Nga đang nỗ lực theo đuổi việc phát triển một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân mà theo như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin là "không thể đánh bại".
Mỹ cũng đã từng có ý tưởng chế tạo loại vũ khí này nhưng khi đánh giá lại thấy rằng nó quá tốn kém, quá phức tạp, quá nguy hiểm và rất không cần thiết nên đã quyết định từ bỏ.
Hiện chưa có nhiều thông tin được tiết lộ về loại vũ khí mà Nga mệnh danh là "Ngày tận thế". Tuy nhiên, loại tên lửa này có mối liên hệ tới các hệ thống vũ khí mà Nga và Mỹ đều theo đuổi trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh nhưng sau đó cả hai đã từng bước loại bỏ.
Giờ đây, đứng trước cuộc cạnh tranh quyền lực mới, Moscow và Washington dường như lại đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang đầy nguy hiểm mà có thể một bên cho rằng bên kia không có khả năng làm tốt hơn mình.
Trong thông điệp liên bang tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Putin đã tự hào tiết lộ về một loạt hệ thống quân sự mới, trong đó có một số tên lửa được gọi là vũ khí "Ngày tận thế" và, theo như lời ông chủ Điện Kremlin, là có thể "chọc thủng mọi mạng lưới phòng thủ của Mỹ" hiện nay.
Một trong số những vũ khí hiện đại này là tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik, hay như theo mã định danh của NATO là SSC-X-9 Skyfall.
"Tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân là một ý tưởng quá táo bạo. Mỹ từng cân nhắc phát triển nó nhưng đã phải từ bỏ do đó là một ác mộng về kỹ thuật, chiến lược và môi trường", Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Không phổ biến Vũ khí James Martin, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nhận xét.
Mỹ từng thử nghiệm máy bay NB-36H Crusader mang theo lò phản ứng hạt nhân nhưng đã quyết định từ bỏ công nghệ này. Ảnh: KQ Mỹ
Những năm 1960, Mỹ đã xem xét chế tạo các tên lửa hành trình hạt nhân cho riêng mình mang tên "Dự Án Pluto" nhưng cuối cùng đã dừng lại, bởi theo Pike, một chuyên gia hàng đầu về chính sách phòng thủ, không gian và tình báo thì "đó là một ý tưởng tồi".
"Đó là ý tưởng xuẩn ngốc", Pike nói thêm, đồng thời giải thích rằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) truyền thống như Minuteman "rẻ hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn" trong việc đánh bại các đối thủ.
Chuyên gia Pike bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về những tuyên bố của Nga và coi tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân mà Moscow đang theo đuổi là "một hành động tuyệt vọng".
"Chúng quá đắt, quá phức tạp, quá nguy hiểm và không cần thiết", Pike nhấn mạnh.
Thế nhưng, nước Nga vẫn cố tình chạy đua với ý tưởng mạo hiểm này. Mục đích, theo Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ, là Moscow muốn đe dọa Washington.
"Có thể, trên một số lĩnh vực, các kỹ sư Nga chiếm ưu thế nhưng tựu chung lại, họ dường như đang làm một công việc không tốt", Kristensen chia sẻ trên trang mạng Task & Purpose.
Nga đã tiến hành một số vụ thử nghiệm nhưng đều không suôn sẻ như kế hoạch dự kiến. Vụ nổ ngày 8/8 gần đây tại thao trường Nenoksa khiến ít nhất 8 người thiệt mạng được cho là có liên quan tới tên lửa Burevestnik.
Ngày 13/8, Tổng cục Khí tượng Quốc gia Nga cho biết, lượng phóng xạ rò rỉ từ vụ nổ đã tăng gấp 16 lần so với mức bình thường ở thành phố này.
Hình ảnh vụ nổ động cơ hạt nhân của Nga ngày 8/8/2019