Vũ khí Trung Quốc hay Israel sẽ giúp quốc gia này đánh bại Anh?

Minh Hoàng |

Argentina đang có kế hoạch mua các tiêm kích Kfir Block 60 của Israel và tìm tới vũ khí Trung Quốc để củng cố lực lượng không quân, hải quân đang rệu rã của mình.

Theo chuyên viên phân tích Robert Beckhusen (chuyên các vấn đề về châu Mỹ Latinh) của trang mạng War is BoringArgentina đang cố gắng củng cố lại không lực của mình bằng cách đàm phán với Israel để đặt mua 12-14 tiêm kích cơ Kfir Block 60 trong năm 2017.

Đây là loại tiêm kích cũ từ những năm 1970 nhưng ở Block 60, nhiều cải tiến và nâng cấp mới đã được thực hiện như trang bị loại radar mảng pha chủ động (AESA) Elta 2032.

Tại sao Argentina lại cần các tiêm kích Kfir? Đương nhiên là nhằm củng cố khả năng phòng thủ bầu trời. Nhưng ngoài ra, họ còn nuôi ý định tái chiếm quần đảo Falkland/Malvinas trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, hàng không mẫu hạm duy nhất còn hoạt động trong Hải quân Hoàng gia Anh - đối tượng tác chiến chính của Argentina - là HMS Ocean, tuy nhiên nó chỉ là tàu mang trực thăng. 

Anh không còn một tàu sân bay đúng nghĩa nào. Dự án đóng 2 tàu lớp Queen Elizabeth vẫn chưa đâu vào đâu, khi chiếc đầu tiên của lớp này là HMS Queen Elizabeth theo dự kiến tháng 5/2017 sẽ đi vào hoạt động nay lại tiếp tục bị đẩy lùi hạn về phía sau thêm 3 năm nữa.

Có cơ hội nào cho Argentina?

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) năm 2016, khả năng phòng thủ của Argentina hiện nay là "đặc biệt yếu kém".

Trong cuộc chiến Falkland năm 1982, 1/3 lực lượng không quân nước này đã bị xóa sổ. Sau hơn 30 năm, số đó vẫn chưa được bổ sung thay thế. Không quân Argentina vẫn là lực lượng yếu kém nhất khu vực Mỹ Latinh.

Năm 2015, khi ông Mauricio Macri đắc cử Tổng thống Argentina, mối quan hệ của quốc gia Nam Mỹ này với Vương quốc Anh đã được cải thiện đáng kể sau nhiều năm bị đóng băng vì các chính trị gia mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở các nhiệm kỳ trước. Đến năm 2019, Macri vẫn được đánh giá sẽ là tổng thống của nhiệm kỳ tiếp theo.

Tuy nhiên, không vì thế mà Buenos Aires từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với Falkland.

Trong bài phát biểu trước giới chức quân sự tháng 5-2016, Tổng thống Mauricio Macri đã nói: "Phải thẳng thắn thừa nhận, chính quyền đã bỏ rơi quân đội trong nhiều năm. Điều này là do các vấn đề về ngân sách, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng ngăn cản".

Không quân Argentina chỉ còn 36 chiếc cường kích A-4AR Skyhawk, loại mà Hải quân Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Thực tế trong số đó cũng chỉ hơn 5 chiếc còn đủ khả năng chiến đấu. Các tiêm kích khác như Super Etendard và Mirage III đã bị cho nghỉ hưu từ năm 2015.

Nhiệm vụ phòng thủ bầu trời hiện tại do 30 chiếc cường kích IA 58 Pucara đảm nhiệm. Thực tế đây là loại máy bay cánh quạt được thiết kế nhằm thực hiện các phi vụ chống phiến quân và quân nổi dậy.

Không những thế, lực lượng này cò phải đối mặt với vấn đề thiếu đạn dược và tên lửa trầm trọng. Nạn tham nhũng, biển thủ đã tạo điều kiện cho các quan chức quân sự Argentina lấy trộm vũ khí của quân đội đem bán cho thị trường chợ đen.

Vũ khí Trung Quốc hay Israel sẽ giúp quốc gia này đánh bại Anh? - Ảnh 1.

Đồ họa: Việt Hùng

Nếu Israel đồng ý bán các tiêm kích Kfir, tình hình chắc chắn cũng chẳng thay đổi là bao. Các máy bay này có tầm hoạt động tương đối ngắn, nếu không được tiếp nhiên liệu, nó chỉ có thể chiến đấu trên bầu trời Falkland hơn chục phút. Hai máy bay tiếp liệu của Không quân Argentina là KC-130H lại không tương thích với loại tiêm kích này.

Đó là chưa tính đến trường hợp Tel Aviv từ chối cung cấp vũ khí chống hạm chính là tên lửa Gabriel III cho số tiêm kích này.

Trong kho vũ khí của Không quân Argentina vẫn còn một số tên lửa Exocet nâng cấp. Trong cuộc diễn tập thị uy quân sự tháng 2-2016, chúng vẫn chứng tỏ được khả năng chiến đấu của mình khi đánh chìm được một tàu chở dầu cũ ở khoảng cách 100 km trên vùng biển quần đảo Falkland.

Tuy nhiên, số tên lửa này còn rất ít và đặc biệt là dễ bị quân Anh nắm mã điều khiển (sự việc tương tự năm 1982 khi Pháp chuyển cho Anh mã điều khiển của các tên lửa Exocet có trong biên chế của Argentina), vì vậy Argentina đang tìm kiếm một đối tác mới không phải Phương Tây trên thị trường vũ khí, đó là Trung Quốc.

Bản thông cáo hôm 5/2 năm ngoái, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Argentina tại Bắc Kinh, đã xác nhận một số chương trình quân sự giữa 2 nước được đưa tin trước đó.

Trong lĩnh vực hải quân, Trung Quốc sẽ cung cấp 1 tàu phá băng, một số tàu kéo và tàu tuần tra xa bờ mới cho Hải quân Argentina.

Ngoài ra, còn có chương trình trao đổi sĩ quan, xây dựng bệnh viện dã chiến và hợp tác sản xuất tại Argentina các xe bọc thép chở quân (APC) Norincon 8x8 VN1.

Bản thông cáo còn đề cập tới việc thành lập một nhóm công tác để xem xét khả năng hợp tác của Argentina trong chương trình máy bay chiến đấu do Trung Quốc thiết kế.

Những báo cáo của Argentina từ cuộc gặp thượng đỉnh cho thấy các cuộc thảo luận tập trung vào khả năng bán cho Argentina 14 máy bay chiến đấu Thành Đô J-10 hoặc FC-1/JF-17 sản xuất tại Trung Quốc (tuy nhiên tới tháng 3/2016, đã có thông tin Argentina từ chối JF-17 để lựa chọn Kfir).

Mặc dù tăng cường mua sắm vũ khí nhưng giới chuyên gia nhận định, 100 xe bọc thép chở quân hoặc hơn, 5 tàu hộ tống hay 14 máy bay chiến đấu khó có thể làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh của Argentina với láng giềng hoặc tham vọng của họ với quần đảo Falkland/Malvinas đang tranh chấp với Anh.

Không quân và Hải quân Argentina đã mất gần hết sức chiến đấu sau thất bại năm 1982. Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu chiến tranh nổ ra, Argentina còn không có đủ tàu vận tải để đưa lính ra giữ đảo.

Quân đội Hoàng gia liệu còn đủ sức "vượt vạn dặm"?

Vũ khí Trung Quốc hay Israel sẽ giúp quốc gia này đánh bại Anh? - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ Tornado của Không quân Hoàng gia Anh trên đảo Falkland năm 2007. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Đối với Anh, tuyên bố chủ quyền của Buenos Aires trong hơn 30 năm nay gần như không có trọng lượng với họ. Nguyên nhân là do lực lượng vũ trang yếu kém của Argentina chắc chắn chẳng làm gì được họ. Nguy cơ bùng nổ một cuộc chạm trán quân sự tương tự năm 1982 là khó có thể xảy ra.

Trớ trêu, tương tự số phận của quân đội Argentina, Quân đội Hoàng gia Anh, cụ thể là Hải quân cũng suy yếu rất nhiều từ năm 1990 đến nay. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, cắt giảm ngân sách làm cho chương trình hiện đại hóa Hải quân bị kéo dài và ngắt quãng. Từng duy trì hơn 202 tàu ngầm và tàu mặt nước năm 1960, nay Hải quân Hoàng gia chỉ còn chưa đầy 80 tàu.

Anh chỉ duy trì 4 chiếc tiêm kích Typhoon tại sân bay Mount Pleasant trên đảo Falkland cùng 2 căn cứ tên lửa phòng không Rapier. Ngoài ra còn có 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard thường xuyên túc trực tại vùng biển Nam Đại Tây Dương. Quân số phòng thủ đảo hiện nay chỉ vỏn vẹn 1.500 quân.

6 năm qua, Anh đã tác động đến Tây Ban Nha và Thụy Điển, ngăn cản hai quốc gia này thực hiện thương vụ mua bán các chiến đấu cơ Mirage và Gripen với Argentina.

Năm 2015, Anh được một phen "hoảng hồn" khi có thông tin Nga cho Argentina thuê 12 cường kích Su-24. Thông tin này 1 tháng sau mới được phía Nga phủ nhận, gây ra một cuộc "khủng hoảng" cho Quân đội Hoàng gia Anh.

Trong trường hợp lịch sử lặp lại, khi toàn bộ căn cứ quân sự trên quần đảo Falkland bị quét sạch, Anh sẽ phải điều động một hạm đội liên hợp đến để giành lại quyền kiểm soát bầu trời, bảo vệ lực lượng đổ bộ lên đảo, như những gì tàu sân bay HMS Hermes và HMS Invincible làm năm 1982.

Tuy nhiên, như đã nói ở đầu bài, các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh phải ít nhất đến năm 2020 mới có thể đi vào hoạt động, điều này đang tạo ra một lỗ hổng phòng thủ cho Hải quân Hoàng gia.

Thêm vào đó, các máy bay F-35B mà Anh đặt mua từ Mỹ cũng phải đến năm 2020 mới có thể sẵn sàng chiến đấu. Phải thêm ít nhất 3 năm nữa, tức 2023, Anh mới nhận đủ 24 chiếc F-35B để hoàn thiện phi đội Không quân Hải quân 809, đơn vị chiến đấu trên tàu HMS Queen Elizabeth.

Đó là trong trường hợp dự án F-35 vẫn "thuận buồm xuôi gió" mà không bị các vấn đề chính trị ở nước Mỹ làm cản trở trong 5-6 năm tới.

Cơ hội dùng vũ lực là bằng không!

Tuy suy yếu nhiều so với thời điểm cuộc Hải chiến Falkland/Malvinas, lực lượng phòng thủ của quân đội Hoàng gia Anh vẫn vượt trội về cả lượng và chất so với Argentina.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, Anh vẫn có thể xoay xở để mượn các căn cứ không quân và hải quân đồng minh, mà cụ thể ở đây là Pháp tại Châu Phi. Trong kho dự trữ chiến lược, Anh Quốc vẫn còn gần 100 chiến đấu cơ Tornado và Typhoon, đủ khả năng tổ chức đáp trả các cuộc tập kích của đối phương.

Ba năm là thời gian quá ngắn, hoàn toàn không đủ để Argentina vực dậy đội quân lạc hậu và yếu ớt của mình chứ đừng nghĩ tới chuyện phát động một cuộc chiến nữa. Cơ may để giành lại Falkland hoàn toàn là bằng 0!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại