Tàu sân bay Carl Vinson Mỹ bất khả xâm phạm: Bị tấn công trực diện chính là ngày tận thế?

Ngọc Hải |

Trong học thuyết tác chiến Hải quân Mỹ, nhóm tàu sân bay tấn công có thể coi là cốt lõi và chính là căn cứ nổi của Mỹ để kiểm soát các đại dương trên toàn cầu.

Nước Mỹ có nhiều quốc gia thù địch, vậy tại sao chưa bao giờ có nhóm tàu sân bay nào của Mỹ bị tấn công trực diện kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc? Tất cả đều có lý do….

Tấn công nhóm tàu sân bay sẽ bị đáp trả bằng vũ khí hạt nhân

Thực tế, nhóm tàu sân bay với hàng chục máy bay chiến đấu trên khoang và hàng nghìn thủy thủ đoàn có thể coi là căn cứ quân sự của Quân đội Mỹ hay "vùng lãnh thổ" của Mỹ trên biển. Việc mục tiêu trị giá tới hàng chục tỷ USD này bị tấn công sẽ gây ra thiệt hại cực lớn về người và của đối với Quân đội Mỹ.

Chính vì thế, việc nhóm tàu sân bay bị đe dọa tấn công đã được Mỹ con là hành động có thể bị đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Rõ rằng với "lời răn đe" như vậy không ai muốn tấn công trực diện và nhóm tàu sân bay của Mỹ, kể cả các siêu cường, trừ khi thế giới đã tiến tới ngày tận thế với Thế chiến thứ 3.

Điều này giúp giải thích tại sao tàu sân bay Mỹ có thể tương đối tự do hoạt động trên các đại dương mà không lo bị tấn công.

Tàu sân bay Carl Vinson Mỹ bất khả xâm phạm: Bị tấn công trực diện chính là ngày tận thế? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ.

Việc tấn công nhóm tàu sân bay Mỹ liệu có dễ dàng?

Đóng vai trò là căn cứ nổi trên biển, có lượng choán nước lớn và thiết kế vững chắc. Kể cả khi bị tấn công, để hạ được tàu sân bay cũng không phải là điều dễ dàng. Các tàu sân bay lớp Nizmit, như chiếc Carl Vinson, có kết cấu 25 tầng, chiều cao thân tới hàng chục m và lượng choán nước tới hơn 100.000 tấn rất khó có thể bị hạ bởi đòn tấn công thông thường.

Khi chuyển trạng thái chiến đấu, mỗi khoang trên tàu sân bay đều được đóng kín vầ thiết kế vỏ tàu chịu được các đợt tấn công bằng ngư lôi đủ để không gây thiệt hại nghiêm trọng. Như vậy, kể cả trúng vài đạn ngư lôi, nhiều khoang bị ngập nước thì tàu sân bay vẫn có thể cơ động đủ để Quân đội Mỹ tung đòn phản công chiến lược bằng vũ khí hạt nhân.

Mặt khác, nhờ động cơ hạt nhân, tàu sân bay có thể cơ động với vận tốc tối đa tới 35 hải lý/giờ. Đây là mốc tốc độ đủ nhanh để đối phương khó có thể theo kịp.

Có thể so sánh, khi tàu ngầm thông thường phát hiện ra tàu sân bay, trong khoảng 30 phút, tàu sân bay đã có thể cơ động ở khoảng cách 700 hải lý vuông và con số này tiếp tục lũy tiến theo thời gian. Vậy việc theo dõi và bắn hạ tàu sân bay liệu có dễ dàng?

Ngoài thiết kế và khả năng cơ động, tàu sân bay không hoạt động một mình, mà nó được bảo vệ nhiều lớp với các tàu ngầm, khu trục hạm, tuần dương hạm và máy bay chiến đấu mang theo trên khoang.

Tàu sân bay Carl Vinson Mỹ bất khả xâm phạm: Bị tấn công trực diện chính là ngày tận thế? - Ảnh 2.

Bộ đôi tàu hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng Tiên Sa gồm: tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG 108). Ảnh: Bình Nguyên.

Các hệ thống phòng thủ này được hợp nhất với nhau thông qua trung tâm chỉ huy hợp nhất. Hỏa lực các tầm các cỡ từ hạm đội hộ tống, máy bay trên khoang và thậm chí là từ chính tàu sân bay sẽ khiến việc tiếp cận đã khó, chứ chưa nói tới việc tấn công hạm đội tàu sân bay của Mỹ.

Liệu các tàu ngầm, chiến hạm của đối phương có thể sống sót tới khi tiếp cận đủ khoảng cách để tấn công tàu sân bay khi phải đối phó với hỏa lực từ trên không, trên hạm, dưới nước của nhóm tàu hộ tống? Trên thế giới hiện có rất ít quốc gia sở hữu khả năng như vậy.

Hải quân Mỹ đã có kinh nghiệm hàng thập kỷ vận hành nhóm tàu sân bay. Có thể nói không quá, nhưng Mỹ hiện là quốc gia có kinh nghiệm, trang bị, cũng như các phương án sử dụng nhóm tàu sân bay trong điều kiện chiến đấu hàng đầu thế giới.

Bên cạnh những trang bị hiện đại, chiến thuật tác chiến của nhóm tàu sân bay cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng sống sót của "căn cứ nổi trên biển này.

Hải quân Mỹ sẽ không bao giờ cho tàu sân bay tiếp cận khu vực vẫn còn tiềm ẩn mối nguy cơ, tất cả chúng sẽ được dọn sạch trước khi nhóm tàu sân bay tiếp cận vị trí chiến đấu. Việc làm thế nào để đảm bảo được điều kiện như vậy hiện vẫn là điều bí mật và chỉ có Hải quân Mỹ sở hữu.

Sự phát triển của công nghệ là không ngừng, bản thân Mỹ cũng liên tục áp dụng các công nghệ bảo vệ mới nhất để "vá các lỗ thủng" ẩn chứa nguy cơ có thể đe dọa tàu sân bay hiện nay. Một trong những hướng phát triển mới nhất là công nghệ điều phối và kết hợp tất cả các hệ thống chiến đấu của hạm đội tàu sân bay trong một thể hợp nhất.

Điều này giúp tối ưu khả năng phòng thủ, cũng như các hệ thống đối kháng điện tử của nhóm tàu sân bay ở mức độ cao nhất.

Với những điều kiện như trên, nhóm tàu sân bay của Mỹ sẽ còn tiếp tục tung hoành trên các đại dương nhiều thập kỷ nữa, trước khi thế giới xuất hiện loại vũ khí phổ biến có thể đe dọa trực tiếp tới nó. Thậm chí, kể cả khi xuất hiện, liệu quốc gia sở hữu có dám sử dụng khi phải đối mặt với kịch bản bị trả đũa bằng vũ khí hạt nhân toàn diện từ Mỹ?

Ngắm hoàng hôn Đà Nẵng từ tàu sân bay Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại