Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga có thể sắp cạn kiệt kho dự trữ vũ khí chính xác tầm xa khi chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động ở Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Nga.
Tổng thống Nga Putin ngày 15/10 đã tuyên bố sẽ không tiến hành thêm những đợt không kích tên lửa lớn tương tự nhằm vào Ukraine, vì các mục tiêu tấn công mà quân đội nước này đặt ra về cơ bản đã hoàn tất.
Dưới đây là ghi nhận của hãng tin AP về kho tên lửa Nga nhìn từ cả hai phía - Nga và phương Tây.
Máy bay phản lực Mikoyan MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal bay qua Quảng trường Đỏ trong một cuộc diễn tập chuẩn bị cho cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng ở Moskva, Nga, ngày 7/5/2021.
Nga nói gì?
Các quan chức Nga tuyên bố quân đội nước này có đủ kho dự trữ tên lửa tầm xa và các nhà máy đang vận hành mạnh hơn, bác bỏ tuyên bố của phương Tây cho rằng nguồn cung tên lửa của họ đang bị thu hẹp.
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 của Nga được trưng bày ở Kubinka, Moskva vào 23/1/2019. Ảnh: AP
Quân đội Nga không tiết lộ họ đã bắn bao nhiêu tên lửa và còn lại bao nhiêu trong kho, và cũng không có dữ liệu để đánh giá độc lập tình trạng của kho vũ khí Nga.
Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã chủ trì một cuộc họp để thảo luận về các kế hoạch thúc đẩy sản xuất vũ khí, nhưng ông không chỉ rõ các chi tiết cụ thể trong bài phát biểu được phát trên truyền hình của mình.
Theo hãng tin Interfax, hồi tháng 5, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố Moskva có đủ tên lửa và đạn dược để thực hiện tất cả nhiệm vụ được giao cho các lực lượng vũ trang nước này. Ông Borisov cũng cho biết Nga đang phát triển tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới có thể thực hiện các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển.
Quân đội Nga gần đây dựa vào các loại tên lửa nào?
Khi quân đội Nga mở đợt không kích khắp lãnh thổ Ukraine, bắt đầu từ ngày 10/10, họ đã sử dụng các loại vũ khí chính xác tầm xa gồm: tên lửa hành trình Kh-55 và Kh-101 được phóng từ máy bay ném bom chiến lược; tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển, cũng như tên lửa Iskander phóng từ mặt đất.
Máy bay MiG-31K của Nga mang theo tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal trong sự kiện diễu binh mừng 73 năm Ngày Chiến thắng vào 9/5/2018. Ảnh: AP
Hệ thống phòng không S-300 tham gia diễu binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ vào 9/5/2016. Ảnh: AP
Phương Tây cho rằng các lực lượng Nga cũng liên tục sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất. Đây là chi tiết mà một số nhà quan sát phương Tây cho là dấu hiệu Moskva thiếu hụt tên lửa.
Ông Ian Williams, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) có trụ sở tại Washington, cho rằng việc Nga vận hành các hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm cho thấy nước này đang cạn kiệt các tên lửa tiên tiến hơn phục vụ tấn công các mục tiêu mặt đất.
Các cuộc tấn công từ hệ thống phòng không S-300 của Nga “không có sức mạnh” để thực sự tiêu diệt các mục tiêu quân sự kiên cố, và chúng không có độ chính xác trong vai trò tấn công trên bộ, để tâm chí tấn công tòa nhà mà bạn muốn đánh trúng”, ông William nói.
Tên lửa chống hạm lắp đặt trên một tàu chiến ở căn cứ hải quân Nga tại Kronstadt, St. Petersburg vào 4/4/2022. Ảnh: AP
Tuy nhiên, theo giới quan sát phương Tây, việc Moskva sử dụng tên lửa phòng không có thể được lý giải bởi một kho dự trữ dồi dào các loại tên lửa cũ như vậy, vốn đã được thay thế bằng các vũ khí phòng không tiên tiến hơn, cũng như mong muốn của quân đội là để dành tên lửa tầm xa tiên tiến, đắt tiền hơn cho những mục tiêu đáng giá.
Mặc dù khó có thể có được con số, nhưng cách Nga sử dụng vũ khí đang nói lên điều đó. Trong cuộc tấn công gần đây ở Mykolaiv, một tên lửa đất đối không đã được sử dụng để tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Ông Douglas Barrie, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, gọi đây là “một dấu hiệu chắc chắn kho tên lửa đang ở mức thấp”.
Tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Biển Barents trong ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 28/5/2022.
Washington nói gì?
Hiện chưa rõ Mỹ đánh giá kho vũ khí Nga còn lại những gì. Nhưng hai quan chức cho biết, các nhà phân tích của chính phủ Mỹ đã lưu ý rằng Nga đã sử dụng các tên lửa hành trình và các loại rocket và pháo tầm ngắn, ít tốn kém hơn sau vụ đánh bom cầu Crimea.
Lựa chọn đó có thể chi ra rằng Nga đang còn ít vũ khí tầm trung tin cậy và rẻ hơn, cũng như đang gặp khó khăn trong việc bổ sung kho dự trữ do các lệnh trừng phạt và gián đoạn chuỗi cung ứng.