Theo truyền thông Ấn Độ, bộ quốc phòng nước này ngày 17/6 đã yêu cầu Hải quân Ấn Độ báo cáo chi tiết vụ cháy liên quan tới tàu ngầm động cơ điện - diesel lớp Kilo Đề án 877EKM mang tên S60 Sindhukesari.
Đáng chú ý, vụ hỏa hoạn đã xảy ra từ hồi đầu tháng 3/2019 nhưng Hải quân Ấn Độ cố che giấu nó, và gần đây mới bị "rò rỉ".
Giấu kín như bưng
Theo đó, vụ cháy xảy ra khi tàu ngầm S60 Sindhukesari đang nằm ở xưởng đóng tàu hải quân Mumbai, "nghiêm trọng hơn" là chiếc tàu này mới trở về Ấn Độ cách đây không lâu sau 3 năm sửa chữa thứ cấp và hiện đại hóa tại Severodvinsk, Nga.
Nguồn tin giấu tên cho biết, vụ cháy diễn ra trong quá trình người ta hàn thiết bị. Hỏa hoạn nhanh chóng được khống chế, không có người bị thương, nhưng các thành phần phòng điều khiển có thể bị ảnh hưởng bởi bồ hóng do đám cháy tạo ra. Chúng phải được kiểm tra và làm sạch hoàn toàn trước khi đưa tàu ngầm trở lại biển.
Các quan chức cũng tiết lộ, tàu ngầm đang được xử lý và sẽ mất ít nhất một tháng nữa trước khi nó có thể tái trang bị cho lực lượng hải quân.
Hiện chuyên gia Nga và Ấn Độ đang tiến hành phân tích cẩn thận đánh giá tác động lâu dài vụ hỏa hoạn.
Tàu ngầm S60 Sindhukesari hoàn thành nâng cấp tại Nga.
Lén tích hợp khí tài Mỹ, coi chừng "tiền mất tật mang"
Đáng quan tâm, nguồn tin của Economic Times khẳng định, vụ cháy xảy ra khi các kỹ sư đang tiến hành tích hợp một số linh kiện nội địa cũng như kính tiềm vọng có nguồn gốc từ Mỹ lên tàu.
Cụ thể ở đây là hệ thống kính tiềm vọng của hãng L3 Communition - một công ty chuyên về các khí tài giám sát, trinh sát, tình báo trang bị cho nhiều loại phương tiện.
Tiết lộ này của Economic Tímes khiến nhiều người không khỏi cảm thấy khó hiểu với các chương trình nâng cấp vũ khí Ấn Độ.
Bởi như đã đề cập, con tàu đã được gửi tới Nga suốt 3 năm để nâng cấp sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng thêm 10 năm.
Thế mà chưa đủ, về tới nước nhà, nó tiếp tục phải vào cảng Mumbai để lắp thêm thiết bị nội địa và từ Mỹ. Phải chăng Ấn Độ không hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ của Nga.
Dẫu vậy, việc tích hợp "khí tài lạ" lên tàu ngầm Nga có thể gây ra nhiều xung đột trong tương lai, không rõ Ấn Độ sẽ tự mình giải quyết việc này thế nào.
Còn về nguyên nhân vụ cháy, khả năng rất cao là do quá trình hàn xì không cẩn thận đã gây ra. Đây cũng là nguyên nhân của không ít vụ hỏa hoạn liên quan tới hải quân Ấn Độ và nhiều nước khác những năm gần đây.
Nhớ lại rằng, trong các năm gần đây tàu ngầm Kilo của Hải quân Ấn Độ liên tục gặp sự cố. Nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn trên tàu S63 Sindhurakshak hôm 14/8/2013 khiến tàu chìm ngay tại cảng.
Ngày 26/2/2014, tàu ngầm S59 Sindhuratna gặp hỏa hoạn nghiêm trọng ở khoang số 3 trên biển gần Mumbai khiến hai sĩ quan thiệt mạng.
S60 Sindhukesari là chiếc tàu ngầm thứ 6 trong loạt tàu ngầm đề án 877EKM mà Ấn Độ mua từ Liên Xô vào những năm 1980. Con tàu được chế tạo tại Liên hiệp sản xuất Admiralty Leningrad (nay là nhà máy Admiralty) ở Leningrad, chính thức biên chế Hải quân Ấn Độ cuối năm 1988.
Trong giai đoạn 1999-2001, con tàu trải qua đợt hiện đại hóa đầu tiên tại nhà máy ở St. Petersburg.
Tháng 10/2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 171 triệu USD sửa chữa và nâng cấp sâu, kéo dài thời hạn sử dụng S60 Sindhukesari lần hai.
Tháng 6/2016, tàu được vận chuyển tới Severodvinsk, 2 năm sau công việc này hoàn thành. Tháng 2/2019, tàu ngầm được tàu vận tải chuyển về Mumbai và tới đầu tháng 3 thì gặp hỏa hoạn.
Video hoạt động bên trong tàu ngầm Kilo 877EKM của Ấn Độ.