Có vùng cấm nào với phóng viên Việt Nam trên tàu sân bay và tàu hộ tống Mỹ không?

Bình Nguyên |

Được đến thăm "lãnh thổ di động" của Mỹ trên các vùng biển quốc tế - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson mà không cần Visa có lẽ là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Thăm "lãnh thổ di động" của Mỹ mà không cần Visa

Tôi may mắn có mặt trong nhóm phóng viên Việt Nam đầu tiên được mời lên thăm nhóm tác chiến viễn chinh tàu sân bay USS Carl Vinson, cùng 2 tàu hộ tống gồm tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) lớp Ticonderoga và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG-108) lớp Arleigh Burk của Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng.

Tàu sân bay USS Carl Vinson được ví như thành phố nổi trên biển vì kích cỡ cũng như vũ khí trang bị quá khủng của nó. Theo học thuyết của Hải quân Mỹ thì các nhóm tác chiến tàu sân bay là những cú đấm cực mạnh trên các đại dương và là "lãnh thổ di động" của nước Mỹ.

Với số máy bay chiến đấu và máy bay bổ trợ (chỉ riêng trên tàu sân bay là khoảng hơn 90 chiếc, chưa kể số máy bay trên các tàu khu trục, tuần dương đi kèm), tên lửa Tomahawk có sẵn trên các tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson có thể triển khai các đòn tập kích đường không mạnh mẽ, chính xác cũng như khả năng phòng thủ hoàn hảo.

Có vùng cấm nào với phóng viên Việt Nam trên tàu sân bay và tàu hộ tống Mỹ không? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đầu F/A-18 trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Bình Nguyên.

Như các bạn đã biết, để được đặt chân đến nước Mỹ không hề dễ dàng, cho dù bạn có tiền, bởi quá trình xin Visa tương đối khó khăn. Còn chúng tôi, các phóng viên Việt Nam chẳng những không cần Visa khi thăm các tàu thuộc loại khủng nhất của Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng mà còn được tạo điều kiện tác nghiệp khá tốt.

Vùng cấm nào với phóng viên?

Ngay từ trước khi lên tàu chuyển tải từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ra thăm tàu sân bay, tôi cũng như nhiều phóng viên Việt Nam khác có chung một câu hỏi liệu có vùng cấm nào khi "lang thang" tác nghiệp trên tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống hay không?

Và tôi đã ngỡ ngàng khi có câu trả lời có từ rất sớm: Không hề có bất cứ vùng cấm nào. Các sĩ quan phụ trách truyền thông của Hạm đội 7, của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 2 (mà tàu USS Carl Vinson là nòng cốt) và của từng tàu đã dẫn chúng tôi đi thăm quan những nơi trọng yếu.

Ngay trước khi bước lên tàu, các sĩ quan hải quân Mỹ dẫn đoàn đã rất vui mừng chào đón các phóng viên Việt Nam và có đôi lời dặn dò: Các bạn chú ý khi di chuyển, tránh để va chạm và nhất là tránh bị cộc đầu bởi không gian khá hẹp mà ta thường thấy trên các tàu quân sự. Đặc biệt, các bạn có thể chụp ảnh, quay phim thoải mái!

Chao ôi, nghe được thế chúng tôi nhẹ cả người!

Có vùng cấm nào với phóng viên Việt Nam trên tàu sân bay và tàu hộ tống Mỹ không? - Ảnh 2.

Các sĩ quan, thủy thủ trên tàu khu trục DDG-108 chuẩn bị đón phóng viên lên thăm tàu. Ảnh: Bình Nguyên.

Trên tàu sân bay USS Carl Vinson, chúng tôi được thăm khoang chứa máy bay rộng và thoảng bởi hầu hết máy bay đã được đưa lên boong. Còn lên mặt boong, nơi các chiến đấu cơ F/A-18 và máy bay bổ trợ xuất kích thì phóng viên có thể sờ mó, chụp ảnh thoải mái.

Còn đối với 2 tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) lớp Ticonderoga và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG-108) lớp Arleigh Burk thì các phóng viên còn được dẫn lên thăm cả cabin chỉ huy, nhà chứa trực thăng,...

Nhưng ấn tượng đặc biệt với tôi chính là các bệ phóng tên lửa (tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng không các loại) bởi có nhiều ô phóng vẫn còn lưu lại rất rõ dấu vết của những lần khai hỏa. Cũng đúng thôi, bởi các tàu này đã nhiều lần tham dự các cuộc chiến và phóng đi cơ man nào những quả tên lửa.

Có vùng cấm nào với phóng viên Việt Nam trên tàu sân bay và tàu hộ tống Mỹ không? - Ảnh 3.

Dường như đây là dấu hiệu của những lần phóng tên lửa để lại. Ảnh Bình Nguyên.

Nói không có vùng cấm thì cũng chưa hẳn, tuy nhiên vẫn đúng với tất cả những nơi chúng tôi được thăm quan. Thật sự ra thì cũng có "vài chỗ" mà tôi muốn thăm đó chính là khoang chỉ huy tác chiến của tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương nơi mà các mệnh lệnh chiến đấu và hành động chiến đấu được phát đi hoặc thực hiện thì đã bị hạn chế.

Tại mỗi khúc ngoặt trên tàu, đều có sĩ quan, thủy thủ Mỹ đứng hướng dẫn để tránh việc chúng tôi vô tình hoặc cố tình đi lạc. Cũng đúng thôi, đây là những "trái tim tối mật" của các tàu trong nhóm tác chiến tàu sân bay số 2 của Mỹ.

Chưa được sục vào các nơi này khiến chúng tôi ít nhiều tiếc nuối, nhưng những kết quả thu lượm được đã là quá đủ bởi các phóng viên Việt Nam đã được tận mắt chứng kiến hầu như toàn bộ sức mạnh của những con tàu thuộc loại khủng nhất thế giới mà nhiều người mơ ước một lần đến thăm.

Khoang chứa trực thăng trên tàu khu trục DDG-108 của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại