Trung Quốc tham vọng đóng tàu ngầm hạt nhân
Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh quốc gia Kyle Mizokami (tại San Francisco, Mỹ), đầu những năm 1980, Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân. Một trong những thành quả thu được là sự ra đời của chiếc tàu ngầm hạt nhân duy nhất mang tên lửa đạn đạo Type 092 (lớp Xia).
Được chế tạo với chi phí khổng lồ, tàu ngầm lớp Xia là nỗi thất vọng lớn tới mức khiến lớp tàu ngầm kế nhiệm phải 20 năm sau mới được triển khai.
Đối với một quốc gia có dân số trên 1 tỷ người thì Trung Quốc có lực lượng hạt nhân rất nhỏ, đi kèm theo đó là chính sách hạt nhân dè dặt. Bắc Kinh thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 và tới thiết bị nhiệt áp đầu tiên năm 1967.
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, dưới quyền kiềm soát của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc, ước tính có tổng cộng xấp xỉ 260 loại, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa trên bộ và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trên biển.
Chính sách hạt nhân của Trung Quốc khá thực dụng, chủ yếu bị kìm hãm bởi sự nghèo khó của họ trước đây.
Thay vì theo đuổi khả năng tấn công trước và chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân – việc đòi hỏi nguồn chi phí mà họ không thể kham nổi trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh phần lớn theo đuổi chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị – tập trung vào các loại vũ khí có khả năng sống sót cao, có thể phát động các cuộc tấn công trả đũa mang tính hủy diệt nhằm vào các thành phố của đối phương.
Kết quả là, trong thời kỳ đầu, lực lượng tên lửa trên bộ giữ vai trò chủ lực trong PLA.
Tới khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền vào năm 1978, ông đã cắt giảm chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển quân sự, nguồn lực còn lại được tập trung cho chương trình phát triển bộ 3, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, và vệ tinh liên lạc.
Lực lượng hạt nhân trên biển, với lợi thế là khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn các lực lượng cơ bản khác, tỏ ra phù hợp với chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị của Trung Quốc. Điều đó khiến tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo trở thành ưu tiên quốc gia, và công tác chế tạo được bắt đầu ngay trong năm đó.
"Thảm họa toàn diện" và tung tích bí ẩn
Tàu ngầm Type 092 của Trung Quốc. Ảnh: chinesemilitaryreview
Tàu ngầm Type 092 là tác phẩm của Khoa thiết kế tàu ngầm hạt nhân của Học viện số 7, do thiết kế trưởng Huang Xuhua giám sát dự án.
Mặc dù hầu hết các tàu ngầm của Trung Quốc khi ấy sử dụng thân tàu truyền thống bắt nguồn từ Thế chiến II, nhưng ông Huang đã đề nghị áp dụng thiết kế hình giọt nước mà Hải quân Mỹ đã đi tiên phong và giành được thành công lớn với tàu ngầm thử nghiệm USS Albacore.
Bản phác thảo đầu tiên của Type 092 được hoàn thiện vào tháng 10/1967. Chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, với tên mã Type 09, đã cho ra đời 2 tàu: tàu ngầm tấn công Type 091 và Type 092. Trong đó, mức độ ưu tiên phát triển được tập trung cho mẫu Type 092 (sau đó được gọi là lớp Xia).
Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Xia được hạ thủy năm 1981 và ra biển lần đầu tiên năm 1983.
Các tàu ngầm lớp Xia được thiết kế để mang theo 12 tên lửa đạn đạo Julang (Sóng lớn) JL-1. Đây là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn 1.770km và mang đầu đạn 250 kiloton.
Tên lửa JL-1 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: chinesemilitaryreview
JL-1 được bắn thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 9/1982, từ một tàu ngầm lớp Golf đã tu sửa. Tầm bắn của tên lửa này khá đáng thất vọng: khi được bắn từ Biển Vàng, nó gần như không thể tấn công nửa phía bắc của Nhật Bản. Và mặc dù JL-1 có thể đánh trúng thành phố Vladivostok của Liên Xô nhưng lại không vươn tới được trung tâm quân sự quan trọng Khabarovsk.
Nếu muốn tạo ra mối đe dọa với Moscow, tàu ngầm của Trung Quốc sẽ phải phục kích ở biển Baltic.
Chiếc tàu ngầm độc nhất lớp Xia không được xem là một thành công quân sự. Quá trình đóng tàu khó khăn khủng khiếp và dường như đã vượt quá giới hạn trong năng lực chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc.
Con tàu được đưa vào hoạt động năm 1983 nhưng gặp phải nhiều vấn đề dai dẳng về độ tin cậy, thậm chí lò phản ứng trên tàu còn bị rò rỉ phóng xạ.
Đây cũng là tàu ngầm "ồn ào" nhất trong số tất cả các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đã chế tạo, khiến nó dễ dàng bị đối phương phát hiện và theo dõi.
Con tàu này chỉ thực hiện một chuyến tuần tra duy nhất và không bao giờ trở lại biển nữa, nó phải quanh quẩn ở cầu tàu trong một khoảng thời gian dài tới mức từng có tin đồn nó đã bốc cháy và chìm nghỉm vào năm 1985.
Về sau, có thông tin con tàu được đưa đi tu sửa vào năm 1995 nhưng vẫn "bặt vô âm tín" nhiều năm sau đó. Tới năm 2000, nó xuất hiện trong phút chốc khi tham gia một cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc nhưng sau đó lại trở về với cuộc sống khá ảm đạm của mình.
Con tàu được đưa trở lại ụ khô tại Căn cứ tàu ngầm Jianggezhuang trong giai đoạn 2005-2007.
Ban đầu, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có khả năng hoạt động mạnh mẽ và trở thành một phần thiết yếu trong lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Song, những trở ngại vấp phải trong quá trình chế tạo đã buộc Bắc Kinh phải hạ thấp tham vọng của họ.
Con tàu sau đó được sử dụng nhiều hơn với vai trò tàu thử nghiệm, cho phép Trung Quốc kiểm tra và đánh giá các công nghệ mới dưới nước trong bối nước này cảnh đang chuyển hướng tập trung đầu tư nhiều hơn cho lực lượng hải quân.
Mặc dù không thể gọi là "hoàn hảo" (vẫn còn chưa khắc phục được vấn đề tiếng ồn) nhưng 4 tàu ngầm lớp Jin sau này đã gần hơn với kỳ vọng của Trung Quốc trước đây về khả năng răn đe hạt nhân trên biển.
Tiết lộ về tàu ngầm Type 092 Trung Quốc