Điệp viên KGB và gói bưu kiện có cước gửi chưa đầy 100 USD mang tên lửa Sidewinder về Nga

QS |

Theo trang mạng War is Boring, tên lửa không-đối-không R-3S do Liên Xô chế tạo (NATO định danh: AA-2 Atoll) thực chất là phiên bản sao chép của tên lửa AIM-9B Sidewinder Mỹ.

Mẫu tên lửa của Liên Xô tương đối nổi tiếng nhưng rất ít người biết nó được tạo ra như thế nào. Bài viết trên War is Boring mới đây hé lộ rằng, sự ra đời của R-3S có liên quan đến... một gói bưu kiện chuyển bằng đường hàng không.

Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1958, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 2. Khi ấy, Trung Quốc đang chuẩn bị dùng vũ lực với Đài Loan - vùng lãnh thổ được Mỹ hậu thuẫn.

Tên lửa Mỹ vô tình rơi vào tay Trung Quốc

Trong các chiến dịch liên quan, Không quân Trung Quốc nhận được lệnh phải chiếm ưu thế trên không tại các đảo lân cận lục địa Trung Quốc nhưng do Đài Loan chiếm giữ, cụ thể là đảo Quemoy và Matsu.

Để ứng phó, vào tháng 8/1958, Mỹ đã giúp Không quân Đài Loan tái vũ trang một số phi đội bằng các máy bay chiến đấu F-86F Saber.

Điệp viên KGB và gói bưu kiện có cước gửi chưa đầy 100 USD mang tên lửa Sidewinder về Nga - Ảnh 1.

Tên lửa R-3S dưới cánh một chiếc MiG-21F-13. Ảnh: Sean O’Connor/War is Boring

Khi phát hiện máy bay Trung Quốc, Đài Loan lập tức xuất kích các máy bay đánh chặn của họ. Các cuộc đụng độ nảy lửa đã xảy ra.

Mặc dù bị lép vế về số lượng nhưng các phi công Đài Loan đã đạt được tỷ lệ tiêu diệt tương đối khả quan. Có điều, họ vẫn không tìm được cách nào để tiếp cận các máy bay MiG-15 của Không quân Trung Quốc bởi chúng hoạt động ở trần bay tối đa, tức là cao hơn trần bay của Saber vài nghìn feet.

Vì lẽ đó, Lầu Năm Góc đã quyết định trang bị cho các máy bay F-86 Saber của Đài Loan một loại vũ khí mới toanh, vẫn còn được giữ bí mật. Đó là tên lửa không-đối-không có đầu dò hồng ngoại, định danh là AIM-9B Sidewinder.

Mỹ đã lấy 40 tên lửa Sidewinder và 40 giá treo tên lửa từ kho của Thủy quân lục chiến rồi tới căn cứ không quân Hsinchu ở Đài Loan. Kèm theo đó là một nhóm gồm 5 kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đến từ phi đoàn chiến đấu 323 của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Khi có mặt tại Hsinchu, đội ngũ kỹ thuật Mỹ đã lắp tạm thời các giá treo mà họ mang theo lên 20 máy bay chiến đấu Saber của Đài Loan. Cách này tỏ ra khá hiệu quả, ít nhất 4 chiếc Saber trang bị tên lửa Sidewinder đã sớm tham gia chiến đấu.

Điệp viên KGB và gói bưu kiện có cước gửi chưa đầy 100 USD mang tên lửa Sidewinder về Nga - Ảnh 2.

Tên lửa R-13M được xuất khẩu sang Phần Lan trong những năm 1980. Ảnh: Wiki

Ngày 24/9/1958, 48 chiếc F-86F của Đài Loan đụng độ với 126 chiếc MiG-15 và MiG-17 của Không quân Trung Quốc ở Shantou. Bằng cách triển khai các tên lửa Sidewinder từ khoảng cách 2,7km (được cho là "rất xa" vào thời điểm đó) và từ vị trí ngay phía dưới những chiếc MiG của Trung Quốc, các phi công Đài Loan gây ngạc nhiên lớn.

Họ tuyên bố đã tiêu diệt 9 máy bay của Không quân Trung Quốc (có thể thêm 2 chiếc nữa nhưng chưa được xác nhận chắc chắn), trong khi không thiệt hại chiếc máy bay nào. 6 chiếc MiG của Không quân Trung Quốc đã bị tiêu diệt bởi tên lửa Sidewinder.

Một chiếc MiG-17 trúng tên lửa Sidewinder nhưng vẫn sống sót và trở về căn cứ. Tên lửa găm trên thân máy bay nhưng không phát nổ. Vì thế, Trung Quốc đã nhân cơ hội này tháo dỡ thứ vũ khí siêu việt của Mỹ rồi gửi sang Liên Xô để phân tích.

Tại Liên Xô, tên lửa Sidewinder được chuyển cho đội thiết kế của chính phủ Liên Xô, do Ivan Toropov làm đội trưởng.

Theo lời một kỹ sư của Nga, do ấn tượng với sự đơn giản, hiệu quả của vũ khí Mỹ nên Liên Xô đã quyết định dùng kỹ thuật đảo ngược và cho ra đời mẫu tên lửa của họ vào năm 1960.

Chưa đầy 10 năm sau, tên lửa R-3S được đưa vào biên chế của khoảng 20 lực lượng không quân trên thế giới. Tuy nhiên, các cuộc không chiến tại Trung Đông và Đông Nam Á cho thấy loại vũ khí này nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Vì thế, Liên Xô đã rất vui mừng khi nhận được phiên bản AIM-9 mới của Mỹ. Lần này, họ nhận được qua đường bưu điện, một bưu kiện được chuyển thẳng tới Moscow.

Điệp vụ bí mật

Lợi dụng thời tiết với sương mù dày đặc và sự canh gác lỏng lẻo của quân Mỹ, Manfred Ramminger - một điệp viện KGB ở Tây Đức - đã lẻn vào căn cứ không quân Neuburg đêm 22/10/1967.

Cùng với tài xế người Ba Lan Josef Linowski và một phi công máy bay F-104 Starfighter của Đức - Wolf-Diethard Knoppe, Ramminger đã lấy trộm được tên lửa AIM-9 từ một kho chứa đạn và dùng xe cút kít đẩy tên lửa men theo đường băng tới chiếc Mercedes đỗ bên ngoài căn cứ.

Điệp viên KGB và gói bưu kiện có cước gửi chưa đầy 100 USD mang tên lửa Sidewinder về Nga - Ảnh 3.

Các tên lửa R-3S do tổ chức IS thu giữ được tại căn cứ không quân Tabqa ở Syria mùa hè năm 2014. Ảnh: ISIS

Dài tới 2,9m nên tên lửa này khá cồng kềnh. Ramminger phải đập vỡ cửa kính phía sau xe rồi lấy tấm thảm che phần nhô ra của tên lửa. Để không bị cảnh sát để ý, Ramminger phải đánh dầu phần nhô ra bằng một tấm vải đỏ, theo quy định của luật pháp khi ấy.

Khi về tới nhà tại Krefeld một cách suôn sẻ, Ramminger bắt đầu từ từ tháo dỡ tên lửa Sidewinder. Ông giữ lại ngòi nổ để tự tay trao lại cho đầu mối liên lạc với KGB.

Sau đó, Ramminger nhét toàn bộ phần còn lại của tên lửa vào một cái hộp rồi đi tới bưu điện gần nhất. Tại đây, ông gửi bưu kiện bằng đường hàng không tới thẳng Moscow.

Để tránh gặp phải bất cứ vấn đề nào với hải quan Đức hay Liên Xô, Ramminger đã khai rằng bên trong bưu kiện là hàng thứ phẩm.

Do khối lượng tương đối nặng nên bưu kiện này có cước gửi lên tới 79,25 USD (tương đương 1,8 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay).

Điều trớ trêu là dịch vụ chuyển phát đường hàng không khi ấy cũng mắc phải nhiều sơ xuất như ngày nay. Vì thế, gói bưu kiện của Ramminger đã được chuyển từ Frankfurt, qua Pháp, tới Copenhagen, sau đó quay trở lại Düsseldorf trước khi đến được Moscow - trễ tới 10 ngày so với dự kiến.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Ramminger cùng thân cận của ông đều bị bắt vào cuối năm 1968 và bị giam giữ 4 năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Liên Xô đã bắt đầu sao chép được tên lửa Sidewinder thế hệ mới.

Một vài năm sau, họ cho ra đời phiên bản mới của tên lửa R-3S, đó là R-13M với tính năng được cải thiện đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại