Tàu sân bay: Bài học đau đớn và nỗi ám ảnh của Trung Quốc

Tiệp Nguyễn |

Kyle Mizokami, một cây viết về quốc phòng và an ninh quốc gia tại San Francisco đã phân tích bài học mà Trung Quốc rút ra sau cuộc khủng hoảng Đài Loan lần 3.

Tác giả cho rằng chính vì những bài học cay đắng có được mà Trung Quốc đã có khả năng đánh chìm tàu sân bay và đang xây dựng một hạm đội riêng cho mình, National Interest cho biết. 

Hơn 20 năm trước, một cuộc đối đầu quân sự tại Đông Á đã đẩy Mỹ và Trung Quốc gần tới một cuộc xung đột gây lo lắng. Tại Mỹ hầu như không ai biết đến rằng sự kiện này đã gây ấn tượng lâu dài với Trung Quốc đặc biệt là những nhà hoạch định quân sự của Bắc Kinh.

Các nhà sử học gọi đó là Cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3, đã cho Trung Quốc thấy sức mạnh và sự linh hoạt cùa tàu sân bay, điều ám ảnh đất nước này cho tới ngày nay. 

Cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 1995. Bắt đầu bằng cuộc bầu cử lãnh đạo dân chủ đầu tiên của Đài Loan được dự tính diễn ra năm 1996 - một sự kiện lớn mà Bắc Kinh đương nhiên sẽ phản đối.

Lãnh đạo Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy thuộc Quốc Dân Đảng đã được mời tới Mỹ để nói chuyện tại trường đại học Cornell.

Ông Lý không được Bắc Kinh ưa vì ông nhấn mạnh việc "bản địa hóa Đài Loan" - chính sách ủng hộ việc tự trị và thiết lập một Đài Loan tách rời với Trung Hoa đại lục. Khi ông được mời tới nói chuyện tại đại học Cornell về vấn đề dân chủ hóa của Đài Loan, Bắc Kinh đã rất giận dữ. 

Tàu sân bay: Bài học đau đớn và nỗi ám ảnh của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz .

Chính quyền của tổng thống Clinton khi đó đã rất miễn cưỡng cấp visa tới Mỹ cho ông Lý Đăng Huy. Trước đó 1 năm, ông đã bị từ chối cấp visa. Nhưng với sự nhất trí ủng hộ của Nghị viện đã khiến Nhà Trắng phải cung cấp visa để ông Lý tới Cornell vào tháng 6.1995.

Khi đó, Tân Hoa Xã đã đưa tin cảnh báo: "Vấn đề Đài Loan là một thùng thuốc nổ. Sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu làm nóng nó lên dù hành động này được thực hiện bởi phía Mỹ hay Lý Đăng Huy. Hành động cố ý này ảnh hưởng tới Trung Quốc và sẽ khiến cho người dân Trung Quốc nhận ra rõ ràng Mỹ là một đất nước như thế nào".

Vào tháng 8.1995, Trung Quốc tuyên bố một loạt các cuộc tập trận bằng tên lửa ở biển Hoa Đông.

Mặc dù các cuộc tập trận này là thông thường nhưng những tuyên bố của Trung Quốc thì lại bất thường và đã có suy đoán rằng đây là sự khởi đầu cho một chiến dịch hăm dọa của Trung Quốc với mục đích trả đũa cho chuyến thăm trường Cornell và dọa các cử tri Đài Loan trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau. 

Những cuộc tập trận được thực hiện bởi Quân đoàn Pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc (nay là Lực lượng Tên lửa) và triển khai các máy bay chiến đấu F-7 của Trung Quốc (phiên bản Trung Quốc của máy bay MiG-21) cách Đài Loan 400km.

Động thái này cũng rất quen thuộc như năm 2017, khoảng 100 tàu cá Trung Quốc đã vào hải phận thuộc quần đảo Mã Tổ của Đài Loan. 

Tàu sân bay: Bài học đau đớn và nỗi ám ảnh của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS Bunker Hill.

Theo trang Globalsecurity.org, việc Trung Quốc lại triển khai tên lửa tầm xa bắt đầu vào năm 1996, quân đội Trung Quốc khi đó đã thực sự chuẩn bị có hành động quân sự.

Trung Quốc đã có kế hoạch bất ngờ cho việc bắn tên lửa trong 30 ngày, mỗi ngày thực hiện một vụ phóng, một thời gian ngắn sau khi diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan vào tháng 3.1996. Những cuộc tấn công không được thực hiện nhưng việc chuẩn bị cho kế hoạch này đã được tình báo Mỹ phát hiện.

Tháng 3.1996, Trung Quốc tuyên bố thực hiện cuộc tập trận lớn lần thứ 4 kể từ khi ông Lý Đăng Huy thăm trường Cornell. Quân đội nước này thông báo các khu vực thử tên lửa tại đường bờ biển Trung Quốc - có hướng tên lửa tới hướng Đài Loan.

Thực tế, Trung Quốc đã bắn 3 quả tên lửa, hai quả rơi cách Đài Bắc 48km và một quả rơi cách Cao Hùng 56km. Hai thành phố này diễn ra phần lớn các hoạt động thương mại của Đài Loan. Với một nước xuất khẩu như Đài Loan, vụ bắn tên lửa giống như một cú đánh vào nền kinh tế.

Quân đội Mỹ cũng đang hoạt động trong khu vực. tàu USS Bunker Hill, một tàu tuần tiễu lớp Ticonderoga thả neo ở phía nam Đài Loan để theo dõi các vụ thử tên lửa của Trung Quốc bằng hệ thống radar SPY-1.

Tàu USS Independence (hoạt động ở căn cứ Nhật Bản) cùng với tàu khu trục Hewitt & O'Brien và tàu khu trục nhỏ McClusky giữ vị trí bên phía đông của Đài Loan.

Tàu sân bay: Bài học đau đớn và nỗi ám ảnh của Trung Quốc - Ảnh 3.

Năm 1998, Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine với giá 20 triệu USD.

Sau vụ thử tên lửa, tàu sân bay USS Nimitz rời khu vực Vịnh Ba Tư và đi về phía tây Thái Bình Dương.

Đây là một nhóm tàu sân bay mạnh hơn, bao gồm cả tàu tuần dương Port Royal, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Oldendorf và Callaghan (sau này được chuyển cho Hải quân Đài Loan), tàu khu trục nhỏ trang bị tên lửa dẫn đường USS Ford và tàu ngầm tấn công nguyên tử USS Portsmouth.

Tàu Nimitz và đội hộ tống neo trên vùng biển Philippines để sẵn sàng yểm trợ. Nhưng trái ngược lại với điều nhiều người tin tưởng, không có tàu sân bay nào thực sự tiến vào khu vực eo biển Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc không có khả năng chống lại tàu sân bay của Mỹ đã hoàn toàn bị bẽ mặt. Trung Quốc khi đó bắt đầu có kết quả của việc kinh tế phát triển nhanh, vẫn không có đủ khả năng quân sự để tạo nên một mối đe dọa thực thụ với tàu chiến của Mỹ trong khoảng cách gần bờ biển của mình.

Người ta không biết những gì đã được bàn thảo thay thế sau sự việc đó nhưng chỉ hai năm sau một doanh nhân Trung Quốc đã mua một chiếc tàu sân bay khổng lồ đang được chế tạo dở dang của Nga mang tên Varyag - và tuyên bố ý định biến nó thành một khu nghỉ dưỡng với casino. 

Ngày nay, chiếc tàu này mang tên Liêu Ninh, là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sau khi nó được chuyển cho hải quân Trung Quốc và được tân trang lại trong 15 năm. Hiện tại, ít nhất một tàu sân bay nữa đang được Trung Quốc chế tạo trong mục tiêu có được 5 chiếc tàu sân bay của Trung Quốc. 

Tàu sân bay: Bài học đau đớn và nỗi ám ảnh của Trung Quốc - Ảnh 4.

Tàu sân bay Liêu Ninh.

Cùng thời điểm, quân đoàn pháo số 2 của Trung Quốc đang nâng cao khả năng về tên lửa tầm xa với việc chế tạo tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Rõ ràng, DF-21D được sử dụng để chống lại những tàu lớn như tàu sân bay.

Trong một cuộc khủng hoảng tương lai nó sẽ khiến cho Hải quân Mỹ phải hoạt động cách Đài Loan 1.200-1.400km và phần còn lại của "Vòng phòng thủ thứ 1" - Kế hoạch phòng thủ đảo và biển do Trung Quốc thiết lập.

Cuộc khủng hoảng Đài Loan lần 3 là một bài học đau đớn với Trung Quốc - khi nước này đã chuẩn bị lâu dài để đánh một cuộc chiến ngay trong biên giới của mình. Và hải quân Trung Quốc đã học được một bài học.

20 năm sau, Trung Quốc đã có đủ khả năng để gây thương vong hay thậm chí đánh chìm một tàu sân bay Mỹ. Trung Quốc đang ở vị trí đặc biệt vừa thấy giá trị của tàu sân bay và đang xây dựng hạm đội, vừa dành rất nhiều thời gian và tiền của vào mục đích có được khả năng đánh đắm chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại