên lửa hành trình và UAV của Houthi đã di chuyển lên phía tây bắc cách mục tiêu tới hơn 200km sau đó vòng ngược lại để đánh xuống Abqaiq từ phía bắc, điểm yếu nhất trong hệ thông phòng thủ của cơ sở lọc dầu này.

Chuyên gia quân sự Frantzman tin rằng, Israel đang đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa tương tự như Saudi trong tương lai, nếu Tel Aviv không tìm ra được đối sách phù hợp họ sẽ phải trả giá đắt.

Việc Iran không ngừng mở rộng vùng ảnh hưởng của họ ở Trung Đông cũng khiến Israel "ăn không ngon, ngủ không yên", nhất là sự trỗi dậy của lực lượng dân quân thân Iran ở Syria. Có lẽ vì thế mà Tel Aviv đã mạnh tay hơn trong việc trấn áp các nhóm dân quân Hồi giáo do Tehran hậu thuẫn trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng lên tiếng cảnh báo không quân của nước này có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trong khu vực, kèm theo đó là hình ảnh máy bay F-35I bay qua thủ đô Beirut, Lebanon vào năm 2018.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett cũng tuyên bố sẽ biến Syria thành "Việt Nam thứ 2" đối với Iran, đồng thời đe dọa vùi lực lượng dân quân thân Tehran trong cát sa mạc Syria.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Iran đưa các loại vũ khí tấn công chính xác như tên lửa hành trình đến Syria, dù chúng đã xuất hiện ở Iraq.

Tựu trung lại, Israel đang đứng trước một thách thức an ninh không hề nhỏ khi tên lửa của Iran đang ngày một áp sát biên giới của nước này. Vì vậy, Tel Aviv sẽ tận dụng mọi nguồn lực có thể, kể cả việc sử dụng F-35I để đối phó với một tập kích bằng tên lửa từ Iran.

Không quân Israel tiếp nhận chiếc F-35I "Adir" đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại