Một khi chìm xuống, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân thường lặn dưới nước trong 70 ngày. Không giống như các tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles hoặc lớp Virginia mang vũ khí thông thường và có thể cập cảng khắp thế giới, các SSBN trang bị tên lửa hạt nhân hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Trong những lần hiếm hoi này, chúng thường nổi lên ở vùng biển của Mỹ hoặc ở các bến cảng của Anh - đồng minh hàng đầu của Mỹ.
Nhưng vào sáng 20/10, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo Tướng Michael Kurilla đã đến thăm tàu ngầm USS West Virginia (SSBN 736) tại một địa điểm không được tiết lộ trong vùng biển quốc tế thuộc Biển Arab.
Động thái này chưa từng xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi có khoảng cách gần như tương đương với Moskva và Bắc Kinh, đã khiến các nhà phân tích phải suy đoán xem thông điệp đằng sau đó là gì.
West Virginia là một trong sáu SSBN đóng tại Căn cứ Tàu ngầm Hải quân Kings Bay, Georgia. Mặc dù tốc độ mà một SSBN di chuyển dưới nước vẫn là điều bí mật, nhưng giới quan sát dự đoán nó bắt đầu dịch chuyển từ căn cứ trên bờ biển Đại Tây Dương đến Biển Arab trùng vào thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cách đây gần một tháng.
Với việc SSBN tàng hình khó có thể đi qua các vùng nước cạn như kênh đào Panama, kênh đào Suez và eo biển Malacca, tàu West Virginia sẽ phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Trước khi cập cảng, tàu ngầm thường dọn sạch các con động vật có vỏ cứng bám trên thân tàu để ngăn đối phương xác định xem con tàu đã ở trên biển bao nhiêu ngày. Bức ảnh do CENTCOM công bố cho thấy con tàu ngầm này đã được dọn sạch sẽ, không hề để lại manh mối nào.
Chỉ huy CENTCOM nhận xét tàu ngầm này là những viên ngọc quý trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, và West Virginia thể hiện sự linh hoạt, sự sẵn sàng và tiềm lực của các lực lượng Mỹ ở trên biển. "Tôi vô cùng ấn tượng với thủy thủ đoàn của West Virginia; những thủy thủ này đại diện cho mức độ chuyên nghiệp, chuyên môn và kỷ luật cao nhất trong quân đội Mỹ", ông Kurilla nói.
Cựu thủy thủ tàu ngầm Tom Shugart – chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới - lưu ý rằng Biển Arab có khoảng cách gần như ngang bằng đối với Bắc Kinh và Moskva, và dường như đây là thông điệp mà Mỹ muốn đến cả hai quốc gia kể trên. Về mặt kỹ thuật tên lửa, địa điểm này còn gần với cả Iran.
Theo ông Shugrat, sự xuất hiện của tàu ngầm tàng hình mạnh nhất của Mỹ tại Biển Arab có thể chỉ nhằm mục đích nhắc nhở rằng Mỹ luôn sẵn sàng và có thể gửi SSBN đến bất kỳ vùng đại dương nào mà không bị phát hiện.
Ông Tetsuo Kotani, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản và là giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Meikai, cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên một SSBN hiện diện công khai tại Ấn Độ Dương.
Ông nói: "Mục tiêu chính của thông điệp lần này có thể là các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Trung Quốc đang mở rộng ở vùng sa mạc phía Tây nước này. Mỹ muốn chứng tỏ rằng họ có lợi thế vượt trội về khả năng SSBN".