Ngày 8/6/2017, lần đầu tiên Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa hành trình phòng thủ biển (CDCM) Kumsong-3 từ một địa điểm gần cảng Wonsan trên bờ biển phía Đông.
Kumsong-3, hay KN19 (theo cách gọi của Mỹ) chỉ mới xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 15/4/2017, được phát triển dựa trên mẫu tên lửa hành trình chống hạm Kumsong-3 thế hệ cũ hơn (Mỹ gọi là KN01).
Cấu hình của chiếc CDCM mới này đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát bởi dàn phóng tên lửa tích hợp khá đặc trưng, có thể phóng ở mọi địa hình với 4 ống phóng.
Từ giữa những năm 1990, Triều Tiên đã sở hữu kho tên lửa Kh-35 Uran của Nga và thậm chí từng xuất khẩu sang các quốc gia thứ ba, trong đó có Myanmar – nước đã tích hợp các bệ phóng Kumsong-3 cho khinh hạm lớp F11 Aung Zeya của mình.
Hải quân Triều Tiên cũng sử dụng Kumsong-3 như hệ thống vũ khí chính cho lớp tàu hộ tống mới mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thị sát trong vụ phóng thử vào tháng 2/2015.
Những tháng gần đây, thật không may, do mật độ tương đối dày đặc các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng như vụ phóng Hwasong-12 và ICBM Hwasong-14, nên vụ thử nghiệm Kumsong-3 nhanh chóng bị lãng quên.
Tuy nhiên, trong vụ phóng thử ngày 8/6, ngoài cấu hình khác thường của bệ phóng tự hành (TEL), Triều Tiên còn chứng minh nước này thực sự đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cấp tính năng kỹ thuật cho tên lửa hành trình Kumsong-3.
Những cải tiến đột phá
Kumsong-3 (KN19) đã cho thấy nhiều cải tiến về quỹ đạo di chuyển cũng như khả năng dẫn đường đột phá so với các biến thể Kh-35 hiện nay của Triều Tiên.
Theo một nguồn tin chính phủ Mỹ hiểu biết về các chương trình vũ khí của Triều Tiên thì Kumsong-3 thử nghiệm hôm 8/6 đã rất thành công với hệ thống dẫn đường hồng ngoại tiên tiến và bay chuẩn xác theo tọa độ điểm (waypoint) ở tầm xa 240 km.
Trong số 4 tên lửa hành trình phóng thử ngày hôm đó, ít nhất 3 quả đã tấn công trúng tàu mục tiêu đậu gần căn cứ hải quân của Bình Nhưỡng ở Mayang-do, địa điểm cách vị trí phóng gần cảng Wonsan khoảng 90 km.
Để tấn công tàu mục tiêu, đầu tiên, Kumsong-3 bay ra biển Nhật Bản theo đường vuông góc với bờ biển Wonsan, tiếp tục di chuyển tầm thấp, tiến xa hơn về hướng Đông so với vị trí tàu mục tiêu. Sau đó, Kumsong-3 thực hiện ít nhất 2 lần rẽ trái, ngược trở lại bờ biển Triều Tiên và đã có 3 quả lần lượt tấn công trúng tàu mục tiêu ngoài khơi Mayang-do gần Sinpo.
Tàu mục tiêu được lắp đặt 3 bộ phản xạ radar hình tam giác màu trằng để mô phỏng một tàu mục tiêu lớn hơn, giống với mục tiêu mà đầu dò radar chủ động của Kumsong-3 có thể bắt gặp trong thực chiến. Tổng chiều dài quãng đường bay của tên lửa vào khoảng 240 km.
Quỹ đạo bay của Kumsong-3 trong vụ phóng ngày 8/6/2017. Ảnh: The Diplomat
Những phân tích trên hoàn toàn phù hợp với các tham số Triều Tiên công bố về vụ thử. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết sau vụ thử nghiệm: "Tên lửa được phóng đi đã phát hiện và tấn công chính xác các mục tiêu nổi trên biển Đông Triều Tiên (biển Nhật Bản) sau khi bay vòng".
Không phải cả 4 tên lửa phóng thử đều thành công tất nhưng việc Bình Nhưỡng tuyên bố về quỹ đạo bay "vòng " không hề là một phát ngôn cường điệu.
Tuy video và hình ảnh vụ phóng mà Triều Tiên công bố không cho thấy bằng chứng về đường bay theo tọa độ điểm nhưng các tên lửa thực sự đã tấn công trúng mục tiêu. Hơn nữa, trong ít nhất 2 hình ảnh được công bố, người ta đều nhìn thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng bên cạnh bản đồ mô tả quỹ đạo dự kiến của vụ thử.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh bản đồ mô tả quỹ đạo bay dự kiến của Kumsong-3. Ảnh: KCNA
Vẫn còn những hạn chế
Tất nhiên, việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa CDCM mới theo tọa độ điểm đã chứng tỏ được những giá trị về mặt kỹ thuật nhưng những ứng dụng chiến thuật thực tế thì vẫn còn hạn chế, nếu xét tới khoảng cách về năng lực tình báo, do thám và trinh sát biển của Hải quân nước này.
Không giống với tàu mục tiêu cố định, trong điều kiện tác chiến thực, các tàu đối phương của tổ hợp tên lửa Kumsong-3 sẽ di chuyển liên tục trên biển và triển khai các biện pháp đối phó.
Thêm nữa, xét ở cấp độ cơ bản hơn, các tên lửa hành trình bay ở tầm thấp, sát mặt nước biển sẽ có nhiều lợi thế khi di chuyển theo tọa độ điểm vì sẽ tránh được các vật cản và mối đe dọa biết trước trên đường bay tới mục tiêu mong muốn.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu thế này, Triều Tiên trước tiên cần phải nhận biết chi tiết được môi trường đe dọa gần bờ - một thách thức tiềm ẩn với cả Lục quân và Hải quân Bình Nhưỡng khi xảy ra chiến tranh.
Cuối cùng, dù Triều Tiên có các hệ thống radar phòng thủ biển, thì vẫn chưa biết mức độ các khẩu đội CDCM có thể đồng bộ hóa nhanh chóng thông tin mục tiêu khi xảy ra chiến tranh như thế nào. Triều Tiên dường như chưa sở hữu khả năng cập nhật đường bay hoặc thông tin mục tiêu cho các tên lửa Kumsong-3 mới trên hành trình bay.
Mặc dầu vậy, thành công về mặt kỹ thuật với Kumsong-3 đã là rất ấn tượng. Sau khoảng hơn 2 thập kỷ trải nghiệm với tên lửa hành trình chống hạm Zvedza Kh-35, Triều Tiên đã thành công trong việc chế tạo một TEL tích hợp hoàn toàn mới cho CDCM và đưa vào công nghệ bay theo tọa độ điểm.
Vẫn còn chưa rõ, liệu những cải tiến về thiết bị dẫn đường và định vị của tên lửa hành trình Kumsong-3 có được chế tạo hoàn toàn nội địa. Nếu đạt được điều này, đó sẽ là bước tiến lớn trong khả năng cải tiến các hệ thống tên lửa mua từ nước ngoài hiện có của Triều Tiên.