Ngày 13/5, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc đã rời bến cảng nhà máy đóng tàu Đại Liên, tiến hành chạy thử trên biển lần đầu tiên, chủ yếu tiến hành kiểm nghiệm hệ thống động cơ của tàu.
Type 001A có thể sớm đi vào hoạt động
Cục hải sự Liêu Ninh đã có thông báo cấm hàng hải mới nhất, cho biết từ ngày 11 - 18/5, sẽ tiến hành nhiệm vụ quân sự, cấm tàu thuyền đi lại ở một số vùng biển của biển Bột Hải và biển Hoàng Hải, vùng biển cấm này có tọa độ cụ thể.
Báo chí Hàn Quốc gọi tàu sân bay Type 001A là tàu Sơn Đông, cho rằng Type 001A được dư luận quan tâm vì đây là tàu sân bay tự chế đầu tiên có ý nghĩa thực sự của Trung Quốc, đại diện cho năng lực thiết kế, chế tạo tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Trung Quốc.
Nếu chạy thử thuận lợi, tàu sân bay Type 001A sẽ đưa vào triển khai chiến đấu thực tế từ cuối năm 2018. Do áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu, số lượng máy bay chiến đấu trên tàu Type 001A chỉ bằng khoảng một nửa tàu sân bay Mỹ. Trung Quốc còn chưa nắm chắc công nghệ phóng hơi nước.
Tuy nhiên, theo thông tin từ chuyên gia lĩnh vực điện từ Trung Quốc Mã Vĩ Minh, Trung Quốc ít nhất "dẫn trước" Mỹ 5 - 10 năm về công nghệ phóng điện từ. Đến nay, chỉ có tàu sân bay thế hệ mới của Mỹ là USS Gerald Ford mới sử dụng công nghệ phóng này, nhưng vẫn gặp nhiều sự cố.
Có nguồn tin tiết lộ, Trung Quốc sẽ sử dụng thiết bị phóng điện từ cho tàu sân bay tự chế thứ hai, tàu này được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, Trung Quốc.
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc chạy thử lần đầu tiên. Ảnh: Xinhuanet.
Tạo áp lực cho Đài Loan
Theo trang tin CRNTT, việc tàu sân bay Type 001A Trung Quốc chạy thử trên biển đã làm gia tăng áp lực cho Đài Loan. Quân đội Đài Loan sẽ rút ngắn thời gian sản xuất các tàu tuần tra lớp Đà Giang để xây dựng sức chiến đấu thế hệ mới cho hải quân Đài Loan.
Sáng ngày 14/5, người phụ trách cơ quan quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát xác nhận ở Viện Lập pháp, phương án sản lượng tàu Đà Giang sẽ rút ngắn từ 3 giai đoạn xuống còn 2 giai đoạn. Tham mưu trưởng hải quân Đài Loan, trung tướng Lý Tông Hiếu cũng cho biết lô 3 chiếc đầu tiên có thể hoàn thành đấu thầu trong năm nay, năm 2019 bắt đầu chế tạo, có thể hạ thủy, đi vào hoạt động vào năm 2025.
Theo Nghiêm Đức Phát, tàu Đà Giang là lực lượng chiến đấu then chốt trong "tác chiến phi đối xứng" của quân đội Đài Loan, tiếp theo sẽ hoàn thành theo 2 giai đoạn với "3 chiếc" và "8 chiếc".
Theo Lý Tông Hiếu, lô thứ hai chế tạo 8 chiếc hoàn toàn không phải đợi đến khi hoàn thành giai đoạn một mới có thể khởi động, có thể được đề xuất vào năm tới hoặc năm 2020 tùy thuộc vào tình hình. Việc rút ngắn này không có vấn đề gì đối với quân đội Đài Loan.
Được biết, tàu tuần tra Đà Giang dài 60,4 m, rộng 14 m, tốc độ cao nhất đạt 38 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 2.000 hải lý, chở 41 thủy thủ, có thể lắp các tên lửa Hùng Phong-2, Hùng Phong-3, có thể đóng vai trò "sát thủ" trong tấn công tàu chiến đối phương.
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc chạy thử trên biển. Ảnh: Sina.
Biển Đông bị đe dọa?
Mặc dù Đài Loan bị áp lực, nhưng theo đánh giá của phương Tây, trong phòng thủ biển gần, tàu sân bay bị ảnh hưởng bởi giới hạn về không gian. Nên vai trò tàu sân bay có hạn, giá trị thực tế của tàu sân bay không rõ rệt như vai trò của không quân và tên lửa ở biển gần Trung Quốc.
Mục đích cuối cùng trong phát triển tàu sân bay của Trung Quốc là vươn ra biển xa. Trong thực hiện nhiệm vụ ở biển xa, tàu sân bay có nhiều vai trò như "hộ vệ biển xa, cứu giúp trên biển".
Hiện nay, các nước vẫn đua nhau phát triển tàu sân bay, chẳng hạn Anh, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản… Điều này cho thấy tàu sân bay vẫn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng hải quân các nước.
Theo tờ Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 14/5, một số nước láng giềng có tranh chấp biển với Trung Quốc cũng lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay trong đòi hỏi chủ quyền.
Bài viết cho rằng giải quyết vấn đề tranh chấp biển với các nước xung quanh hoàn toàn không phải là động cơ chính phát triển tàu sân bay của Trung Quốc.
Hơn nữa, cho dù các nhà quyết sách Trung Quốc có ý sử dụng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép để giải quyết tranh chấp biển với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á thì tàu sân bay cũng không phải là trang bị tác chiến chủ yếu.
Hiện nay, Trung Quốc đã có nhiều sự lựa chọn về chính sách. Các máy bay chiến đấu chính của không quân, hải quân Trung Quốc như J-10, J-11, Su-27, Su-30 có bán kính tác chiến từ khoảng 1.500 km trở lên, đủ để vươn tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong tương lai, Trung Quốc còn trang bị hàng loạt máy bay chiến đấu J-20.
Tiếp theo, Trung Quốc cũng có ưu thế áp đảo so với các nước xung quanh về tên lửa như tên lửa hành trình bờ biển, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công hàng loạt đối phương. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sử dụng các loại tàu ngầm lớp Kilo, lớp Nguyên, lớp Tống... để kiềm chế tàu chiến mặt nước đối phương.
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc chạy thử trên biển. Ảnh: QQ.
Ngoài ra, lực lượng tàu chiến mặt nước Trung Quốc cũng ngày càng mạnh với các tàu khu trục chủ lực như Type 052C/D, có khả năng tác chiến tổng hợp khá mạnh cả về phòng không, săn ngầm, chống hạm, có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở biển gần như đối kháng, phong tỏa, chi viện hỏa lực.
Hơn nữa, tàu sân bay là vũ khí chính trong tác chiến biển xa, không gian ở biển gần như Biển Đông , biển Hoa Đông lại có hạn, hiệu quả tác chiến khó được phát huy hiệu quả.
Điều đáng chú ý nữa là, rủi ro tác chiến ở biển gần rất lớn, chẳng hạn dễ bị radar bờ biển, trạm giám sát điện tử và máy bay trinh sát theo dõi, giám sát, đồng thời dễ bị tấn công bằng máy bay chiến đấu triển khai trên đất liền, tên lửa hành trình và tàu ngầm. Trong thời chiến, tàu sân bay không phát huy được nhiều vai trò ở biển gần, trái lại rất dễ trở thành "con tin".
Trong trường hợp đáp trả cụm tấn công tàu sân bay Mỹ khi can dự vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cũng không có nhiều khả năng sử dụng tàu sân bay để chống lại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc còn có khoảng cách rất xa với Mỹ về trình độ công nghệ và kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay.
Động cơ căn bản phát triển hải quân tầm xa của Trung Quốc là do lợi ích của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Á, mà đã mở rộng trên toàn cầu.
Sở hữu tàu sân bay giúp Trung Quốc đoạt được quyền kiểm soát trên không ở biển xa. Trung Quốc học được kinh nghiệm này từ Mỹ, Anh.
Đáng chú ý, biên đội tàu sân bay có thể đóng vai trò như là một hạm đội tác chiến tổng hợp, có sự thống nhất về các chức năng như thu thập tình báo, điều động binh lực, chi viện hỏa lực, chỉ huy kiểm soát, có thể thực hiện toàn diện các nhiệm vụ tác chiến như phòng không, săn ngầm, tấn công bờ biển và tấn công chống hạm.
Ngoài ra, tàu sân bay hiện đại ngày càng thực hiện nhiều nhiệm vụ phi quân sự, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, chẳng hạn cứu trợ thảm họa, chi viện y tế và thực hiện các hoạt động viện trợ nhân đạo khác.
Tàu sân bay có thể tham gia cứu trợ nhân đạo khi sóng thần xảy ra. Ảnh: Huanqiu.
Trong thực tế, khả năng vận chuyển đường không theo chiều thẳng đứng và mạnh của tàu sân bay USS Ronald Reagan Mỹ đã phát huy vai trò rất quan trọng trong trận sóng thần ở Indonesia vào cuối năm 2004.
Trung Quốc phát triển tàu sân bay còn có mục đích thúc đẩy sức mạnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng hơn, cung cấp nhiều "sản phẩm công" hơn, mở rộng vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dự kiến, tàu sân bay Trung Quốc sẽ chủ yếu sử dụng cho 4 nhiệm vụ lớn gồm bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển, tiến hành ngoại giao hải quân, thực hiện răn đe khu vực và viện trợ nhân đạo, cứu giúp thảm họa.
Tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập hoặc huấn luyện ở khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan , nhưng ý nghĩa tiến hành trực chiến, sẵn sàng chiến đấu ở những khu vực này là không lớn.