Việt Nam nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo hiện đại nhất
Chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) - tàu cuối cùng trong lô 6 chiếc cùng loại mà Việt Nam đặt mua từ Nga sắp cập cảng Cam Ranh. Trong biên chế Hải quân Việt Nam chiếc tàu ngầm thứ 6 này được đặt tên là Bà Rịa-Vũng Tàu với số hiệu 187.
Trước đây, nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga đã bàn giao cho Việt Nam lần lượt 5 tàu ngầm cùng loại là 182 "Hà Nội", 183 "Hồ Chí Minh", 184 "Hải Phòng", 185 "Khánh Hòa", 186 "Đà Nẵng". Các tàu này đều đã được hải quân Việt Nam tiếp nhận và vận hành tốt.
Tàu ngầm Project 636 lớp Varshavyanka (định danh NATO là Kilo) dài 74 mét, rộng 10 mét, thủy thủ đoàn 52 người, Các tàu ngầm lớp này có thể lặn sâu tối đa 300 mét và di chuyển với tốc độ lên đến 20 hải lý/h, tương đương 37 km/h, hành trình liên tục một tháng rưỡi, với phạm trình tối đa khoảng 9.600km.
Nếu so với các loại tàu ngầm khác trên thế giới, tiếng ồn của tàu Varshavyanka phát ra rất thấp, giảm phản xạ sonar, giúp cho chúng khó bị phát hiện hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia phương Tây gọi tàu ngầm lớp Varshavyanka là "hố đen trong đại dương".
Tàu ngầm lớp Kilo có thể tìm thấy mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 3-4 lần mà bản thân chúng có thể bị đối phương phát hiện và có khả năng tấn công toàn diện bằng tên lửa và ngư lôi vào mục tiêu trên không, trên đất, trên biển và có khả năng thả cả thủy lôi.
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng tấn công rất mạnh
Tàu ngầm lớp Varshavyanka có thể được sử dụng chống tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, để bảo vệ các căn cứ hải quân, các đường liên lạc trên biển và ven biển quốc gia, hoạt động tình báo để thu thập bí mật các thông tin từ hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.
Theo ý kiến của chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin, việc thành lập hạm đội ngầm là một dấu mốc rất quan trọng đối với Việt Nam. Bất kỳ quốc gia ven biển nào cũng sẽ phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nếu không có hạm đội tàu ngầm.
Trung Quốc cũng sở hữu những tàu ngầm loại này. Nhưng lợi thế của các tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là chúng mang theo không chỉ các ngư lôi và thủy lôi mà còn hệ thống tên lửa Kalibr phiên bản mới nhất (nổi tiếng với tên xuất khẩu là Club, với tàu ngầm là Club-S).
Tên lửa Club có tầm bắn giới hạn 300 km, với 2 phiên bản là 3M-54 (tên lửa hành trình chống hạm) và 3M-14 (tên lửa hành trình tấn công mặt đất). Với khả năng ẩn giấu của tàu ngầm, đòn tấn công tên lửa là rất nguy hiểm, không có cơ hội để đối phương đánh chặn.
Tên lửa Club giai đoạn đầu bay với tốc độ cận âm. Khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến 1 km/giây, tức là gấp ba lần tốc độ của âm thanh. Tên lửa tiếp cận mục tiêu ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.
Lần đầu tiên các thủy thủ đoàn của Việt Nam đã làm quen với tàu ngầm của Nga tại nhà máy ở St. Petersburg, trong thời gian học tập ở Nga. Sau đó, các thủy thủ đoàn của Việt Nam đã tham gia các bài tập trên ở cầu cảng của nhà máy và có 5 chuyến viễn hành.
Sau khi về đến Việt Nam, công tác huấn luyện tiếp tục được triển khai ở căn cứ tàu ngầm Cam Ranh, nơi các chuyên gia Nga thành lập Trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm hiện đại với đầy đủ các thiết bị và chương trình mô phỏng bất kỳ tình huống, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp.
Tại đây, mỗi kíp 52 thủy thủ Việt Nam sẽ được học tập và thao luyện những tình huống sát thực nhất để thành thục cách xử trí những sự cố có thể xảy ra trong thời gian hoạt động liên tục dưới đáy biển một tháng rưỡi, kể cả là những chuyến viễn hành dài ngày nhất.
Việc sở hữu 6 tàu ngầm Kilo sẽ nâng cao sức mạnh tác chiến cho hải quân Việt Nam bởi mỗi chiếc có thể vận hành độc lập, lặng lẽ giấu mình dưới lòng biển trong một tháng rưỡi.
Việc sở hữu chiếc tàu ngầm thứ 6 đánh dấu cột mốc mới đối với Quân chủng hải quân Việt Nam, khi binh chủng tàu ngầm chính thức sở hữu tới 2 biên đội tác chiến ngầm dưới đáy biển, cùng một thời điểm có thể tung ra hoạt động tuần tiễu 2-3 tàu ngầm.
Bởi vì, thông thường trong 1 năm, tổng thời gian hoạt động của các tàu ngầm chỉ từ 4-5 tháng, thời gian còn lại nó phải cập bờ để bảo dưỡng kỹ thuật và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi.
Việc sở hữu 6 chiếc Kilo sẽ giúp Việt Nam hình thành 2 biên đội tác chiến ngầm
Vì vậy, mỗi biên đội tàu ngầm Kilo phải có ít nhất từ 3 chiếc trở lên, trong đó 1 chiếc hoạt động tuần tiễu, 1 chiếc làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và 1 chiếc bảo dưỡng, duy tu tại cảng và chăm sóc sức khỏe cho đoàn thủy thủ.
Tàu mặt nước dễ bị phát hiện bằng máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định, máy bay trực thăng chống ngầm, máy bay không người lái hoặc từ vệ tinh, nhưng tàu ngầm ở độ sâu từ 50m trở xuống là không thể bị phát hiện bằng các phương tiện quan sát với dụng cụ quang học.
Do đó, các tàu ngầm sẽ là phương tiện tác chiến "tàng hình" tối quan trọng, giúp lực lượng hải quân thực hiện được nhiều nhiệm vụ mà các tàu mặt nước không thể đảm đương nổi.
Việc sở hữu tới 6 tàu ngầm hiện đại đã giúp hải quân Việt Nam có trong tay một vũ khí lợi hại, với những đòn tấn công ngầm dưới đáy biển rất khó đối phó, tạo nên sức mạnh mới để hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và lợi ích kinh tế biển của quốc gia.
Vị chuyên gia Nga cho biết, thật khó để đánh giá hết tầm quan trọng của hạm đội 6 chiếc tàu ngầm Kilo này. Việt Nam sẽ có thể sử dụng chúng nhằm bảo vệ một cách hiệu quả hơn lãnh hải, vùng kinh tế biển, hải đảo và các giàn khoan dầu khí của mình.